Vị thế địa – văn hóa nghìn xưa
Hà Nội là gì? Có thể đưa ra nhiều câu trả lời, nhiều cách trả lời với dạng vẻ khác nhau của tiếp cậnliên ngành.
Có thể có câu trả lời theo kiểu dân gian truyền thống, rằng Hà Nội là mảnh đất.
Nhị Hà quanh Bắc sang Đông
Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này
Người Đông Đô đã khéo "quy hoạch" cho thành phố quê hương.
Khen ai khéo họa dư đồ,
Trước sông Nhị Thủy, sau hồ Hoàn Gươm.
Có thể có câu trả lời của Lý Thái Tổ trong tờ chiếu dời đô đầu xuân Canh Tuất khi cả triều đình Đại Việt nhộn nhịp dời đô từ khu Hoa Lư, miền Tây Nam châu thổ sông Nhị (trở) về nơi:
"Ở trung tâm cõi bờ đất nước, có cái thế Rồng cuộn Hổ ngồi, vị trí ở giữa bốn phương Đông Tây Nam Bắc; tiện hình thế núi sau sông trước. Ở nơi đó địa thế rộng mà bằng phẳng, vùng đất cao mà sáng sủa, cư dân không khổ vì ngập lụt, muôn vật đều phong nhiều tươi tốt. Xem khắp nước Việt ta, chỗ ấy là nơi hơn cả, thực là chỗ bốn phương tụ hội, là nơi đô thành bậc nhất (thượng đô) của vương đế Muôn Đời".
Có thể có câu trả lời của nhà thơ thời Trần Phạm Sư Mạnh (đầu và giữa thế kỷ XIV):
Trấn áp Đông Tây, vững đế đô
Hiên ngang một tháp trội nguy nga
Non sông bền chặt Cột Trời chống
Kim cổ khó mòn dùi Đất nhô.
Cũng vẫn là sự ngôn từ hóa cái ý trung tâm và vòi vọi (Đề tháp Báo Thiên).
Cũng có thể có câu trả lời ông nghè thời Lê Nguyễn Giản Thanh có làm quan thời Mạc (cuối XV đầu XVI):
Sum một chốn y quan lễ nhạc
Trời đượm khí Xuân, sắc tươi tốt khắp hòa vũ trụ
Nước mừng thịnh trị, thế vững vàng chống cột Thần kinh
Nhớ xưa:
Cõi giữa Bang Trung.
Đứng trên thượng quốc.
Đỉnh Tản Sơn hùm chiếu Tây Nam
Dòng Nhị Thủy rồng chầu Đông Bắc.
Chợ nhà nhà, trăm dáng tựa đồ bôi tám bức.
Thành thành thị thị, nguồn té chen thức ánh nguồn hồng.
... Hướng bốn phương cùng họp đất này, giữa chưng thiên hạ;
Hòa mỗi chốn đều đô đấy, ngăn được thế hình.
... Những thấy: đời đời thành (Long) phụng ấy,
Kiếp kiếp sắc (Thái) Xuân này
Con con cháu cháu dõi truyền đến chưng muôn vạn ức!
(Phụng thành Xuân sắc phú (nôm)).
Ở bài Phú Nôm này, ta vẫn thấy sự phát triển của tư duy phong thủy về một mảnh đất có "tay long, tay hổ": Rồng cuộn Hổ ngồi từ bài Chiếu dời đô của vua đầu nhà Lý; cũng có cái tư duy dân gian về "Trước-Sau" mặt tiền mặt hậu của một đô thị: Cái mặt tiền ấy của Thăng Long là Sông Nhịvà, cùng với núi Tản Viên, đấy là hai biểu tượng của cả châu thổ miền Bắc quê hương buổi đầu của người Việt, nơi hình thành những nhà nước đầu tiên (cổ đại) và những nhà nước trung hưng trở lại (trung hiện đại). Những tư duy đô thị Đại Việt này được xác lập vững vàng trong các tác phẩm về sau, như Thượng kinh phong vật chí (lầm là của Lê Quý Đôn, thật ra là của một tác giả vô danh đầu thế kỷ XIX) hay Tây Hố chí (vô danh, XIX)...
Bản đồ thành Hà Nội thời Lê.
Ở những tác phẩm này cũng như Hà thành thất thủ ca (cuối XIX) ta đã thấy nổi bật lên hai biểu tượng: Núi Nùng và Sông Nhị:
Núi Nùng, sông Nhị chốn này làm ghi...
Và ngoài sông núi, các tác gia thế kỷ XIX còn nhấn mạnh một nét cảnh quan sinh thái nhân văn khác của Thăng Long - Hà Nội, đó là Hồ: Hồ Tây, Hồ Hoàn Kiếm (hay hồ Tả Vọng thời các chúa Trịnh...).
Đặt Hà Nội trong một bối cảnh rộng lớn hơn - Bắc Việt Nam - nhà địa lý học Nguyễn Thiệu Lâu (trong Một ít nhận xét về Hà Nội - Tập san Đại học Sư phạm Văn khoa) nhận xét rằng: Hà Nội là thủ đô tự nhiên của miền Bắc Việt Nam: Các mạch núi Tây Bắc - Đông Bắc đều dồn về đây rồi lan tỏa và do vậy các dòng sông đều tụ hội về đây rồi lan tràn xuống biển Đông. Đi vào chi tiết hơn và theo lý thuyết mô hình hiện đại, Vũ Hữu Minh và tôi đã tìm ra cái "mộc" (bouclier) đất vững chắc của Hà Nội và cụm núi Voi - núi Cung (đấy cũng là điểm cao nhất của đất Hà Nội - cốt 12m), là địa hình Dương quy định hệ địa hình âm là Hồ Tây (vốn là một khúc uốn dạng móng ngựa cũng như hồ Cổ Ngựa (đã bị lấp) - của sông Hồng) cùng với các sông Thiên Phù (đã bị lấp), Tô Lịch, Kim Ngưu... Mô hình Hà Nội được chúng tôi dựng như sau:
Toàn cảnh khu trung tâm thành cổ Hà Nội khoảng năm 1875-1877,
có thể thấy rõ Kỳ Đài, Đoan Môn, Kính Thiên, Bắc Môn.
Đây là tư duy "Tứ giác nước" của riêng Hà Nội và của chung nhiều đô thị cổ Việt Nam, như Cổ Loa, Hoa Lư, Huế... hay tư duy về con sông trước và con sông sau (thường bị xem nhẹ) của một đô thị Việt Nam. Trong trường hợp Hà Nội: Sông Nhị là sông trước và sông Tô là sông sau. Từ mô hình đó, đối chiếu với thực tế, chúng tôi phát hiện ra rằng các cửa ô cơ bản ngày trước của thủ đô Hà Nội đều là Cửa Nước (đúng nghĩa của khái niệm Wategate), ví dụ: Ô Cầu Giấy nằm ở ngã ba Tô Lịch - Kim Ngưu, Ô Đồng Lầm (Kim Liên) nằm ở ngã ba Kim Ngưu - Sét, Ô Đống Mác (Thanh Nhàn) nằm ở ngã ba Kim Ngưu - Lừ, Ô Bưởi (Hồng Tân của Tây Hồ chí) nằm ở ngã ba Tô Lịch - Thiên Phù...
Đây là một nhận xét quan trọng về nhiều mặt. Từ đó ta hiểu các chợ ven đô hay chợ ô nằm ở các cửa nước của thành Ngoại (La Thành hay Đại La thành trong sử sách từ thời Lý dài hơn 30km), đấy là nơi giao lưu kinh tế văn hóa giữa nội thành (kinh thành) với vùng ngoại thành rộng lớn ở châu thổ Bắc Bộ và đấy đều vốn là chợ bến - chợ búa, nghĩa là chợ ở ngã ba sông, trên bến dưới thuyền tấp nập... Cũng từ đó, ta hiểu công việc nạo vét sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu của các triều đại ngày trước cùng nguyên nhân sâu xa của cảnh ngập lụt của Hà Nội hôm nay vào mùa mưa, khi nhiều sông kênh cấp thoát nước bị lấp và tình trạng nguy hiểm của việc lấn chiếm đất ven sông hồ... Việc khai thông lại các sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Sét, sông Lừ, việc chống lấn chiếm đất, giải tỏa các công trình xây trên lòng sông cũ (như ở ngã ba Hồ Khẩu) dọc dải sông Tô từ Thụy Khuê xuống Bưởi... là một công việc "cần làm ngay", rất bức bách...
Một khi từ miền Bắc Việt Nam đất cổ và đất Tổ, do áp lực dân số và do chiến tranh, từ trong lòng xã hội Việt nổi lên một trào lưu năng động Nam tiến suốt ngàn năm lịch sử (từ X đến XIX). Theo với quá trình Nam tiến đó, là sự tạo dựng các đô thị mới, như Huế, Đà Nẵng - Hội An, Sài Gòn... chúng vẫn mang một mẫu số chung với Hà Nội cổ truyền là thuộc loại hình Đô thị sông. Nhưng chúng cũng mang một nét bản sắc mới: Đó là những cảng thị ven sông biển. Tôi đã nêu lên tư duy về một nền văn hóa cảng thị là cái "mặt tiền" của văn hóa miền Trung (mặt hậu, là văn hóa xóm làng). Hà Nội cần có những tiền cảng thị, ở thế kỷ XVII-XVIII là cảng thị sông Phố Hiến với câu ca để đời:
Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến.
Và đến cuối XIX - đầu XX đó là cảng thị Hải Phòng mà giờ đây cái nhìn chiến lược kinh tế mới đã nói đến Khu tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Hà Nội đã nhiều phen bị mất (hay đe dọa bị mất) vai trò Thủ đô (như thời gian cuối XVIII - gần hết XIX). Người Hà Nội khi ấy đã nhận thức lại sâu hơn về vị thế địa văn hóa của mình và vẫn nói:
Long Thành thật xứng Cố Đô
Kim Âu chẳng mẻ cơ đồ dài lâu.
Huế, Sài Gòn đã từng có lúc đóng vai trò Thủ đô, của cả nước hay của một miền và ở nửa sau thế kỷ XX chúng trở thành trung tâm của từng vùng miền của nước Việt Nam. Không nên nói rằng Huế là kinh đô của Việt Nam cho đến năm 1945. Ngay ở nửa cuối thế kỷ XIX một tác giả Pháp đã viết: "Hà Nội vẫn là trái tim của cả nước" cho dù Huế đã là kinh đô Việt Nam từ 1802. Và dưới thời Pháp thuộc, Hà Nội (chứ không phải Huế, Sài Gòn) là Thủ đô của cả Đông Pháp (Đông Dương thuộc Pháp, bao gồm Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Lào, Miên).
Tới 1945 với Cách mạng tháng Tám, Hà Nội lại trở thành Thủ đô của cả nước Việt Nam. Rồi từ cái mốc 1975 lịch sử...
Lịch sử đó khi Tụ khi Tán. Huế và Sài Gòn nảy sinh và phát triển ở thời kỳ Ly tán đó. Và cũng vì Việt Nam địa thế hẹp chiều ngang Tây - Đông, rộng chiều dài Bắc - Nam. Cái nhìn Địa - Lịch sử (geohistorique) sẽ cho ta thấy: Sự kiện lịch sử lớn (Nam tiến) phối hợp với không gian địa lý (địa bàn) của một cư dân nông nghiệp lúa nước vùng châu thổ đã tạo dựng nên hình dạng kỳ lạ độc đáo của nước Việt Nam hiện tại. Hà Nội chia sẻ quyền uy kinh tế với trung tâm miền Trung và miền Nam. Huế, Sài Gòn cũng mang chở - bên sắc thái chung của Việt Nam như Hà Nội - những sắc thái văn hóa riêng ngưng kết của một Vùng - Miền: Miền Trung, miền Nam. Bản sắc văn hóa Hà Nội là bản sắc chung của văn hóa Việt Nam song trước hết là sự kết tinh của văn hóa châu thổ sông Hồng. ư
- Nguồn: Trần Quốc Vượng, Tạp chí Xưa & Nay, Tháng 11-2001, Số 103
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét