Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2013

LÀNG VIỆT VỚI PHỐ, TRƯỚC PHỐ

LÀNG VIỆT VỚI PHỐ, TRƯỚC PHỐ
PGS. TSKH Nguyễn Hải Kế
1. Khi đặt làng Việt trước kinh tế hàng hoá và đô thị hoá (làng trước phố) thường đã diễn ra xu hướng nhìn nhận: thi vị hoá làng xã cổ truyền, bi kịch hoá quá trình đô thị hoá ở nông thôn.
Trong các thể loại văn học (thơ, văn, ký sự, truyện ngắn, tiểu thuyết...) từ cuối thế kỷ XIX khi các đô thị cận - hiện đại bắt đầu được phát triển như Hải Phòng, Nam Định, đặc biệt là trong những năm 30 rồi cuối những năm 80, 90 của thế kỷ XX trở lại đây không thiếu những báo động về tình trạng “phá vỡ” những chỉ định, những “giá trị văn hoá” của làng Việt cổ truyền, (từ những cảnh quan quen thuộc của làng Việt xưa: bờ tre, mái rạ, bến nước, giếng làng... đến “thuần phong mỹ tục”, những quan hệ con người với con người...)
Chẳng hạn, trước cảnh “ai khéo xoay ra phố nửa làng” của Vị Hoàng - Nam Định, Tú Xương (1870-1907) đã dóng dả:
“Có đất nào như đất ấy không?
Vì: “Nhà kia lỗi phép con khinh bố,
Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng”.
“Khua múa trống chuông chùa vẫn nức,
Xì xèo tôm tép chợ hầu tan....”
Vào năm đầu tiên của thiên niên kỷ III, trên trang nhất của báo An Ninh thế giới chạy một dòng chữ lớn “Hãy cứu lấy làng Việt cổ Đường Lâm”v.v…
Phải chăng như vậy là:
- Những cảnh quan = những biểu thị văn hoá nảy sinh từ làng Việt hôm qua sẽ “một đi không trở lại” là một tất yếu, là vô phương cứu chữa? hay giản đơn hơn là làng và phố sẽ ra sao trong đô thị hoá?...
- Làng xóm Việt cổ truyền là nơi chỉ sinh ra “thuần phong mỹ tục”? những mỹ tục đó gắn liền với những cảnh quan như luỹ tre, giếng nước, cây đa, bến nước, sân đình quen thuộc hàng ngàn năm? Quá trình đô thị hoá tất yếu sẽ làm mất đi những “thuần phong mỹ tục” đó?
2. Những năm 1976 - 1978, tôi có dịp khảo sát làng Dộc (Dục Tú - Đông Anh - Hà Nội). Sau đó, chuyên khảo “Một làng Việt cổ truyền ở đồng bằng Bắc Bộ của tôi được hình thành từ những nguồn tư liệu thế kỷ XVIII, XIX đầu XX và kết quả khảo sát tại chỗ. Dòng cuối cùng của chuyên khảo này, tôi viết: “Dục Tú hôm qua trong bối cảnh: một làng tiểu nông trong một “thế giới” làng - xã tiểu nông Bắc Bộ, một bối cảnh trong đó chưa có sự đột phá mạnh mẽ, khắc nghiệt của nền sản xuất hàng hoá, thị trường, của yếu tố đô thị hoá vào trong luỹ tre xanh của làng Dộc - Đông Ngàn - Kinh Bắc[1].
Bây giờ đã là năm 2004.
Cùng với cả nước, làng Dộc của ngoại thành Hà Nội đã hơn 15 năm bước vào công cuộc phát triển kinh tế hàng hoá, vào quá trình phát triển đô thị (đang ngày càng diễn ra mạnh mẽ vì Dục Tú nằm trong khu vực phát triển đô thị Bắc Hà Nội). Tôi cũng có đôi dịp trở về Làng Dộc, vừa như một nhu cầu tình cảm, vừa để kiểm chứng nhận thức, dự cảm đã viết về cái làng gần gũi, thân thiết của tôi, để từ điểm xuất phát này thử nhìn xem các làng xóm người Việt châu thổ Bắc Bộ với tư cách là những đơn vị, kiểu thức đồng đẳng với làng Dộc với đô thị hoá như thế nào?
Tôi nhớ lại những kết quả phân tích cơ sở kinh tế, xã hội của làng Dộc cổ truyền: “Phân hoá ruộng đất tư dù đã đẩy đến một tình trạng thường xuyên có một phần cư dân không có tấc đất cắm dùi, nhưng lại chỉ nảy sinh và duy trì chế độ sở hữu nhỏ chứ không có và không tập trung ruộng đất vào tay sở hữu lớn”.
Gia đình hạt nhân đã được khẳng định từ lâu và ngày càng một củng cố, tăng cường bằng cơ sở kinh tế - xã hội, nhưng hình bóng không phai mờ của đại gia đình- dòng họ vẫn tiếp tục được duy trì, luôn được khắc hoạ rõ trong một làng nhiều dòng họ.
Cùng với dòng họ, những tổ chức giáp, văn hội, vũ chức - những kiểu tổ chứcphi quan phương - nảy sinh và duy trì trong đời sống làng - xã, đã góp phần quan trọng vào quan, hôn, tang, tế, những nghi thức vòng đời, những nhu cầu không thể thiếu được của con người xã hội, chức năng đương nhiên của mỗi tổ chức văn hoá - xã hội.
Những cảnh quan vật chất như luỹ tre, hào nước, đường làng, các ngôi đình, chùa, đền, miếu, cùng với những cơ chế hoạt động, duy trì gắn liền với nó  ngoài chức năng cụ thể của mình còn ngày càng được tăng cường chức năng bảo hiểm an toàn, an ninh về vật chất, tinh thần cho các thành viên, cho cộng đồng.
Những chia bổ đóng góp triền miên cho việc hương ẩm trở thành vấn nạn của cuộc sống trong làng, trở thành một thứ sưu thuế trá hình - nặng nề hơn sưu thuế của nhà nước. Thế nhưng dù muốn hay không, sớm hay muộn cuối cùng mỗi thành viên của làng xã đều bị cuốn hút, gắn liền với nó...
Nhớ lại một vài điều trên tôi chỉ tự nhắc mình về những băn khoăn, tự vấn đặt ra ở trên, để bớt chủ quan hơn, bớt “hoài cổ” hơn khi nhìn lại cái hôm qua từ hôm nay của làng Dộc - làng Dục Tú.
Điều gì đang diễn trước mắt tôi ở làng Dục Tú:
 Nhiều cảnh quan từng được coi là chỉ định không thể thiếu được của một làng Dục Tú xưa không còn nữa:
- Con đường làng lát gạch nghiêng, dấu tích “công đức” của một thành viên giàu có của làng đóng góp vào năm 1860 và công sức của nhiều thế hệ. Thay thế là con đường đổ bê tông rộng rãi hơn nhiều.
- Những luỹ tre và toàn bộ dãy ao chuôm - viền quanh bìa làng như là dãy luỹ hào chạy song song bảo vệ làng Dộc, và hàng loạt gò đống, nhiều vườn cây bưởi, ổi bị lấp san để tăng thêm diện tích xây dựng nhà cửa.
- Hầu như không còn những ngôi nhà tranh vách đất đã đành mà những ngôi nhà vườn xưa của dòng họ Đỗ, Ngô, Đinh cũng được thay thế bằng ngôi nhà “ống” nằm trong khoảng tường xây xi măng bề ngang khoảng 4-5m dài 15-20m.
- Hàng loạt cánh đồng, thửa ruộng từng mang tên như Rạch Cả, Rạch Mông, Rộc Ngòi, Đồng Trên, Đồng Sâu, Cửa Đình... trong điền bạ, trong cách gọi của lớp tuổi 60 trở lên, đã được gọi bằng tên khác.
Nhiều cảnh quan, thiết chế văn hoá cũ vẫn tiếp tục, hơn thế được tăng cường:
- Một trong những cổng làng (trước cửa đình), giếng làng (nhưng không còn sử dụng nước), chợ làng được đầu tư nâng cấp xây dựng quy mô, mở ra ngay cổng làng. Dọc đường làng, nhiều nhà trổ thêm mở cửa ra mặt đường, làm quán, cửa hàng, cửa hiệu:
- Đình, chùa được trùng tu, sửa chữa, chăm sóc khang trang, thường xuyên. Nhiều cụ già ra đình chăm lo từng đôi câu đối, cúng thêm một số đôi câu đối mới;
- Nhiều ngôi từ đường của các dòng họ được sửa hoặc xây mới. Một số dòng họ tập trung dịch gia phả cũ ra chữ Việt, soạn gia phả mới, viết lịch sử làng, viết chuyện làng....
Bộ phận đông đảo, thường xuyên tích cực trong đề xướng, tổ chức và thực hiện những hoạt động này là các cụ, bộ đội, cán bộ về nghỉ tại làng...
Hàng loạt những công trình mới, cách thức hoạt động văn hoá - hoàn toàn không có trong làng Dộc ngày hôm qua đã xuất hiện: nhà bưu điện văn hoá, nghĩa trang liệt sĩ, trường học mới...
