Chàng trai xứ Lạng và niềm đam mê lịch sử |
(10-04-2013) |
Mồ côi cả cha lẫn mẹ, chàng trai xứ Lạng - Lý Viết Trường ra thủ đô nhập học chỉ với hành trang nhỏ mà người ông tận tụy chuẩn bị cho cùng với lời nhắn: "Con xuống thủ đô thì học hành cho tốt, gắng mai này về mà trả nghĩa quê hương".
Không còn cơ hội đáp đền chữ "hiếu"
Sinh ra ở huyện miền núi Cao Lộc- Lạng Sơn, dáng người nhỏ thó và nét mặt như luôn cười của chàng sinh viên dân tộc Nùng khiến người đối diện có thiện cảm từ cái nhìn đầu tiên. Em cứ mặc nhiên kể về mình như thể những nỗi đau, những mất mát đã hiển nhiên rồi, em sẽ chấp nhận và vượt qua thôi.
Bố mẹ Trường sinh được hai người con, Trường là cả, dưới là một em đang học lớp 11 trường huyện. Năm Trường học lớp 6 thì mẹ mất vì bệnh tim. Từ ngày mẹ mất, bố em chán nản đâm ra rượu chè, suốt ngày say xỉn. Rồi năm Trường học lớp 11, bố Trường cũng theo mẹ đi nốt, bỏ lại hai anh em bơ vơ.
Ký ức về những ngày tháng có cha, có mẹ trong Trường không được rõ nét, nó chỉ là những mảnh chắp nối bởi mất mát đến với em quá sớm. Ngay từ khi sinh Trường, mẹ em đã phát hiện ra bệnh và đau ốm liên miên. Đến khi sinh tiếp người con thứ 2 thì mẹ yếu hẳn. Con nhỏ, nhà khó khăn, thuốc men chạy chữa bệnh tật càng khiến gia đình em kiệt quệ.
Ngoài đam mê lịch sử thì công tác Đoàn cũng là niềm yêu thích của Lý Viết Trường.
Nhưng những ngày tháng nghèo khó đó vẫn là quãng thời gian hạnh phúc nhất bởi anh em Trường được sống trong tình yêu thương, bao bọc của cả cha và mẹ.
Giờ đây, hạnh phúc tưởng chừng giản đơn như biết bao gia đình khác là được sống chung một mái nhà có bố, có mẹ đã nằm ngoài tầm tay của Trường.
Em ngậm ngùi: Chẳng bao giờ, em còn cơ hội đáp đền chữ "Hiếu" cho cha mẹ của mình được nữa. Những kỷ niệm, những ký ức chập chờn, cứ ngày càng nối dài trong tiềm thức của em. Có lẽ trong em là cả khoảng trống không thể lấp đầy, thế nên Trường chỉ biết tự nhủ phải làm sao học tập thật tốt, như vậy ở thế giới bên kia cha mẹ mới yên lòng.
Nhiều khi nhớ quá, Trường vẫn hay nghĩ và viết về mẹ của mình. Trường ân hận khi mẹ mất, em còn quá nhỏ, không nhận thức rõ sự mất mát lớn lao ngày ấy. Vì thế mà, em cứ luôn nghĩ rằng, mẹ sẽ chỉ đi đâu đó một thời gian thôi.
Đến bây giờ, biết rằng mẹ ra đi rồi, em vẫn tự nhủ, mẹ luôn ở bên, dõi theo và ủng hộ mình. Vì thế mà Trường luôn cố gắng để mẹ không phải phiền lòng. Trong cuốn sổ của em, có rất nhiều bài thơ em viết cho mẹ, có những tản văn, những dòng lưu bút thay cho tình cảm của người con dành cho mẹ.
Ước mơ trở thành nhà nghiên cứu Lịch sử
Sau khi bố Trường mất, hai anh em Trường được ông nội đón về nuôi dưỡng. Trường thấy mình vẫn còn may mắn, bởi Trường có người ông tuyệt vời và được sinh ra trên quê hương giàu truyền thống cách mạng.
Trường chia sẻ, chính những phong cảnh quê hương và những nghèo khó của tuổi thơ đã khiến em biết yêu quê hương mình. Và cũng chính những câu chuyện về chiến trường hào sảng ông kể, đã giúp em yêu thêm những trang sử ông cha. Có lẽ tình yêu đối với Lịch sử của Trường bắt nguồn từ những nhân tố ấy, em quyết tâm thi vào khoa Lịch sử của Trường Đại học Khoa học- Xã hội và Nhân văn.
Ông nội Trường từng có 17 năm chiến đấu ở chiến trường miền Nam và tham gia nhiều trận đánh ác liệt ở Tây Nguyên. Những lúc theo ông đi làm đồng, lên rừng đốn củi, Trường đều được nghe ông kể về những ngày khói lửa oai hùng mà ông đã trải qua.
Ông thường dặn Trường: Quê hương xứ Lạng có nhiều danh thắng, di tích lịch sử, ghi dấu bao chiến công trong lịch sử dân tộc, cháu phải nhớ ghi. Bởi sử là người, phải nhớ sâu và ghi khắc mà sống sao cho xứng đáng với quê hương. Vì thế mà, lúc nào Trường cũng mang trong mình niềm tự hào sâu sắc, tự hào bởi mình là cháu của một người lính cụ Hồ.
Trường cho biết: Chính những câu chuyện ông truyền đạt lại, đã khiến em thêm yêu lịch sử. Vì thế, ngay từ khi ở quê nhà, Trường cũng đã cùng các bạn tự mày mò đến những khu di tích của tỉnh, tự ghi chép, sờ tận tay, nhìn tận mắt những di vật còn để lại để biết yêu hơn, trân trọng hơn những gì cha ông đã gìn giữ.
Với quê hương, những kỷ niệm băng đồi vượt núi đi học khiến Trường không thể nào quên. Cách thành phố Lạng Sơn dù có 8km, nhưng ngăn cách bởi dốc núi Kéo Phầy khiến quê hương của Trường chậm phát triển hơn hẳn. Ngày nhỏ đi học, Trường phải vượt qua con dốc nguy hiểm đó mới đến được trường học. Bây giờ thì đỡ hơn, vì con đường từ nhà đến trường đã được trải nhựa. Nhưng những ngày tháng vượt đồi, leo dốc đến trường, em vẫn không thể quên.
Càng khó khăn, em càng phải cố gắng. Với nhiều người thì học Đại học không phải là con đường duy nhất để lập nghiệp. Nhưng với Trường, khi đăng ký thi Đại học thì em đặt ra mục tiêu, chỉ có vào Đại học mới là con đường nhanh nhất để em thực hiện ước mơ của mình. Vì thế mà em phải thực hiện bằng được mục tiêu đó.
Ngày cầm giấy báo nhập học trong tay, niềm vui vỡ òa, cả bản đều mừng cho Trường. Trường biết, với đồng lương hưu ít ỏi của ông, nuôi Trường đi học và em Trường học ở nhà sẽ thêm một gánh nặng. Nhưng ông Trường không lấy đó làm điều, ông bảo đổi lấy cái chữ cho Trường, thì vất vả đến mấy ông cũng chịu được.
Ngày Trường lên đường ra thủ đô nhập học, hành trang Trường mang theo là lời ông dặn: "Cháu về Thủ đô, cố gắng học tập, trau dồi kiến thức, mai này về trả nghĩa với quê hương".
Những ngày tháng xa ông, xa quê, nhớ nhà nhiều nhưng Trường vẫn gắng nhớ lời ông dặn để răn mình vượt qua những khó khăn bước đầu mà tập chung vào học.
Nói về dự định trong tương lai, chàng sinh viên dân tộc Nùng khẳng định: Em may mắn vì càng vào học em càng thấy lựa chọn của mình là đúng, em đang được theo ngành học đúng sở nguyện và niềm yêu thích của bản thân. Sau này ra trường, em sẽ cố gắng trau dồi thêm kiến thức và làm công tác nghiên cứu. Lịch sử mãi như một kho tàng hấp dẫn mà em muốn tìm hiểu và khám phá.
(Huy An - Petrotimes)
|
Bài viết đã đăng trên Thắp Sáng Niềm Tin, đường link lấy ngày 03/06/2013.
Trả lờiXóahttp://thapsangniemtin.vn/index.php?mact=News,cntnt01,detail,0&cntnt01articleid=1109&cntnt01origid=106&cntnt01dateformat=%25d%2F%25m%2F%25y&cntnt01returnid=106