Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

KỈ NIỆM TUỔI HỌC TRÒ KHÓ QUÊN

KỈ NIỆM TUỔI HỌC TRÒ KHÓ QUÊN
Có lẽ trong mỗi con người chúng ta ai cũng có tuổi thơ và tuổi học trò để nhớ để mong, tôi cũng vậy, tôi cũng có một tuổi học trò đầy những kỷ niệm đủ để ngậm ngùi mỗi khi nghĩ lại.
Từ giải nhất hội trại…
Một trong số đó có lẽ là hồi tôi học lớp 11, năm đó trường chúng tôi vinh dự đón đoàn sinh viên trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội lên thực tập, lớp tôi được nhà trường phân công ba cô đồng chủ nhiệm là các cô Thanh, cô Giang, cô Tâm. Trường tôi tổ chức cắm trại nhân dịp kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11. Dịp này lớp tôi tham gia một cách nhiệt tình với sự đầu tư của cô chủ nhiệm, bác chủ nhiệm hội phụ huynh, 3 cô giáo thực tập và cả lớp.
Lần này chúng tôi tổ chức làm trại thật độc đáo, tuy nhiên vì ý tưởng độc đáo này mà cả lớp đã vô cùng vất vả, nào là vượt gần 20 km cả đường cái lẫn đường rừng để chặt cây vầu đến tận hơn 22h mới về đến nhà bạn Mơ (lớp trưởng đương nhiệm), nào là thiết kể cổng trại sao cho thật lạ mà phải đảm bảo vững chắc và không đổ… biết bao phương án lập ra, không khí cả lớp lúc đó thật nhiều trạng thái, vui có, buồn có, chán nản có, hưng phấn có…Thế nhưng đáng nhớ nhất vẫn là hôm dựng trại, hôm đó cái cổng trại khi dựng lên hết đổ lại xiêu vẹo làm cho cả lớp lo không kịp thời gian, thế nhưng với sự nhanh tay, nhanh mắt và nhất là sự thông minh của những người được mệnh danh là “Nhất quỷ nhì mà, thứ ba học trò” nên cuối cùng chiếc cổng trại cũng đã được dựng lên thành công.
Gian trại của chúng tôi thật phong phú và lạ mắt với bộ sưu tập trang phục 7 dân tộc sống trên mảnh đất Xứ Lạng, với vườn cây ao cá, với nhà sàn… mang đậm nét mộc mạc và giản gị. Có lẽ tôi sẽ nhớ mãi không thể nào quên những tác phẩm kinh điển của lớp sáng tạo như “Con thuyền ước mơ”, “Thần tình yêu” hay những câu đối do lớp tự nghĩ ra “Thanh niên Việt Nam / Làm theo lời bác”… với sự độc đáo và sáng tạo trên trại lớp mình đã đoạt giải nhất một cách xứng đáng.
Đến khao chè…
Khi BGK thông báo lớp 11c1 tức K42 – C1 được giải nhất, chúng tôi tất thảy reo lên vui mừng hạnh phúc đến rơi nước mắt, quả là có công mài sắt có ngày nên kim.
Khi nhận được tin mừng 3 cô thực tập tuyên bố khao chè chúng tôi ngay lập tức để chúc mừng thành công của cả lớp, chúng tôi lũ lượt kéo sang quán bà Vĩ, ngồi ăn chè kể lại những công việc chuẩn bị và ôn lại thành công quả là một trong những cái thú vui nhất trên đời. Chúng tôi ăn chè và tếu táo đến hơn 6 giờ, lúc đó là mùa đông nên trời đã bắt đầu nhá nhem tối, bóng tối về kéo theo cái lạnh của đất trời miền biên ải thật đáng sợ nhưng cái lạnh kia làm sao có thể ngăn nổi bước chân của chàng trai cô gái tuổi trăng tròn căng đầy nhựa sống.
Chúng tôi quyết định tiếp tục cuộc vui bằng việc đi chơi.
Và đi chơi Thành Nhà Mạc.
Chúng tôi cứ chuyển mình theo vòng quay tròn của những chiếc bánh xe đạp, những chiếc bánh xe vô tình đưa chúng tôi đến với Thành nhà Mạc một di tích lịch sử và danh thắng nổi tiếng của Xứ Lạng, ở đây có “Nàng Tô Thị bồng con đợi chồng” bên kia là thành phố Lạng Sơn lặng lẽ soi bóng xuống dòng sông Kỳ Cùng thơ mộng xa hơn nữa là động Nhị, Tam Thanh huyền ảo và hư thực.
Chúng tôi bước lên thành nhà Mạc với những câu chuyện hỗn tạp, nào chuyện lịch sử nàng Tô Thị đợi chồng, nào chuyện thi đại học, nào chuyện yêu đương… thật là sôi động làm sao.
Với tôi, tôi sẽ mãi nhớ những kỷ niệm đầy ý nghĩa này, bởi nó đã cho tôi biết thế nào là học trò lãng mạn và mộng mơ, nó cũng cho tôi nhớ những câu chuyện dở khóc dở cười, hay những câu chuyện thầm kín không thể nói ra…
Tôi tin chắc trong mỗi chúng ta, những người con trong gia đình nhỏ K42 – C1 sẽ mãi mãi không bao giờ quên những phút giây quý giá này. Tôi cũng tin rằng đây sẽ là một trong những phút giây khó quên nhất đối với ba cô giáo trẻ.
Nhớ mãi nhé, kỷ niệm cái thời “Nhất quỷ nhì ma”.
Hà Nội: 29/06/2013

Một đêm mưa nhớ lại tuổi học trò.

Chụp cùng cô Tâm

K42 - C1 chụp ngày tri ân

Chụp ngày lễ Tri ân

TÌNH ĐỒNG HƯƠNG VÀ LỜI HỨA KHÔNG THÀNH TRONG CHIẾN TRANH CHỐNG MỸ

TÌNH ĐỒNG HƯƠNG VÀ LỜI HỨA KHÔNG THÀNH
TRONG CHIẾN TRANH CHỐNG MỸ
Lý Viết Trường
K57, Khoa Lịch sử - Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn
Chiếc điện thoại bàn đổ chuông những tiếng chuông vẫn như ngày nào, ông tôi cầm điện thoại lên và nói “Alo, cho hỏi ai đấy, tôi tên Lý Viết Đẩy nghe máy” từ đầu dây bên kia có tiến trả lời lại “Tôi là Thắng, Đoàn Văn Thắng cùng đơn vị pháo binh đây ông còn nhớ không” ông lại hỏi “Thắng nào nhỉ” đầu dây bên kia lại nói tiếp “Thắng cùng đơn vị pháo C100, Thắng đồng hương đây” nói đến hai từ đồng hương mắt ông sáng lên “À tôi nhớ rồi, Đoàn Văn Thắng người Lạng Sơn phải không, làm sao mà tôi quên được, đồng hương mà”.
Câu chuyện của hai người cựu chiến binh già cứ thế kéo dài đến hơn 30 phút, trong câu chuyện tôi thấy hai người nhắc nhiều nhất hai từ “Đồng hương”.
Đồng hương là cụm từ trước hết dùng để chỉ những con người có cùng quê hương, rộng ra nữa chỉ những người cùng tỉnh, cùng đất nước hay cùng châu lục. Khi hai người có cùng quốc gia gặp nhau ở xứ người thì gọi là đồng hương, hai người ở cùng châu á khi gặp nhau ở châu khác cũng gọi là đồng hương. Hai chữ đồng hương hiểu đơn giản là những con người cùng địa vực, cùng văn hóa, tiếng nói, màu da…
Tình đồng hương được những người con xa xứ rất trân trọng, trong chiến tranh khốc con người ta phải đối mặt với sự sống và cái chết nhưng tình đồng hương không vì thế bị phai nhòa đi mà ngược lại liệt tình đồng hương lại càng có dịp thể hiện rõ nét hơn.
Ông Lý Viết Đảy, cựu chiến binh với 50 năm tuổi đảng, tham gia chiến đấu từ những năm 60 của thế kỉ 20 mỗi khi gặp đồng đội vẫn thường kể lại một câu chuyện xúc động về tình đồng hương giữa chiến trường khốc liệt Trung Lào.
Trên đường hành quân qua Trung Lào ông Dảy dừng chân tại chạm giao liên nơi đây, trong đơn vị có mấy người dân tộc Tày - Nùng[1] Lạng Sơn nên nói chuyện với nhau. Họ đang nói chuyện vui vẻ bỗng nghe tiếng một anh giao liên reo lên “Các đồng chí người Tày – Nùng ở đâu đấy, có phải người Lạng Sơn không” nghe vậy một đồng chí đáp “Chúng tôi là người Lạng Sơn sao anh biết” anh kia hô to “Đồng hương đây rồi, tôi nghe các anh nói giọng địa phương là biết ngay mà” rồi anh ta chạy tới nói chuyện hồi lâu, trong câu chuyện anh kể “Anh mới từ ngoài bắc vào đây được vài tháng, ở nhà máy bay Mĩ vẫn ném bem ác liệt lắm nhưng chúng bị quân ta đánh cho tơi bời, ở quê vẫn ổn cả, rồi anh nhất quyết mời chúng tôi ở lại ăn cơm với anh để anh thịt gà[2] đãi đồng hương” rồi anh cười. Tôi rất vui mừng vì gặp đồng hương và được đồng hương tiếp đón nhiệt tình giữa chiến trường khốc liệt này nhưng chúng tôi không thể ở lại vì nhiệm vụ không cho phép, chúng tôi phải xin phép mãi và hẹn sau này có dịp sẽ vào thăm và hàn huyên chuyện cũ thì anh mới chịu để chúng tôi về.
Đây là một trong rất nhiều câu chuyện mà ông tôi kể tôi nghe về tình đồng hương thời chiến tranh kháng chiến chống Mỹ khốc liệt. Quả là tình cảm đồng hương, đồng chí dù có trải qua khó khăn vất vả như thế nào đi nữa cũng không bao giờ nhạt phai mà ngược lại nó càng thêm đẹp.
Đến bây giờ ông đã không còn nhớ người lính giao liên kia tên gì, và anh vẫn day dứt vì ông đã không bao giờ thực hiện được lời hứa của mình với người giao liên đó bởi sau này đã hi sinh ở chiến trường miền Nam.
Dù chỉ gặp có một lần nói chuyện vài câu nhưng những hình ảnh về người lính giao liên, người bạn, người đồng hương, đồng chí đó mãi khắc sâu trong tâm trí của người lình già Lý Viết Đẩy.
Khoa Lịch sử
Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn
Đại học Quốc gia Hà Nội
SDT: 01636.302.985



[1]  Tiếng tày – Nùng hao hao giống nhau, đồng bào Tày – Nùng sống với nhau lâu nên khi nói họ có thể hiểu tiếng của nhau, giao tiếp với nhau bình thường.
[2] Anh kể tại điểm giao liên có tăng gia được vài chục con gà, nhưng không nỡ thịt mà chỉ dành để tiếp đãi mỗi khi có khách đến, mà khách ở đây toàn là đồng hương cả, chờ mãi chẳng thấy đồng hương của mình mà gà thịt mãi cũng thấy xót, may mà hôm nay gặp đồng hương của mình ở đây.

KỈ NIỆM MỐI TÌNH ĐẦU

KỈ NIỆM MỐI TÌNH ĐẦU
Tôi ngồi lục lại những kỉ niệm của một thời học sinh, những thứ đồ tuy nhỏ nhưng với tôi vô cùng ý nghĩa nhưng điều để lại cho tôi nhiều suy ngẫm nhất chính là cuốn lưu bút hồi cuối năm mớp 12.
Tôi vô tình lật vào trang cuối cuốn sổ mà với tôi đó là cả một gia sản quý nhất mà thời cấp III tôi đã tạo nên, tôi đã ghim nó lại ngay ngắn nhưng hôm nay tôi bóc từng chiếc ghim một ra để đọc lại những dòng chữ nắn nót của ai đó “mình nhận lới yêu nhau lúc 22h03’ ngày 17/02/1995 nhờ ! V có nhớ sai không ?”. Tôi đọc đến đây và thầm nghĩ rằng có lẽ mình sinh ra là để dành cho nhau, vì người đó mới sinh ra trên cõi đời này đã là người yêu mình rồi.
Tôi đọc tiếp “C y ơi ! V ngang lắm nhờ ! Bướng lắm nhờ ! Không ngoan đâu nhờ ! V sẽ cố gắng sửa !” Những lời nói thật vô cùng dễ thương, lúc đó tôi vô cùng hạnh phúc khi đọc những lời này “Vì ghi sổ nên V không biết nói gì nhiều nhưng có một điều rất quan trọng và không thể thay đổi đó là. V y C nhất trên đời, y chỉ mình c thôi!” Trời ơi hạnh phúc đến vô bờ bến, thế nhưng bây giờ còn đâu nữa.
Bây giờ chỉ còn mình tôi lần lại những quá khư mà một thời cả hai đứa cùng nhau vun đắp, vẫn còn đó những lời thề ước, vẫn còn đó những câu nói, những dòng chữ nhưng thử hỏi người còn đâu nữa.
Mai là tròn một năm mình yêu nhau, nhưng chắc chỉ còn có mỗi mình nhớ mà thôi... Tình yêu ơi... Lệ trào khóe mắt...
Mối tình đầu ba giờ cũng đẹp và có ý nghĩa nhất trong cuộc đời mỗi con người, dù nó chỉ thoáng qua như cơn gió nhưng sức ảnh hưởng của nó thì mạnh mẽ như khi người ta bắt gặp lý tưởng sống, để rồi sau này khi xa rồi người ta sẽ mãi nhớ về nó vì nó mà cố gắng hơn.
           Tạm biệt nhé mối tình đầu của tôi, một mối tình mà tôi sẽ không bao giờ quên.
           Tôi chợt nghe ở đâu vẳng vẳng đôi câu thơ “Tình chỉ đẹo khi còn giang giở, đời mất vui khi đã vẹn câu thề”.

Những dòng chữ nắn nót


Những trang nhật kí thật đẹp
                                                                       
Lạng Sơn ngày: 16/02/2013
Một ngày buồn, buồn không tả nổi.

RẢNH RỖI NGỒI BÌNH BÀI THƠ CẢNH NGÀY XUÂN CỦA CỤ NGUYỄN DU

RẢNH RỖI NGỒI BÌNH BÀI THƠ
CẢNH NGÀY XUÂN CỦA CỤ NGUYỄN DU
Tôi ngồi suy nghĩ vu vơ và đọc nhẩm bài thơ “Cảnh ngày xuân” của đại thi hào Nguyễn Du mà thấy hay và khâm phục cụ quá bài thơ có sức sống mãnh liệt nó lăn dài theo chiều dài lịch sử.
Cảnh ngày xuân của cụ Nguyễn Du thật đẹp với “con én đưa thoi” những cánh én bây giờ đã ít dần theo năm tháng rồi cụ Du ơi...
Xưa cụ nói:
“Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê điểm trắng một vài bông hoa...”
Chảy hội
Con thưa cụ rằng bây giờ mới có mùng 7 tháng giêng mà cảnh đã như ngày hè, hoa lê đã điểm trắng rồi, phải chăng thời cụ sống cách thời con tưởng gần mà hóa hàng ngàn thế kỉ, thời gian trôi cảnh vật, con người và thiên nhiên thay đổi nhanh quá cụ ạ...
Con bây giờ đọc và tưởng tượng cảnh các cụ ngày xưa đi hội trong ngày thanh minh mà con thèm cái không khí đó, thời các con mọi người nô nức đi hội cũng đông lắm cụ ạ nhưng con chẳng biết họ đi để làm gì... Họ cưỡi trên xe máy, oto... họ phi như điên, họ hò hét những câu mà không mà không chỉ những người như con nghĩ họ muốn quay trở về thời nguyên thủy mà có lẽ cụ sống lại thì bài thơ của cụ sẽ phải sửa lại ngay lập tức cụ ạ.
Thay vì đi hội con lại ở nhà nhấm nháp cảnh ngày hội thời cụ sống để được chảy hội thanh minh theo đúng nghĩa của nó...
“Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh
Gần xa nô nức yến oanh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân...”
Ai còn nhớ không những tài tử dai nhân với ngựa xe như nước áo quần như nêm kéo lên Gò Đống với thoi vàng vó rắc, tro tiền gió bay... người xưa đi hội nhưng không quên ơn người đi trước, còn bây giờ buồn lắm cụ ạ, bây giờ mọi người đi chơi để khoe ta đây giàu có, đi thăm thú danh lam thắng cảnh thay vì thưởng thức họ lại chà đạp lên danh thắng nước nhà, họ bẻ cây hái lộc đến nỗi cây trước sân đình chùa tàn tạ, họ khắc tên họ lên di tích lịch sử, danh thắng... họ tự cho họ là vĩ nhân khắc tên vào bia đá, lại có những ngôi chùa để văn bia của những vị thần, những danh nhân hào kiệt phơi nắng mưa và gió sương và ngược lại họ khắc tên những người góp công đức cho nhà chùa, chiền, đền, miếu mạo vào bia đá và xây hiên che rất hoành tráng, thật đáng buồn cụ ạ.
Chơi xuân
Mới gần đây thôi dư luận lại được dịp rộ lên vì một thiếu nữ nào đó có lẽ xinh sắn cũng chẳng kém gì nàng Kiều của cụ đâu ngang nhiên, hiên ngang ngồi lên bia liệt sĩ rồi tạo dáng chụp ảnh tung lên faceboo khoe. Xưa hiền thục bao nhiêu giờ thô tục bấy nhiêu cụ ạ.
Thưa cụ bây giờ cụ đi suốt chẳng đường du xuân con dám đảm bảo với cụ không còn một bài thơ nào của dân ta vang lên, những bài quan họ, hát xẩm... của dân tộc ta thì chỉ có các cụ già biết ca. Và con đảm bảo rằng bây giờ đi đâu trên khắp đất nước này cụ cũng đều dễ dàng nghe được câu “gangnam style” rồi câu “năm nay kinh tế buồn” khắp mọi chốn. Ngay cả trong chương trình “Gặp nhau cuối năm” có uy tín thì “gangnam style” cũng chui vào và đặc biệt ta không nghe thấy câu quan họ nào, chẳng thấy làn điệu then nào dù biết rằng đó là những làn điệu dân ca đã và sắp được “unesco” công nhận di sản đâu cả.
Hiện nay dân ta đang có xu thế hay nói cách khác là phong trào di sản văn hóa vật thể và phi vật thể thế giới mà không quan tâm phát triển, bảo tồn bởi vì họ cho rằng cứ công nhận rồi thì sẽ phát huy được giá trị của di sản đó và quan trọng hơn là sẽ thu được lợi nhuận gấp bội. Xin thưa rằng rất nhiều khách du lịch khi đến Hạ Long họ đều phàn nàn về phong cách phục vụ về an ninh trật tự, nhiều người thốt lên “một lần nỳ nữa rồi thôi”...
Thời cụ sống còn những dòng suối nhỏ uốn lượn chân núi thật đẹp, còn bây giờ họ lấp suối,  những dòng sông dòng suối thay vào màu nước trong và mát bằng dòng suối đen và hôi... Ôi chỉ có mấy trăm năm mà thay đổi nhiều quá cụ Nguyễn Du ạ, nhiều lúc con nghĩ rằng nếu cho mình về sống thời cụ có khi lại hay.
Hoa xuân
Cụ Nguyễn Du ạ nhiều đêm con mơ được thả mình trong khung cảnh nên thơ mà cụ đã vẽ nên trong đoạn trích“Cảnh ngày xuân” mà hơn 200 năm trước cụ vẽ ra thật êm đềm và thơ mộng.
“Tà tà bóng ngả về tây
Chị em thơ thẩn dan tay ra về
Bước lần theo ngọn tiểu khê
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh
Nao nao dòng nước uốn quanh
Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang”.

Những nhíp cầu nho nhỏ thời cụ bây giờ chỉ còn xuất hiện trên những vùng cao hẻo lánh hay những vùng nông thôn heo hút thôi, thay vào đó là những cây cầu cốt thép, bê tông... vui thì nhiều nhưng những điều không vui còn nhiều hơn cụ ạ.

DU XUÂN THEO TIẾNG GỌI MỐI TÌNH ĐẦU

DU XUÂN THEO TIẾNG GỌI MỐI TÌNH ĐẦU
Mùa xuân đến làm cho trái tim con người căng tràn nhựa sống và khát khao sống, khát khao tình yêu. Mùa xuân là mùa để người ta du xuân, mùa để những người đang yêu đã yêu và sắp yêu có cơ hội chải lòng. Còn với tôi mùa xuân là mùa để cảm nhận rằng mình đang sống, trái tim mình cũng bồi hồi khi những cơn gió mùa đông bắc cuối cùng nhẹ thổi qua những cành hoa đào phơ phất. Trong khung cảnh đó mình khai xuân bằng chuyến đi Gia Cát nhằm tìm lại những kỉ niệm của mối tình đầu xưa ấy, đã có người nói rằng...
Tình chỉ đẹp khi còn dang dở,
Đời mất vui khi đã chọn câu thề...
Dưới làn mưa phùn lạnh lẽo tôi đã theo con đường Quốc Lộ 4b, con đường mà mới ngày nào tràn đầy những kỉ niệm của một thời xa xôi nay vẫn thế, hai bên đường những ruộng lúa đã gặt song bây giờ còn trơ lại gốc rạ, rồi con sông hiền hòa hiện ra, đó là đoạn cuối của con sông Kỳ Cùng chảy qua đây mang theo phù xa và cả những niềm mơ ước của biết bao con người Gia Cát chân chất hiền lành.
Tri ân 2013.
Nhà Thờ Bản Lìm hiện ra trước mắt tôi với dáng vẻ thật bình dị, nhà thờ đó đã chứng kiến mối tình đầu của tôi, ngôi nhà thờ kia đã dang bàn tay ra che trở và đón đợi một người con phương xa chẳng cần biết người đó là “lương” hay “giáo” nhà thờ là thế đó... Nó vẫn hiên ngang đứng đó chứng minh biết bao nhiêu con người lớn lên và cũng chứng minh biết bao cặp đôi nên duyên chồng vợ, ngày đó cũng đã có lúc tôi và người đó mơ đến một đám cưới trong nhà thờ một đám cưới có chúa chứng minh, nhưng giờ đây tất cả chỉ còn là hư vô.
Tôi gọi điện cho em “em đang ở ngoài Cao Lộc anh ạ” trời ơi mình tưởng rằng sẽ được gặp em, được sống lại những ngày xưa yêu dấu thế mà... Rồi tôi lại gọi cho chị “em à, chị xin lỗi nhé, chị đang ở Thụy Hùng rồi... Em đi nhà bạn em nhé...” Trời ơi trái tim mình đau như có dao đâm nát, mình đâu phải là người ham chơi, ham nhậu nhẹt... thế mà... rồi mình gọi điện cho một đứa em nữa rồi vào nhà em dù em đó mới từ quê ra dẫu còn mệt, mình thầm nghĩ rằng chẳng nhẽ tình yêu không bằng tình bạn ư...
Mình vào nhà bạn chơi, bạn thân, bạn không thân, Gia Cát rồi Tân Liên... ôi đến bây giờ mình càng thấy tình bạn là muôn thủa tình yêu dù đẹp nhưng một khi đã mất nó sẽ chẳng còn đẹp nữa đâu, có muốn vào nhà chơi cũng khó...
Tôi rời Gia Cát khi nhà nhà đã lên đèn, phong cảnh đúng như “phong thủy hữu tình” thế nhưng tại sao tôi lại không vui nhỉ có lẽ câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du sẽ chẳng bao giờ sai “Người buồn thì cảnh có vui đâu bao giờ”. Gia Cát ơi chào em nhé hẹn gặp lại chẳng biết đến bao giờ... Nhưng vào làm gì vì cũng chả để làm gì...
Tết năm nay khép lại bằng chuyến du xuân đầy nỗi buồn này... Hẹn gặp lại nhé mỗi tình đầu của tôi...
Thay cho lời kết...
Hẹn gặp nhé Gia Cát ơi
Biết bao giờ lại nghe lời em nói
Ngoài trời kia gió vẫn thổi
Nhưng anh đã mất em rồi em hỡi.

Còn đâu nữa mối tình đầu
Đẹp lắm đầy nhạc và câu ca buồn
Gia Cát ơi chiều hoàng hôn
Chia tay nhé dẫu lệ tuôn ngàn hàng.
.............................................................Ngày 13/02/2013 (04/01 al)...........................
Lý Viết Trường

Chiều buồn


Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013

NHỚ

NHỚ
Lý Viết Trường
K57 Lịch Sử, ĐHKHXH&NV.
 Buồn ngắm ánh hoàng hôn


Chiều nay hoàng hôn về trên biển rộng
Mình anh lang thang bên hàng sóng cả
Anh lặng nhìn trời biển lòng buốt giá
Nhớ chi hoài hình bóng của tình nhân.


                Ước nguyện ngàn đời bên nhau

Mới ngày nào ta còn chung lối nhỏ
Mới ngày nào đôi ta ngắm hoàng hôn
Hẹn đến ngày hai ta cùng khôn lớn
Cha mẹ anh sang thưa chuyện chúng mình.


Cô đơn

Ngày xưa mơ mộng êm đềm là thế
Hai đứa mình kề vai nguyện ước thề
Sẽ cùng nhau vượt sóng bể nghìn trùng
Anh sẽ về em hãy đợi anh nhé.

Ngày qua ngày tháng qua tháng ai hay
Thời gian thấm thoắt em đã sang sông
Chuyện chim sáo giờ sáo đã sổ lồng
Để tôi buồn lặng ngắm ánh hoàng hôn.


Những bước chân lẻ loi
Hà Nội. Ngày: 26/06/2013

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

TỪ YÊU NƯỚC PHẢI XIN PHÉP, ĐẾN... (HAY LÀ KHÚC BI - TRÁNG CỦA TRÍ THỨC NHO HỌC VIỆT NAM NỬA CUỐI XIX)

TỪ YÊU NƯỚC PHẢI XIN PHÉP, ĐẾN... (HAY LÀ
KHÚC BI - TRÁNG CỦA TRÍ THỨC NHO HỌC VIỆT NAM NỬA CUỐI XIX)

PGS.TSKH NGUYỄN HẢI KẾ

Từ năm 1882 đến 1885, Cử nhân - Thượng thư Bộ Hình, Đại thần Viện Cơ mật Phạm Thận Duật đã:
Dâng biểu tấu mật kiến nghị 4 điểm và chiến lược phòng thủ đất nước, chuẩn bị chống xâm lược, được Tự Đức đưa ra Viện cơ mật bàn.
Một năm (2/1883- 1/1884) lãnh chức Chánh sứ, đeo mệnh, và cũng đeo bệnh dọc đường sang Thiên Tân (Trung Quốc), về nước chuyển sang Thượng thư bộ Hộ.
- Ngày 6-6-1884, tại Kinh đô Huế, là Toàn quyền của triều đình Huế ký Hiệp ước gồm 19 điều khoản với Patenôtre - Sứ thần Cộng hòa Pháp.
- Tháng 8-1884 kiêm Tả Tham tri bộ Công.
- Gần một năm sau, cũng chính Ông, một trong những nhân vật chủ chốt phò vua Hàm Nghi chạy ra Tân Sở (Quảng Trị), phát Chiếu Cần Vương ngày 13-7-1885.
- Ngày 29-7-1885, ông bị tay sai Pháp bắt, giam hết trong đất liền (Thương Bạc) đến ra đảo (Côn đảo).
Và, ngày 29-11 của 125 năm trước ông mất trên thủy trình đi đày Tahiti. Hình hài ông hòa vào với đại dương….
Như vậy, chỉ trong vòng ba năm, bao sự kiện dồn dập, kết nén lại trong cuộc đời của Phạm Thận Duật, phản chiếu không chỉ riêng thân phận Cử nhân - Thượng thư Cơ mật đại thần, mà của đội ngũ trí thức Nho học Việt Nam trong khung/ khổ của quốc gia, vương triều Nguyễn cuối XIX.

1. Trí thức: DẤN THÂN YÊU ĐỜI
Nói đến phẩm chất trí thức trước hết là nói đến, là không quên: Trí thức là dấn thân hành đạo theo định hướng dẫn đường, cải tạo, xây dựng cộng đồng, xã hội! Đó cũng là đặc điểm, thuộc tính hàng đầu của tầng lớp này, khác biệt đầu tiên với tầng lớp khác.
Giai đoạn 1851-1885 là 35 năm, bằng toàn bộ cuộc đời trí thức - quan trường của mình, từ khi đỗ Cử nhân ra làm quan thời vua Tự Đức, rồi phò tá Hàm Nghi, dù trong bất kỳ cương vị hoàn cảnh nào, cũng là một Phạm Thận Duật, là sự phát triển thống nhất, trọn vẹn không chia cắt sự phát triển hoài bão "mấy chước điều canh cùng một dạ" của chàng trai Yên Mô Thượng từ thuở 15 tuổi tỏ chí. Cuộc đời của Phạm Thận Duật là một điển hình của phẩm chất trí thức Nho học yêu nước, dấn thân, không ngại từ nan khó, hết lòng mẫn cán cùng công việc được trao.
Sáu năm đầu dặm quan trường, Phạm Thận Duật hết làm Giáo thụ Đoan Hùng, rồi Tri châu Tuần Giáo rồi kiêm cả Luân Châu. Dẫu biết "miền biên viễn lam chướng độc hại, nơi "thập tử nhất sinh" trước nay các lưu quan đưa lên bị ốm chết đến quá nửa" (chữ dùng của Phạm Thận Duật), và rồi bản thân cũng bị sốt rét hành thành bệnh đường tiết niệu (mà ông sẽ đeo suốt đời) vẫn tự thức "đó là việc nước, không nên từ nan" trong quản trị, để lại cho đời Hưng Hóa ký lược.
Hai mươi năm trị nhậm vùng Bắc Giang, Bắc Ninh - vùng đất mà nửa sau thê kỷ XIX "mùa màng mất càng nhiều, ngoài thì giặc biên trấn, trong thì lũ gian dân" (Văn võ tỉnh Bắc viếng Bùi Chế đài) triền miên thổ phỉ, giặc dã, chưa hết từ trên Lạng Sơn kéo xuống, lại Tạ Văn Phụng từ vùng biển Đông Bắc tràn sang. Phạm Thận Duật đã mang ước vọng và tinh thần "từ sự việc ở biên cương mà ném bút cầm gươm thề một lòng giết giặc,... ta muốn làm trong sạch vùng biên giới nước ta như thời Trần, thời Lê ngày trước"[1].
Rồi hai năm tiếp bước Hoàng Giáp tiền bối Nguyễn Tư Giản, Phạm Thận Duật lao tâm trị thủy hệ thống sông Hồng. Dẫu có lần bị trừ đi 7, 8 tháng lương vì việc hàn đê, vẫn trút tâm, trí tổng kết thành Hà đê tấu tập… Rồi năm 1878, sung vào Viện Cơ mật, Sư bảo (thày dạy) cho hai Hoàng tử Dục Đức, Chánh Mông, sau lại sung Quốc sử quán, Phó Tổng tài, kiêm quản Quốc tử giám, Tổng kiểm duyệt và in bộ "Khâm định Việt sử thông giám cương mục". Phạm Thân Duật nhận thấy rõ quốc sử là cốt tỏ rõ dấu vết hay dở, thuật lại việc quá khứ, để làm gương cho tương lai; đấng thành nhân cân nhắc phải trái, thu góp mọi lời bàn luận, để lưu truyền lời dạy đúng đắn cho đời sau… Nước Đại Việt ta, dựng bờ cõi ở minh đô, sách trời định rõ núi sông, nết đất đúc nên văn vật, vua chúa đời sau thay đời trước, phong khí ngày một mở mang; thời đại không giống nhau, qui mô cũng mỗi thời một khác… Cho người đọc sách này tôn trọng điều đã được nghe, thực hành điều đã được biết, không khác gì chính mình được thân nghe lời dạy bảo của vua... trước là sáng tỏ được dấu thơm "người sáng tác là bậc thánh, người hoàn thành là bậc minh", sau là làm gương sáng để soi việc thịnh suy mãi mãi. (Biểu "Cáo thành" ngày 19-9-1884).
2. YÊU NƯỚC, LO ĐỜI... PHẢI XIN PHÉP TRIỀU ĐÌNH
Trước năm 1885, ít nhất hai thế hệ trí thức Nho học đại thần triều Nguyễn đều đeo một vành kim cô đến thành bi kịch. Chỉ trong vòng chưa đầy một phần tư thế kỷ từ sau sự kiện năm 1862 - thực dân Pháp đến năm 1884 - đã có ít nhất hai trí thức Nho học - Đại thần:
- Một Tiến sĩ khai khoa Nho học Phan Thanh Giản (1790-1867) của vùng đất Nam Bộ - đất mà nhà Nguyễn coi là "căn bản" của vương triều,
- Một Cử nhân của vùng đất khoa bảng bên cửa biển Yên Mô phía bắc Phạm Thận Duật (1825-1885).
Cả hai khác nhau về quê quán, truyền thống sinh hoạt, cách nhau hơn một thế hệ, chung nhân cách của trí thức đại thần, chung niềm yêu nước, thương dân,… Nhưng, ở cuối thế kỷ XIX, đau xót thay, cả hai ông chung nỗi niềm - không dễ nói ra, khi không chỉ chứng kiến mà còn phải thay mặt vua Nguyễn (Tự Đức - trước năm 1883) và Dục Đức (năm 1884) ký vào văn kiện "hòa ước" phủ nhận từng bước đến triệt tiêu độc lập, chủ quyền quốc gia, ngược với lý tưởng, kỳ vọng của sự nghiệp mà cả đời các ông phấn đấu hy sinh !
Với hai hiệp ước năm 1862, rồi 1884, Phan Thanh Giản và Lâm Duy Tiếp được cử vào Sài Gòn ký Hòa ước 12 khoản với Bonard, thì trước đó ba tỉnh Định Tường, Biên Hòa, Vĩnh Long đã mất vào tay Pháp. Tháng 6-1867, thực dân Pháp hội sẵn quân để lấy An Giang, Hà Tiên…
Phan Thanh Giản chỉ còn biết bảo các quan đành chịu nộp thành trì cho khỏi sự tai hại, dặn lại con cái phải cày ruộng mà ăn chứ không được làm quan chức gì ở cho Pháp rồi… uống thuốc độc tự tử.
Không chỉ bậc đại nho như Phan Thanh Giản, mà cả bậc tri thức thời đại - như Nguyễn Trường Tộ (1828-1871) dâng trình "Tế cấp luậnThâu tóm trí khôn của thiên hạ 500 năm nay, nếu được đem ra thực hành trăm năm cũng chưa hết(Nguyễn Trường Tộ), "Đầy bụng kinh luân tám đấu tài", mà rốt cuộc, như Huỳnh Thúc Kháng viết, chỉ khiến:
"Người sau nhớ mãi chuyên bi ai
 Biển xanh ghi lại châu còn đó
 Nghe uất non sông ngay chính đó
 Ly tao xua đuổi quốc hồn lai".
Ngẫu nhiên chăng ? Chỉ là bi kịch cá nhân với trí thức Nho học chăng?
Không thời đại nào dân tộc Việt Nam không có tầng lớp trí thức của mình với những phẩm chất dấn thân.
Tuy nhiên trong suốt lịch sử dân tộc, cho đến tận thời Phạm Thận Duật, từ Đại Việt - Đại Nam chỉ nảy sinh trí thức phụ thuộc chặt chẽ vào vua, vào chúa - triều đình (mà có người gọi đó là tri thức cận/ tôi thần[2]), mà không có điều kiện để nảy sinh, dung dưỡng được những thế hệ trí thức độc lập. Đại bộ phận trí thức Nho học Việt Nam chỉ thoái mới vi sư (lui về hay khi cạn hết đường làm quan, tiến thân mới làm thày giáo) mở lớp, hay viết sách, làm thơ, văn… truyền bá đạo Nho, hẹp thì Tống Nho, rộng thì Tam giáo (Phật - Đạo - Nho). Khi con đường đó chưa khép lại, thì đều hăng hái gia nhập quan trường (tiến vi quan) để mong thay đổi thân phận bản thân, gia đình (cũng là kiểu tu thân, tề gia). Người "tốt" thì kỳ vọng dùng tri thức Nho học để hành đạo (trị quốc, bình thiên hạ = góp phần cho đất nước xã hội bình yên, ổn định) qua con đường làm quan triều đình. Nói cách khác, các thế hệ tri thức Nho học Việt Nam, ngay cả đến những đại trí thức Nho học, cho đến thế kỷ XIX không (hay ít) có điều kiện để thực hành, để xây thành thói quen hay thao tác tự thức, truyền bá, khai sáng tư tưởng mới, mà dồn sức, tâm nhiệt huyết, mà đau thiết đến đổ "huyết lệ" - đổ - máu - mắt cho việc tấu, trình kiến nghị, điều trần lên vua, ngửa mong vua chúa "đèn giời" soi xét.
 Đấy là cội nguồn sâu xa, tiềm tàng nảy sinh những bi kịch của thân phận cá nhân hay thế hệ tri thức Nho học, mặc dù không phải lúc nào cũng bộc lộ, mà chỉ hiện ra trong những thời điểm cụ thể của lịch sử Việt Nam, chẳng hạn:
Thế kỷ XIII, trước dân tộc đất nước, dẫu phải đối đầu với đế chế Nguyên - Mông xâm lăng hùng mạnh chưa từng có trong lịch sử trước đó, nhưng triều đình Thăng Long - Đại Việt đậm chất gần dân, thân dân, tin dân với "vua tôi đồng tâm, anh em hoà thuận, cả nước góp sức" đã tạo thành chân trời rộng mở để nâng, chắp cánh không chỉ những trí thức - vua, hoàng tộc như Trần Cảnh, Trần Hoảng, Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư,... mà những Tiến sĩ xuất thân bình dân như Lê Văn Hưu, Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn, Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Phạm Sư Mạnh… gắn kết, thống nhất mọi nhiệt huyết, năng lực yêu nước từ trẻ đến già, hết ý nhập thân, phát huy năng lực sáng tạo vào sự nghiệp cứu nước và xây dựng quốc gia, tạo nên năng lượng dân tộc - như làn sóng "vô cùng mạnh mẽ, lướt qua mọi nguy hiểm khó khăn" của ba lần thách thức sống còn (1258, 1285, 1288) đưa đất nước lên đài vẻ vang trong kỷ nguyên Văn minh Đại Việt.
Hai mươi năm (1407-1427) khi mất nước là nỗi nhục chung của mọi con dân Đại Việt "Căm giặc nước thề không cùng sống" không phải quyền của riêng ai, thì yêu nước, đuổi giặc xâm lăng cũng trở thành con đường tự do với ngàn cách thể hiện của mọi tầng lớp cư dân nước Việt.
Các cuộc nổi dậy khởi nghĩa chống giặc Minh, liên tục, rộng khắp chứng minh điều đó. Thái học sinh (Tiến sĩ) Nguyễn Trãi "xét cho cùng mọi lẽ hưng vong" để đi đến nhận thức "tâm công - không bàn chuyện đánh thành mà đánh vào lòng người" hóa thân thành cương lĩnh Bình Ngô sách của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo. Mười năm "hiệu gậy làm cờ, tụ tập khắp bốn phương manh lệ, tướng sĩ một lòng phụ tử… trong đấu tranh gian khổ của dân tộc, đã luyện kết và giải phóng năng lực, tri thức của Ức Trai - Nguyễn Trãi "viết thư,thảo hịch tài giỏi hơn hết một thời" cùng toàn quân, toàn dân đi tới Chi Lăng, Xương Giang "rửa nỗi nhục ngàn thu", đi tới Hội thề Đông Quan, đại cáo Bình Ngô "cổ kim chưa từng nghe thấy".
Đấy là một thời!
Nhưng không phải thời nào cũng thế!
Nửa cuối XIV, gần trăm năm sau những hào sảng Chương Dương cướp giáo giặc/ Hàm Tử bắt quân thù (1285), chỉ hơn chục năm sau thời kỳ "nở rộ nhân tài" - thế - hệ - vàng - ròng trí thức như Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn… thì bậc Vạn thế sư biểu Chu Văn An với nhiệt thành tâm huyết kiên cường mấy, bất khuất mấy cũng chỉ là dâng sớ Thất trảm lên vua, để rồi ngậm ngùi về mở trường tư dạy học. Cũng chỉ hơn chục năm sau ngày "mở nền thái bình muôn thuở" cho sơn hà Đại Việt, Thừa Chỉ Nguyễn Trãi đã phải di hận kỷ thiên niên vào năm 1442… trước đám triều đình Lê - mà chính thế hệ ông đã dâng hiến toàn bộ trí năng, tâm thành của tuổi thanh xuân để dựng gây nên…
 Và, thế kỷ XVIII đâu chỉ có riêng bi kịch của Tiến sĩ Thái thường Bùi Sỹ Tiêm - với huyết lệ Điều trần về những việc cần - làm - ngay trước nhiễu nhương tham nhũng, cậy thế, cậy quyền của đám triều chính thời vua thì Lê, chúa thì Trịnh v.v…
Năm 1802, sau những binh đao chia cắt, loạn ly (nội chiến đàng Trong, đàng Ngoài - thế kỷ XVII, lại cuộc chiến từ giữa Tây Sơn với chính quyền Nguyễn Ánh (cuối XVIII)… lần đầu tiên Việt Nam được thống nhất trọn vẹn dưới triều Nguyễn Ánh - Gia Long…
Những tưởng sau bao nhiêu mất mát, một thời kỳ mới đã mở ra "Vua dân cùng một dạ, chim cá cùng lòng" (Lê Huy Giao - Bài hịch dụ các người trung nghĩa miền Bắc). Nhưng, thay vì một trang sử huy hoàng của dân tộc, của những thế hệ đã đầu sóng, ngọn gió trên chiến thuyền, yên ngựa, qua mũi tên, hòn đạn dựng lên nhà Nguyễn, thì chỉ gần 20 năm sau, tháng 5 năm Tân Tỵ (năm 1821), thế hệ thứ hai của nhà Nguyễn, Nguyễn Phúc Đảm lên ngôi (vua Minh Mạng 1820-1840) cho đặt Sử quán, dù viết rất rõ rằng: "Nước phải có sử để làm tin ở đời này mà truyền lại đời sau,… Nước nhà ta Thái Tổ gây lên, liệt thánh nối trị hơn 200 năm... Thế tổ Cao hoàng đế ta thống nhất non sông, mở mang trăm phép... Trẫm mới thân chấp chính, nghĩ việc chí chuộng việc văn, làm việc đều theo sử cũ. Mỗi khi xét việc lại đăm nghĩ đến việc nối dòng nối nghiệp"[3]Nhưng, công trình đầu tiên được soạn là "Liệt thánh thực lục"[4], gồm:
Tiền biên ghi chép về sự nghiệp của 9 chúa Nguyễn bắt đầu từ Nguyễn Hoàng (Thái tổ Gia dụ hoàng đế) vào trấn thủ Thuận Hóa (năm 1558) đến hết đời Nguyễn Phúc Thuần (Duệ Tông Hiếu Định hoàng đế - năm 1877).
Chính biên viết về các vua triều Nguyễn bắt đầu (kỷ thứ nhất) về đời Gia Long từ năm 1778 đến năm 1819[5]. Cũng thời gian này, Minh Mạng chuẩn y lời tâu xin của bộ Lễ "chưa vội đem Việt sử liệt vào chương trình dạy học và thi cử".
Mãi đến năm 1856 - tức là hơn nửa thế kỷ thống nhất quốc gia, vua Nguyễn Hồng Nhậm - Tự Đức, gần 10 năm ở ngôi mới cho biên soạn Khâm định Việt sử thông giám cương mục.
Vẫn biết, vương triều phong kiến ở Việt Nam là đặt theo dòng họ (nhà Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê), nước là nước của họ Vua… Nói như tri thức bác học hóa dân gian truyền tụng "Nam quốc sơn hà Nam đế cư"… nhưng hẳn chưa bao giờ quan niệm quốc gia, đất nước là của riêng dòng họ liệt thánh thực lục lại hóa thành Đại Nam thực lục tức là cha mẹ anh em vua trước / trên rồi mới đến, mới thành đất nước, quốc gia, chúng dân... rõ ràng như từ thời Minh Mạng - với tái độc tôn giáo lý Tống Nho, trở đi.
 Vua, hay triều đình - lúc đó thành độc quyền chân lý. Giáo lý Tống Nho từ thời Lê Thánh Tông (1460-1497) tiếp tục trở đi thành vòng Kim cô, đã thít, khép lại chân trời của những cánh chim trí thức tự chủ, sáng tạo. Không phải ngẫu nhiên khát vọng tự do của toàn thể dân chúng, vốn được cất lên "bay thẳng cánh muôn trùng Tiêu Hán" - như Nguyễn Hữu Cầu tuyên ngôn từ giữa thế kỷ XVIII vẫn tiếp tục được đồng cảm, sẻ chia, khao khát trong những thế hệ trí thức Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát… Và đội ngũ đó vẫn phải đau lòng trước "điên đảo non sông nhòa lối cũ. Âm thầm đất nước, ngậm bi thương" (Thơ viếng Cao Bá Quát của Nguyễn Văn Siêu) cuối thế kỷ XIX.
 Cũng không phải ngẫu nhiên, mà khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha đã ngang nhiên xâm phạm chủ quyền, nổ súng tấn công Đà Nẵng (1-9-1858) hay khi thực dân Pháp chiếm Nam kỳ (1862-1867) rồi tấn công thành Hà Nội (1873, 1882...) phong trào yêu nước, chống Pháp của một tầng lớp chúng dân sôi nổi khắp mọi nơi... nhưng vành kim cô ấy vẫn buộc ràng hành động của những Tam Đăng Phạm Văn Nghị, Hoàng Diệu, Tiến sĩ Trần Tấn, Đặng Như Mai...
Phạm Thận Duật từng khóc viếng Phó bảng, Thượng thư, Tổng đốc Hà Ninh Hoàng Diệu (1828-1882) "cô thần một chết tấm trung phơi" trong cuộc chiến bảo vệ thành Hà Nội… Phạm Thận Duật từng hóa thân đồng cảm, sẻ chia hết mực nhân văn vào, với bao nhiêu nhân vật khác trong đạo hiếu, nghĩa huynh đệ, nghĩa quân thần… trong suốt cuộc đời minh với người khác (Theo thống kê trong Quan Thành văn tậpcủa ông, còn lại ít nhất 110 câu đối, 12 bài thơ, 42 bài văn tế, văn bia, tấu biểu) cũng không thoát khỏi thân phận "cô thần" trong đám triều đình Nguyễn.
Thế nhưng, chính ông, Chánh Khâm sai Phạm Thận Duật lại phải đặt bút vào kỳ với Patonôtre văn bản năm 1884 ! Bi sót đến chừng nào!
3. CHÚNG DÂN, NÚI SÔNG CHẮP CÁNH
Năm 1884, Kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi được bộ phận kháng chiến đưa lên Sơn phòng, phát hịch "Cần Vương".
Dù khẩu hiệu vẫn là Cần Vương (giúp vua, phò vua), nhưng trong bản chất là lời kêu gọi, là lời quy tụ giải phóng, tổ chức, phát huy mọi nguồn lượng năng, trí năng của toàn thể mọi người: "Người trí thì hiến mưu, người dũng hiến sức, kẻ giàu bỏ của ra giúp quân nhu, đồng bào, đồng trạch chẳng từ hiểm nguy, có thể làm được gì thì làm nấy, Những ai cứu nạn phò nguy đỡ khó, chống đổ, chớ tiếc lòng, tiếc sức… chuyển loạn thành trị, chuyển nguy thành an, thu lại giang sơn bờ cõi. Trong cơ hội này, phúc của tôn miếu xã tắc là phúc của bàn dân, cùng lo với nhau, cùng hưởng với nhau. Nhược bằng cái tâm sợ chết hơn cái lòng yêu vua, sự nghĩ cho nhà hơn lo cho nước, làm quan thì mượn cớ tránh xa, đi lính thì bỏ ngũ lẩn trốn, người dân không biết trọng nghĩa cứu cấp việc công, kẻ sĩ cam bỏ chỗ sáng đi vào chỗ tối thì dù không phải là sống thừa ở đời, song mặc áo đội mũ mà là muông là thú,…".
Nếu những người áo vải Nam Bộ "việc cuốc, việc cày, tay vốn quen làm" tiếp tục tinh thần Nguyễn Trung Trực, Trương Định,... rồi lan cả miền châu thổ sông Hồng theo Hoàng Hoa Thám lên Yên Thế kháng chiến, thì từ đó trí thức Nho học không còn nữa những đại thần - trí thức yêu nước như Phạm Thận Duật phải ràng buộc với cái áo, mũ triều đình, để ngay đến thể hiện lòng yêu nước cũng phải xin phép vua, theo ý vua. Trước mắt họ chỉ còn Tổ quốc, quê hương Việt Nam đang lâm nguy!.
Khát vọng "Ta nay quyết kéo trời Nam lại, kẻo để giang sơn đổ lộn nhào..." được thể hiện thành những:
+ Cử nhân, Án sát Thanh Hóa Phạm Bành (1825-1887)và Đinh Công Tráng dựng căn cứ Ba Đình.
+ Tiến sĩ Nguyễn Xuân Ôn (1830-1889) khởi nghĩa ở Nghệ An.
+ Hoàng Giáp, Chánh sứ sơn phòng, Tuần phủ Hưng Hóa - Nguyễn Quang Bích (1832-1890) kháng chiến ở Phú Thọ, Yên Bái.
+ Tú Tài Nguyễn Thiện Thuật (1841-1926) lập căn cứ Bãi Sậy.
+ Tiến sĩ - Ngự sử đô sát viện Phan Đình Phùng (1844-1895), Cao Thắng, lên rừng lập căn cứ Vụ Quang…
+ Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu (1847-1887) ở Quảng Nam.
+ Tiến sĩ, Chánh sứ sơn phòng Thanh Hóa Tống Duy Tân (1837-1892) ở miền núi Thanh Hóa.
+ Cử nhân Mai Xuân Thưởng (1860-1887) ở Bình Định.
+ Tú tài võ Tạ Quang Hiện ở Thái Bình, Nam Định…
Để rồi, cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, thế hệ trí thức Nho học - thế hệ của buổi giao thời không chỉ cùng chúng dân đứng lên chống thực dân Pháp mà đã có thể chuyển hẳn sang, thống nhất giữa tự do nhận thức và hành động, tìm kiếm con đườngcanh tân cứu nước, cứu dân như thế hệ Lương Văn Can (1854-1927), Phan Bội Châu (1867-1940), Phan Chu Trinh (1872-1926)…

***

Không nghi ngờ gì, các vua Nguyễn, từ Nguyễn Ánh - Gia Long, Minh Mạng… nhất là đến đời vua Nguyễn Hồng Nhậm (Tự Đức) sau sự kiện Đà Nẵng (ngày 1-9-1858) đã nhìn càng ngày càng thấm hơn âm mưu và tham vọng của thực dân tư bản Pháp nhòm ngó và sẵn sàng dùng vũ lực với Việt Nam.
Nhưng, điều cơ bản, quan trọng sống còn, là triều đình Nguyễn không có đủ năng lực để tập hợp sức mạnh toàn dân để vượt qua thử thách này.
Không phải là Nho giáo mất đi tính tích cực trên phương diện đạo đức và cách xử thế. Nhưng, như chính Phạm Thận Duật viết "miệng muốn nói, hãy nói bằng miệng của người xưa, Tay muốn viết, hãy viết bằng tay của người xưa" mà trong bản chất hệ tư tưởng của Nho ngay từ trong hình thành và vận động của nó luôn luôn tồn tại nghịch lý sau:
+ Với ý nghĩa là những khát vọng - giá trị vĩnh hằng của cuộc sống con người trong đời sống xã hội, thì những giáo lý của đạo Nho như - không - bao - giờ "lạc hậu" dù ra đời đã hàng ngàn năm trước. Nhưng, một đương nhiên khác là không phải chỉ những thế kỷ sau, mà ngay từ quá trình hình thành tư tưởng Nho giáo đã luôn luôn bất cập, ảo tưởng trước thực tế ! (mà có những nghiên cứu cho đó là bảo thủ và lỗi thời không còn khả năng giúp con người nhận thức, lý giải và giải quyết những vấn đề thực tiễn).
Nhưng không chỉ các triều đình phong kiến Trung Hoa, mà các triều đại phong kiến ở Việt Nam mọi thời, đều luôn lấy nó làm trụ cột tư tưởng để bên ngoài thì tuyên bố "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ" (Tu dưỡng bản thân, cho gia đình yên ấm, đất nước thịnh trị, xã hội yên bình) mà bên trong thực chất là duy trì quyền lực, quyền lợi của triều đình với một "ràng buộc" trước hết và cao nhất nhưng cũng ảo tưởng nhất là Trung quân (Trung với vua).
Không nên quên rằng ngay cả những ông vua khai sáng triều đại xuất phát vốn không hề biết đến chút giáo lý Nho học là gì như họ Trần, họ Mạc… thì quá trình lên đến ngai vàng và giữ ngai vàng vẫn luôn miệng dẫn ra, cần đến ít ra là vài câu kinh điển Nho học, lấy đó để "trị" người, lấy đó để ràng, buộc lòng người, và tìm kiếm kẻ "trung thần".
Nửa cuối XIX, trước họa xâm lược của thực dân Pháp đến từ một nước tư bản phương Tây, từ một nền văn minh công nghiệp với nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh tối tân, với lối đánh chưa từng có trong binh thư phương Đông.
Đây là lần đầu tiên dân tộc Viêt Nam phải đương đầu với một đối tượng xâm lược mới, trong một bối cảnh lịch sử mới mà những kinh nghiệm cổ truyền cần được vận dụng trong một phương thức đấu tranh mới ! Đúng.
Nhưng điều đó đâu quyết định nguyên nhân mất nước
Kẻ xâm lược nào đến nước này chẳng đều giàu mạnh, khổng lồ, tàn bạo !
Nhưng dân tộc Việt Nam đã không chỉ dám đương đầu thử thách, mà còn đi đến những trận chung kết toàn thắng không phải chỉ một lần.
Không nên quên rằng, trong lịch sử thời An Dương Vương, chính quyền Cổ Loa - Kẻ Chủ có nỏ thần, thời Hồ Quý Ly từng có Thần công, có lâu thuyền, có thành Tây Đô, phòng tuyến Đa Bang... như hơn hẳn kẻ thù !. Thì... cả hai lần cơ đồ Âu Lạc, Đại Ngu đắm biển sâu. Vũ khí quân sự đâu phải là sức mạnh bao trùm, làm nên sức mạnh quyết định chiến thắng của triều đình, dân tộc.
Quan trọng hơn cả, quyết định hơn cả là cái triều đình cuối XIX đó đã không chỉ không gần dân, tin dân, mà đã đến mức sợ dân. Chân trời khoáng đạt của tự do, chắp cánh cho năng lực quyền biến, năng lực phản biện, năng lực sáng tạo, bị khép lại, bóp chặt lại… khiến nguồn năng lực vô giá mà chỉ có ở lòng dân, sức dân, trí dân không được phát huy, tổ chức và nhân lên để thành THƯỢNG SÁCH GIỮ NƯỚC -như di huấn, chân lý mà Đức - Thánh - Trần đã chắt/ vắt mình truyền lại.
Chỉ đến phút cuối cùng khi cái đám triều đình nhân danh cái giáo lý đó, ngụy trang bằng cái giáo lý đó, bị tan theo tiếng đại bác của giặc Pháp dùng cái giáo lý đó, khi cái giáo lý, giáo điều độc tộc, xơ cứng ấy sụp đổ, đã đặt dấu chấm hết cho chương khúc bi ai của trí thức Nho học trong lòng phong kiến.


[1] Những lời của Phạm Thận Duật trong bài viết này (in nghiêng) là được dẫn theo bản dịch trong Phạm Thận Duật toàn tập (Phạm Đình Nhân biên soạn và tổ chức bản thảo), Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2000.
[2] Xem Giá Văn Dương, Tri thức cận thần và tri thức độc lập, TuầnVietnam.net, ngày 30-8-2010.
[3] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục Chính biên, đệ nhị kỷ, q. IX, Bản dịch, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr. 133.
[4] Mà sau này khi công bố mang tên Đại Nam thực lục chính biên  tiền biên.
[5] Phần Tiền biên hoàn thành việc khắc in năm 1844, do Trương Đăng Quế, Vũ Xuân Cần làm Tổng tài. Phần Chính biên, gồm 6 kỷ, trong đó có 4 kỷ hoàn thành trong thế kỷ XIX.
Nguồn: http://khoalichsu.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=358:t-yeu-nc-phi-xin-phep-n-hay-la-khuc-bi-trang-ca-tri-thc-nho-hc-vit-nam-na-cui-xix-pgstskh-nguyn-hi-k&catid=25:bai-vit&Itemid=33