Dễ nhận thấy là:
- Những cảnh quan gắn liền với các hoạt động giao thông, đi lại, với cách thức bảo vệ trị an xưa của làng xóm, với hoạt động kinh tế (sản xuất nông nghiệp) bị mất đi hoặc thay đổi, thay thế nhiều nhất.
- Những cảnh quan, quan hệ đến hoạt động tín ngưỡng, hội hè đến đời sống tâm linh được duy trì, tăng cường.
Trong cái văn hoá nảy sinh và tồn tại trong suốt ngày hôm qua ở làng xóm Việt châu thổ Bắc Bộ có cái cốt là tính phổ biến, là cái chung nhân loại với tư cách trước hết là khu định cư, là cái tổ của con người xã hội. Cái tổ đó cần phải có những kết cấu tối thiểu đáp ứng cho nhu cầu ở, nhu cầu tái sản xuất ra con người sức lao động, và năng lực xã hội. Mặt khác, cái kết cấu đó là do đặc điểm tự nhiên, lịch sử, tộc người, kinh tế xã hội cụ thể, thường xuyên quy định. Khi những điều kiện (môi trường tự nhiên, kinh tế, xã hội) có chuyển biến, thay đổi (không ít trong đó là cái chưa từng có trong hàng ngàn năm qua là khác hẳn về chất dù về hình thức, thậm chí cả tên gọi vẫn tương tự như ngày hôm qua), thì sự mất đi cái đã có, nảy sinh những cái mới, cái tương ứng là có tính quy luật, là đương nhiên.
Vẫn “Biết thế” là một chuyện, còn nuối tiếc, hoài cổ, thấy trống vắng một điều từng có từ hàng trăm năm, quen thuộc, gắn với nhiều thế hệ lại là một chuyện. Âu cũng là điều của tâm lý, thậm chí nhận thức nữa của con người.
3. Phải nói ngay rằng chỉ từ sau xuất hiện đô thị cận hiện đại, xuất hiện tầng lớp thị dân, trong đối diện của văn minh, kỹ thuật đô thị với xóm làng thì từ “thôn quê”, “nhà quê” mới hàm ý coi thường, chê bai, khinh khi. Còn, trước đó và trong tâm khảm của người Việt, làng hay thôn gắn liền quê (làng quê, quê hương), làng gắn liền nước (làng nước) với ý nghĩa phản ánh, gợi cảm về nền tảng của điểm xuất phát, chốn đi - về với mỗi cá nhân, về mối quan hệ gắn bó hữu cơ, bước phát triển tự nhiên từ xóm làng đến đất nước.
Với xã hội Việt Nam truyền thống thì cả hai bộ phận của thành thị (hay đô thị) nó đều lôi cuốn, hấp dẫn nhưng cũng mâu thuẫn và bị căn tính làng xã, tiểu nông chi phối.
Thành (hay đô) với tư cách là trung tâm hành chính, chính trị, chỗ ở của quan, lại, lính... hấp dẫn với nông dân xóm làng, bởi định hướng, bởi ước vọng làm quan sang, như là biểu hiện của sự thành đạt, danh lợi.
Thị (chợ búa, buôn bán) với đặc trưng quan trọng, khác biệt căn bản là kinh tế hàng hoá, dịch vụ, là sinh lợi.
Thành thị là thương trường, là cạnh tranh, là con người trở thành vô danh tính trong quan hệ, (khác hẳn và nhỏ bé cả về lượng lẫn về chất, về thời gian và phạm vi không gian so với xã hội xóm làng với kinh tế tự túc, tự cấp tiểu nông). Chính vì vậy mà trong lịch sử văn hoá Việt Nam, thành thị từ rất sớm đã khiến cho tâm trạng của lớp trí thức sĩ - hoạn - bộ phận nhiều hoài vọng và cũng dễ thất vọng nhất, mệt mỏi ít nhất đã thấy từ XV, XVI trở đi qua tâm trạng của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm:
“ Ta dại ta về nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao”
“Thành thị vốn đua chen giành giật”
“Vật vờ thành thị làm chi nữa
Ít tiếng khen thì vắng tiếng chê”
“Lọ là thành thị, lọ lâm tuyền
Được thú ít hơn, miễn phận yên”
Dù đã đến với phố, ở với phố, với thị, thì người Việt hôm qua cũng mang theo làng hay về với làng theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen của từ này.
4. Trí thức, kinh nghiệm của cha ông ta tổng kết: “Phi thương bất phú, phi trí bất hưng, phi nông bất ổn” (Không làm/ có thương nghiệp thì không giàu, không có/ phát triển trí thức thì không hưng thịnh, không có/ dựa vào nông nghiệp thì không ổn định).
Thẩm định ấy vừa đánh giá vai trò, vị trí của từng lĩnh vực, vừa chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ tất yếu giữa các lĩnh vực này với/ trong sự trường tồn, phát triển của đất nước. Trong ý nghĩa của lời thẩm định đó, nông nghiệp, nông thôn là cơ sở đầu tiên, thường xuyên trong quá trình phát triển không chỉ đối với hôm qua của Việt Nam.
So với những kiểu tổ chức cộng đồng, xã hội xuất hiện trên trái đất, trên Việt Nam này, xóm làng nước Việt có kiểu thức tập hợp, tổ chức cộng đồng tổng hợp, phong phú tiêu biểu cho hầu hết các nguyên tắc tập hợp, tổ chức cộng đồng (huyết thống, địa vực láng giềng, nghề nghiệp, giới, lứa tuổi, cùng quyền lợi...) Quan hệ huyết thống, tự nhiên - điểm xuất phát để hình thành một điểm định cư, của xã hội nguyên thuỷ. Cùng với thời gian, với những thăng, trầm những nhu cầu tự thân của kinh tế, xã hội, của diễn trình lịch sử trong làng xóm, đã gia tăng và đan quyện những kiểu, dạng quan hệ: địa vực - láng giềng, quan hệ theo nghề nghiệp (buôn bán, thợ thủ công, tư văn, tư võ...), quan hệ theo giới (vãi, giáp) theo thang lứa, theo quyền lợi... Cách thức tổ chức, quan hệ cộng đồng của làng, xóm Việt Nam đã tạo ra thế giới - làng với nhiều chiều kích, đáp ứng từ những nhu cầu kinh tế, văn hoá, xã hội, của cuộc sống thường nhật đến cả tâm trạng thăng hoa, nhu cầu hay nghi thức vòng đời của hiện tại lẫn tương lai: quan, hôn, tang, tế... Các quan hệ đó vừa đan theo chiều ngang, vừa kết theo chiều dọc, vừa gây dựng được tình cảm cộng đồng được thân gần, ruột thịt, bảo hiểm, bảo hộ nhiều mặt (kinh tế, văn hoá, xã hội) đối với cuộc sống của các thành viên, vừa tạo ra trường ganh đua phấn đấu cho mỗi cá nhân và các thế hệ thành viên của làng.
Nhân loại đã từng và hiện có nhiều hình, dạng thức tổ chức cộng đồng, đáp ứng những nhu cầu của cuộc sống con người. Đặc biệt đến thời hiện đại cùng với bước phát triển của kinh tế, xã hội đã nảy sinh nhiều hình thức tập hợp cộng đồng, đoàn thể tương thích với những nhu cầu ngày càng đa dạng, phức tạp, quyết liệt, cụ thể, tỷ mỷ của đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá. Không ít những dạng, kiểu tổ chức tập hợp ấy từng đã có hiệu quả nhất định khi đáp ứng một hay một số những nhu cầu cần thiết của một thời, của một đời. Nhưng khi nhu cầu nhất thời đó qua đi, kiểu tổ chức tương ứng đó cũng mất theo. Chỉ có kiểu thức tập hợp và tổ chức cộng đồng - kiểu thức nảy sinh và ngày một tăng cường từ trong xã hội nông nghiệp lúa nước Việt Nam mới vừa gắn liền và đáp ứng được những nhu cầu của một kiếp người đương đại với những đòi hỏi muôn thuở của cõi kiếp người. Nói cách khác tổ chức cộng đồng xã hội - làng xóm Việt Nam vì nó đáp ứng được một cách hài hoà, nhiều tầng, nhiều lớp, nhiều khía cạnh của “con người với ý nghĩa là tổng hoà các mối quan hệ xã hội” nên bền vững với mọi biến động, thử thách, thời gian. Chính vì thế, trong nhiều hoàn cảnh dù ở giữa phố phường đô thị, hay miền sâu, miền xa, trong nam, ngoài bắc, đối mặt với thương trường, với cạnh tranh, với cô đơn, lo toan, gian khó... làng xóm lại trở về, lại ở trong, ở bên mỗi thân phận con người như một cẩm nang.
Với ý nghĩa đó làng trở thành bộ phận không thể thiếu được trong quá trình phát triển của đô thị hiện đại, nói cách khác trong tương lai của quá trình đô thị, càng đô thị càng cần có một kiểu - không - gian - làng, kiểu thức kiến trúc làng, thiết chế văn hoá đã được sàng tuyển của xã hội làng.
Làng Quang - Thanh Trì
2002 - 2004




[1] Một làng Việt cổ truyền ở đồng bằng Bắc Bộ, Nxb KHXH, H. 1996. Những dòng chữ in nghiêng dưới là trích lại từ cuốn sách này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét