Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

Ngày nhà báo Việt Nam 21/06/2013

Nhân ngày 21/06/2013, ngày báo chí mình xin được gửi tới những người thầy, người anh, người chị, người bạn, người em... những người đã theo nghề báo, sẽ theo nghề báo và mãi mãi theo nghề báo lời chúc mừng nồng nhiệt nhất, chúc cho nhiệt huyết và ngòi bút của các nhà báo sẽ ngày càng sắc hơn như cụ Nguyễn Đình Chiểu từng viết "Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm / Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà".
Cũng ngày này mình xin gửi tới giới nhà báo đoạn trích sau trong tác phẩm “Bốn mươi năm nói láo của nhà văn Vũ Bằng”, cụ thể:
Phần I. Báo Tếu.
Thành kính dâng Cậu, Mợ, Cô Minh.
Mến tặng Khoái, Lăng, Hầu.
“Nói láo” mà chơi, nghe láo chơi
Dàn dưa lún phún hạt mưa rơi
Chuyện đời đã chán không buồn nhắc
Thơ thẩn nghe ma kể mấy lời.
Bồ Tùng Linh, tác giả Liêu Trai Chí Dị, mở đầu tập truyện bất hủ bằng bốn câu thơ trên, đã cho người ta hé thấy ông lấy làm vinh dự làm nghề nói láo, không coi thiên hạ ra gì. Ờ, nói láo đấy, nghe láo đấy, thử hỏi đã chết ai chưa? Họ Bồ hơn thiên hạ về chỗ đó: dám nhận huỵch toẹt ngay là mình “nói láo”, mình ưa “nói láo”, “nói láo” nói lếu như thế còn hơn là nói chuyện đời: xấu quá.
Bây giờ, người ta gọi nghề làm báo là nghề nói láo ăn tiền. Kẻ viết bài này ngã vào nghề đó đã lâu, hôm nay, ngồi giở lại cuốn sổ ký ức của mình, xin nhận ngay là mình làm nghề “nói láo”. Vì thế tác giả lấy đầu đề tập ký ức là “Bốn Mươi Năm Nói Láo” chớ không dám đề là “Bốn Mươi Năm Làm Báo”, vì tác giả nhận thấy rằng “nói láo” là một cái vinh dự, làm nghề “nói láo” là làm một nghề đặc biệt ít ai dám đem ra khoe khoang. Thực vậy, đa số các nhà làm báo bây giờ nghe thấy danh từ “làm báo nói láo ăn tiền” ngoài mặt thì có vẻ bất cần, nhưng thâm tâm thì hơi giận: tại sao làm một cái nghề cao quý như nghề báo, tại sao lãnh một cái sứ mạng nghiêm trọng là hướng dẫn dư luận, tại sao phụng sự một quyền lực lớn mạnh vào bực thứ tư trên trái đất này mà có người dám bảo là làm nghề “nói láo”?
Thú thực có lắm lúc tôi cũng tưởng là tôi oai, mà nghề tôi là nghề ghê gớm thực; nhưng gặp lúc mây chiều gió sớm, mình rất thành thực với lòng, tôi cảm thấy rằng nghĩ như vậy, chỉ là mình tự dối mình. Để lòng lên bàn tay, tôi chỉ thấy tôi là một anh nói láo trường kỳ, nói láo vô tội vạ, nói láo ra tiền, để kết cục đến bây giờ mang lấy cái nghiệp vào thân, không sao gỡ được, đành là cứ phải tiếp tục nói láo cho đến chết - vì tôi biết chắc sẽ không thể nào thoát được hai bàn tay sắt bọc nhung của bà chúa báo. Ngay khi bắt đầu làm cái nghề điêu đứng này, có phải tôi đã nghe thấy các bậc đàn anh lập đi lập lại câu nói của Jules Janin: “Nghề báo đưa người ta đi đến bất cứ đâu - miễn là thoát được nó ra”?
Tôi không tin như vậy. Lúc còn ít tuổi, tôi không tin gì hết: tôi không tin thuốc phiện có ma, tôi không tin có nghiệp chướng làm cô đầu, làm đĩ điếm, tôi không tin câu nói của Nguyễn Du:
Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa.
Tôi chỉ biết một điều: thích thì làm, thích làm báo thì viết báo, chớ cũng chẳng xây mộng lớn lao gì hết.
Không bao giờ tôi nghĩ như Carlyle: “Cao quý thay nghề làm báo! Mỗi ông chủ báo có khả năng há chẳng phải là một nhà cai trị thế giới vì là một trong những người thuyết phục thế giới; mặc dầu không do thế giới cử mà chỉ do mình cử mình thôi; tuy nhiên cũng được đảm bảo bằng những con số báo bán ra cho thiên hạ đọc”.
Tôi không “trì” quá khứ như Goethe coi thường nghề làm báo: “Từ lâu, tôi vẫn tin rằng báo chí sanh ra đời là để cho đại chúng người ta tiêu khiển giết thời giờ và lòe bịp họ nhất thời; hoặc vì có một sức mạnh nào đó ở bên ngoài ngăn viên ký giả nói ra sự thực, hoặc vì tinh thần đảng phái đánh cho y lạc hướng đi; vì thế tôi không đọc một tờ báo nào hết”. Mà tôi cũng không khinh miệt báo chí, gọi tuốt là lá cải, là giẻ rách, là đồ bỏ như thi hào Beaudelaire: “Bất cứ tờ báo nào cũng vậy, từ trang đầu đến trang cuối cũng chỉ là một cái ổ chứa những cái gì gớm ghê, kinh tởm. Chiến tranh, giết chóc, trộm cướp, hà hiếp, hành hạ, tội ác của các vua chúa, tội ác của các quốc gia, tội ác của các tù nhân, biết bao nhiêu là sự say sưa cuồng loạn của vũ trụ loài người. Ấy thế mà người ta dùng báo để làm đồ khai vị, vì người văn minh đã dùng tờ báo để làm đồ khai vị, cho bữa ăn buổi sáng. Tôi tin rằng không có một bàn tay trong sạch nào cầm lấy tờ báo mà không cảm thấy muốn buồn nôn buồn mửa”.
Không. Đối với nghề báo, tôi không đứng ở thái cực nào. Tôi chỉ nhớ rằng thuở nhỏ tôi ưa đọc sách là vì nhà tôi là nhà bán sách, ngoài thời giờ học bài; tôi phải ngồi bán sách, xếp sách để gửi bán đi khắp nước. Lúc rảnh, tôi vồ lấy sách để đọc; từ đọc sách tôi thích đọc báo; đọc mãi thấy hay hay thì tôi làm thơ, tôi viết báo, thế thôi, chớ chẳng vì lý do gì hết. Bài báo thứ nhất của tôi đã viết ra hồi Phạm Tất Đắc xuất bản cuốn “Chiêu Hồn Nước”. Bài báo ấy vẻn vẹn có mấy câu đại khái: “Chúng tôi kính biếu quí báo cuốn sách nhỏ này và xin quí báo, nếu tiện, cho đăng mấy dòng sau đây: Sách ”Chiêu Hồn Nước" của Phạm Tất Đắc đã có bán ở khắp các hiệu sách, rất hay, rất lâm ly, xin hải nội chư quân tử tìm đọc ngay kẻo hết".
Các bài đặc biệt ấy dớ dẩn đến thế mà có báo hồi ấy đăng lên thật. Tôi đọc đi đọc lại mãi đến thuộc lòng; chưa đủ; tôi cắt ra dán vào an bom. Và từ đó tôi thấy mình là nhà báo thực sự mà chính tôi không tự biết, cũng như ông Jourdain trong bài kịch “Trưởng Giả Học Làm Sang” của Molière nói lên văn xuôi mà không biết mình làm văn xuôi.
Tôi mê nghề báo từ lúc đó.
Lúc đó báo ra kỳ có “Nam Phong”, “Hữu Thanh”, toàn bàn về vấn đề xã hội và văn hóa. Người viết báo, nói thực ra là làm văn chớ không phải làm báo. Một cái đoản thiên ngắn bao giờ cũng bắt đầu bằng một đoạn tả cảnh biền ngẫu, kiểu “Tuyết Hồng lệ sử”; còn xã thuyết thì bàn về chữ “tín”, chữ “nghĩa”, và thường là phải bắt đầu bằng câu “Phàm người ta ở trên đời”. Vì thế, người viết báo trước hết phải tập viết văn cho nhịp nhàng, thánh thót.
Làm báo là làm một nghề không có trường, không có thầy. Tôi thích viết báo và muốn làm nghề đó quá, nhưng biết làm sao bây giờ? Không có cách gì hơn là bạ tờ báo nào cũng đọc, bạ cuốn sách truyện nào cũng coi, rồi... học thuộc lòng từng đoạn, kiểu mười bốn, mười lăm tuổi đi chim gái, các chàng trai mới lớn lên mượn mẫu thư tình, cóp lại để vứt vào trong nhà người yêu lý tưởng!
Tự nhận mình là nhà báo chính cống, tôi khổ công mài giũa, rèn luyện văn chương con cóc. Thơ và văn xuôi của Tản Đà, Nam Hương, Nhượng Tống, Thi Nham, Đàm Xuyên làm cho tôi bái phục. Học thuộc lòng chưa đủ, tôi còn phải cắt ra dán vào một quyển sách để gối đầu giường.
Đến đây, tôi xin mở một dấu ngoặc.
Lúc còn nhỏ, đi học, tôi không đến nỗi dốt quá, nhưng trí nhớ rất kém, cho nên không thể nào học được về môn toán. Lên đến trung học, giáo sư toán chê, liệt vào ngoại hạng, cho một hột vịt không đủ, phải cho hai hột mới đã. Kịp đến khi lớn hơn một chút, tôi sa đọa, hút xách, rượu chè be bét, trí nhớ lại càng tồi. Rồi đến giai đoạn cai rượu, cai thuốc phiện: trí nhớ tôi hoàn toàn bị “liệt”. Vì thế, coi tập hồi ký này, xin các bạn đừng buộc tôi phải ghi năm tháng, đừng bắt tôi phải nhớ hết các báo chí tôi đã làm mà cũng đừng bắt tôi nhớ hết tên các nhà báo, nhà văn liên hệ. Nhớ được đến đâu, nhớ được cái gì, tôi cứ viết đại ra. Nhưng nói thế không có nghĩa là tôi viết ẩu, viết không có hệ thống.
Mục đích của tôi là thuật lại thật đúng các giai đoạn làm báo nói láo ăn tiền của tôi để nhân đó may ra các bạn có nhận thấy diễn tiến của nghề báo ở nước ta ra thế nào. Thêm nữa, tôi bắt đầu làm báo từ khi người mình còn sống dưới sự đô hộ của Pháp; qua thời kỳ Nhật vác kiếm lê trên mặt đất, đá Pháp một cú vào mông rồi đuổi đi; đến Việt Minh bí mật; rồi Nhật thua, Việt Minh nắm chính quyền; quân đội Lư Hán tiếp thu rồi quân đội Pháp lại trở về Việt Nam; dân ta kháng chiến... rồi Pháp thua ở Điện Biên Phủ, ký hiệp định Genève chia đất nước làm đôi, con sông Bến Hải chia hai ân tình, vác va ly vào Sài Gòn hầu hạ Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, cho tới bây giờ sống nhờ vào quân đội Mỹ “ô kê, salem...” rất có thể cứ thuật lại hết những giai đoạn nói láo của mình, chưa biết chừng mình lại vẽ lại được một giai đoạn lịch sử đau thương, tang tóc đã qua. Nếu quả được như thế thì hay biết mấy.
Bây giờ tôi xin khép ngoặc lại.
Vậy là tôi học thuộc lòng văn của người khác rồi bắt chước tứ văn và cả ý văn của họ để viết bài. Bây giờ, tôi không còn nhớ những bài văn ấy ra sao, chỉ mang máng là ngoài mấy cái truyền đơn in thạch phản đối Pháp bắt Phạm Tất Đắc, tôi có làm một tập thơ đủ các loại: lục bát, song thất lục bát, ngũ ngôn cổ phong, yết hậu... và mấy vở hát cải lương Nam Kỳ theo kiểu “Bội phu quả báo” ký tên là An Sơn, Thu Tâm Tử... Cố nhiên những tác phẩm ấy không bao giờ được ra đời. Như vậy cũng là một cái hay, bởi vì nếu hồi ấy tôi có phương tiện in thành sách, mà văn khố thư viện còn giữ đến bây giờ, có lẽ chính tôi phải “từ” tôi, vì sao tôi lại có thể liều lĩnh và lố lăng đến thế!
Nhưng lúc đó mình mới có mười hai, mười ba tuổi, có biết thế là lố lăng đâu. Tôi vẫn yên trí là một nhà văn ghê gớm thực sự và có triển vọng đi xa, đi rất xa như Nguyễn Du, Ôn Như Hầu... Nói cách khác, tôi hy vọng một ngày kia thành một “tên tuổi trong nền văn chương quốc tế”. Vì nghĩ như thế, tôi tìm các lý do để hạ các nhà văn tiền bối, mặc dầu tôi vẫn phục. Tôi tìm cách hạ thầm họ ở trong bụng để mình lại đánh lừa mình rằng mình có khả năng tiến xa hơn cả họ, mình sẽ là một “ken coong” chớ không phải chỉ là một nhà văn, nhà báo quèn có vài ngàn người đọc.

(Trích nguồn: http://vnthuquan.net/truyen/truyen).
Vũ Bằng, Bốn mươi năm nói láo, Nxb Văn học.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét