Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

LỜI NHẮN NHỦ - GỬI TRUNG NGUYÊN BÙI CHÍNH

GỬI TRUNG NGUYÊN BÙI CHÍNH

Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ…
Tôi đã từng nghe câu nói “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ…” và tôi cũng đã từng hiểu chữ “Duyên” không tự nhiên sinh ra và cũng chẳng tự nhiên mất đi. Thật vậy trong cuộc sống chẳng có cái gì tự nhiên đến rồi tự nhiên đi, tất cả nó điều do “Nhân quả” và “Duyên số” sắp đặt. Suốt thời gian qua tôi ngẫm lại càng thấy những điều trên rất đúng, mày gặp tao là do tạo hóa quyết định, nó cũng là chữ “Duyên” giữa những người bằng hữu vậy.
Chúng ta có cơ hội được gặp nhau, chơi với nhau, hiểu nhau rồi thân nhau nào đâu có phải dễ dàng gì, thời gian gần 2 năm vừa qua cũng đã nhiều lần thử thách tình bạn của chúng ta. Mày được cái tài hay nói dối, chưa bao giờ nói cái gì thật với tao cả, toàn do tao tự tìm hiểu và biết, cả cái nguyên nhân khiến mày lui về hậu trường gần 1 năm cũng là do tao tự biết qua nhiều cách khác nhau. Đã có nhiều lúc tao nghĩ mày chẳng coi tao là bạn, thật đấy !
Tuy nhiên sau khoảng thời gian dài tìm hiểu, nghĩ và nghĩ nhiều hơn thì những lý do đó đã không thể đủ để tao ghét mày, giờ đây tao nghĩ rằng: “Mày nói dối quen rồi, mà có nói dối mới phải là mày, nói dối có nghệ thuật, nói dối mà vẫn thật thà chân chất, nói dối kiểu nhà quê”.
Mày yên tâm đi, hữu duyên thì sẽ tương ngộ mày ạ. Thời buổi hiện nay như này có gì đâu mà lo, vài bữa bọn tao lại xuống nhà mày 1 lần ấy chứ, chỉ sợ nhà mày không tiếp thôi, mà nói trước bọn này ăn nhiều lắm, toàn người dân tộc, mạnh ăn mạnh nói thôi. Cứ chuẩn bị mà tiếp nhé.
Nói thế thôi năm sau mày sẽ trở lại, lúc đó mày sẽ lợi hại hơn bọn tao gấp nhiều lần. Khi trở lại nhớ trình làng không chỉ một mà nhiều công trình nghiên cứu mới về văn hóa dân gian mà mày hằng mơ ước nhé. Hãy nhớ rằng muốn làm được điều đó thì tâm mày phải vững, gan mày phải bền thì mới làm được, chứ gặp chút thất bại quay ra sa ngã, tiêu cực thì bọn tao khinh đó.
Muốn được như vậy giờ này mày hãy nhớ lấy điều này:

đã là bạn thì mãi chẳng quên
Tâm bình tĩnh thì tự nhiên khoan khoái, công minh…
Thật vậy, sau mỗi lần vấp ngã tâm người ta thường sẽ bất an, từ bất an sinh ra nhiều điều bất lợi thậm chí khiến con người ta trở nên tiêu cực. Tao nghĩ thời gian vừa rồi mày đã đấu tranh rất nhiều giữa lý trí và con tim, giữa thất vọng và niềm tin, giữa giận và thương… những cảm xúc đó âu cũng chỉ là chuyện thường tình mà ai cũng sẽ gặp thôi.
Tao đã từng trải qua những phút đau khổ tuy không giống trường hợp của mày nhưng chắc chắn nó cũng chẳng kém gì nỗi đau của mày, thật đó. Thế nhưng lúc đó tao đã vượt qua, tao đã gượng đứng lên để đi qua 3 kỳ thi gay go nhất trong cuộc đời, nhiều lúc tao nghĩ rằng lúc đó mà tao mềm yếu hơn dù chỉ một chút thôi thì có lẽ lúc này những dòng chữ này sẽ chẳng được bao giờ viết ra và chúng ta sẽ chẳng bao giờ có cơ hội làm bạn, âu cũng là duyên số.
Nói dông dài thế nhưng tựu chung lại cũng chỉ muốn nói rằng, tâm mày tĩnh thì lòng mày an, lòng có an thì đời mới vui được. Hãy nhìn mọi việc thoáng ra, thất bại là mẹ thành công đó, biết đâu thời gian 1 năm tới mày sẽ thu được rất nhiều lợi ích khác, thu thập tài liệu văn hóa chẳng hạn, không chừng sau một năm nữa khi mày trở lại tao lại phải học hỏi mày nhiều cũng nên.
Tạo sao tao lại nhắc mày cần tâm tĩnh trong lúc này ư, đơn giản bởi vì:

Than vãn, khóc lóc, u sầu giờ này chỉ làm mày thêm nhu nhược mà thôi…
Mày than vãn đi, than càng nhiều càng tốt nếu than vãn giúp mày bớt buồn và tăng thêm nghị lực. Nhưng nếu than vãn mà chẳng giải quyết được gì thì đó là một điều quá lãng phí trong thời điểm hiện nay.
Khóc ư, thật dễ dàng, tao chỉ cần nhớ lại những ngày tháng bên cha mẹ tao là tao có thể khóc, khóc một cách rất vô tư hoặc khóc một cách tức tưởi hận đời. Nói như thế nghĩa là khóc nhiều lúc cũng rất cần, nhưng khóc như thế nào, khóc xong rồi lau nước mắt đi và quyết tâm vươn lên thì những giọt những mắt bỏ ra sẽ không hề hoài phí, còn khóc xong rồi sợ, khóc xong thấy đời chỉ toàn một màu đen thẫm thì mày có khóc cả đời mọi chuyện cũng sẽ chẳng khá hơn mà thậm chí còn tồi tệ hơn.
Than vãn, khóc lóc, u sầu sẽ chẳng đem lại kết quả gì trong lúc này, việc đợn giản nhất mày nên làm và cần làm giờ này là hãy cười lên và nói: “Mọi chuyện thật quá bình thường, ngươi chẳng có thể khuất phục được ta đâu”. Nghĩ như thế thì mày sẽ vượt qua được tất cả, trí nhu nhược là mẹ của thất bại đó, hãy đá nó đi thật xa khỏi cuộc đời mình, hãy nhếch mép khinh thường nó…
Để làm được như thế cần có cái gì ư, mày có đang hỏi điều đó không, thật đơn giản:

Nếu có lòng can đảm thì chẳng có gì là khó khăn cả…
Lòng can đảm là cái qué gì thế ? Hẳn mày đang nghĩ tao viết văn vớ vẩn, mày đâu có ở trong hoàn cảnh của tao đâu mà mày hiểu ? Đừng có tỏ ra nguy hiểm ?
Xin thưa với mày rằng, thành tích học tập của tao khi kể ra đây mày sẽ phải sốc toàn tập luôn: Cấp I từ lớp 1 đến lớp 5 chưa bao giờ được giấy khen, duy nhất được một tờ cháu ngoan bác hồ năm lớp 5 và thường xuyên bị ghi vào sổ liên lạc, bị phạt trực nhật, bị nhốt ở lớp vì tội hay nói chuyện trong giờ, tội phá hoại và cứng đầu, lâu lâu lại đánh nhau một trận. Cấp II có khá khẩm hơn, bắt đầu được giấy khen và bớt nghịch hơn, nhưng cuối năm vẫn bị bắt đền vì ném đá vỡ kính lớp học… nhưng rồi tao đã thay đổi mày ạ, vì sao thay đổi tao sẽ tâm sự với chúng mày sau. Bằng này chứng cứ đã đủ để mày tin rằng tao đủ cơ sở để nói với mày lúc này chưa. Tin rằng là đủ đúng không.
Tiết lộ một chút, để chuyển từ một học sinh cá biệt thành một học sinh bình thường và dần dần thành học sinh gương mẫu nhất nhì lớp là nhờ lòng can đảm đó, can đảm đối mặt với sự thật, can đảm nhận lỗi và đặc biệt là can đảm để thay đổi… Còn mày nay đã rất tốt rồi, mày chẳng có gì cần phải nghĩ về tính cách nữa, điều mày cần lúc này là can đảm đối mặt với thực tại, với quảng thời gian 1 năm không ngắn mà cũng chẳng dài sắp tới mà thôi. Nói thật hãy cứ coi nó là một kỳ nghỉ dài có bài tập về nhà cần hoàn thành thế sẽ nhẹ nhõm hơn rất nhiều.
Và sẽ chẳng có gì có thể cấm cản ta cười để ta đi đến chân lý cả, sự thật:

Đời người không dài, cũng chẳng ngắn, nó chỉ là những khoảng lòng vòng…
Thật vậy, đời người ngắn chẳng tày gang, mới ngày nào mày với tao nhập trường, cùng làm cán bộ lớp, cùng học, cùng đọc sách, cùng nghiên cứu khoa học sinh viên và cùng gọi nhau những cái tên thật quá oách, tên gì nhỉ: Tao gọi mày là nhà văn hóa học GS. Trung Nguyên, còn mày gọi tao là nhà dân tộc học GS Lý Viết Trường, hai cái danh hiệu to ềnh oàng thế cơ mà đâu phải chuyện đùa đâu.
Đời người không dài nhưng cũng đủ để tao được nhờ mày nhiều việc lắm, nào là những buổi học thêm lớp chị Duyên nhờ mày đèo về KTX, nào là nhờ mày đèo sang bên nhà chú tao ở tận Thanh Trì lấy xe đạp giữa trời mưa đầu xuân lạnh buốt, nào là ngồi sau xe mày đi lòng vòng khắp Hà Nội, nào là những lần lẽo đẽo cùng chúng mày lên cầu Long Biên chụp ảnh, nào những lần đi mua sách trên Đinh Lễ, nào là và nào là… còn nhiều lần nào là lắm, nhưng có lẽ nào là nhiều nhất là nhờ mày giúp đỡ tao trong học tập.
Tính mày xuề xòa, tính tau thẳng thắn, mày dễ tính tao khó tính… rất nhiều điểm khác nhau nhưng cũng tìm được khá nhiều điểm chung ấy chứ, ví dụ như mày thích tìm hiểu văn hóa và tao cũng vậy, mày mê làm nghiên cứu khoa học tao cũng chẳng kém nhưng mà mày siêu hơn tao rồi, giải nhì cấp khoa chưa khao nhé, nhớ đấy, mày tóc bạc tao cũng thế, mày chưa có người yêu tao cũng ế lòi mắt đây.
Mày sắp xa bọn tao rồi, khoảng thời gian 1 năm sẽ trôi qua nhanh lắm, mấy cái lòng vòng là mày lại lên Hà Nội, tao mong rằng sau khi mày lên Hà Nội thì mày hãy chọn mặt gửi vàng, chọn khung gửi vải cho đúng nhé.
Sau khi lên Hà Nội dù có không học cùng nhau thì hãy luôn nhớ rằng chúng mình vẫn là bạn, nhóm Sử học trẻ Nhân văn vẫn chỉ có 4 thành viên, chỉ tiếc rằng nhóm mình vẫn chưa làm áo chung được, nhưng không sao cả, thời gian còn dài mà, lo gì mày nhỉ.
Sau khi mày đi rồi, lớp mình sẽ vắng đi một lớp phó học tập hay cười, bọn tao sẽ vắng đi một người bạn để nhờ vả… nhưng không sao, thời gian đâu thể xóa nhòa đi tất cả.

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở…
Hãy nhớ lấy điều này đó, Hà Nội mãi đón mày, chúng tao mãi đón mày, lúc nào cần hãy gọi cho tao và chúng tao, lúc nào… và tất nhiên chúng tao sẽ thường xuyên xuống nhà mày ăn vạ đó :P
Thôi cất bước ra đi nhẹ nhàng nhé, ra đi nhẹ nhàng để ngày trở lại sẽ mang theo một sức sống, một niềm tin và một động lực mới.
Chúc cho mày vài câu thơ :
Trăm năm trong cõi người ta
Hợp tan, tan hợp ấy là đương nhiên
Chỉ mong mong ở bạn hiền
Người đi hồn ở đừng quên câu này.
Chúng tao luôn nhớ đến mày
Dáng cao lểnh khểnh hao gầy sương mai
Du du thế sự lão lai
Trùng san tri ngại một hai sự đời.
                                         Hà nội, 13h40’, ngày 28/05,2014
                                                    Giữa hè năm Giáp Ngọ
                                                                       Lý Viết Trường

nhóm Sử học trẻ Nhân Văn mãi là của chúng ta
Trung Nguyên Bùi Chính năm nhất

TỤC ĐI LẤY ĐÁ SÁNG MÙNG 1 TẾT NGUYÊN ĐÁN CỦA NGƯỜI TÀY - NÙNG XÃ THẠCH ĐẠN - HUYỆN CAO LỘC - TỈNH LẠNG SƠN

TỤC ĐI LẤY ĐÁ SÁNG MÙNG 1 TẾT NGUYÊN ĐÁN CỦA NGƯỜI TÀY - NÙNG XÃ THẠCH ĐẠN - HUYỆN CAO LỘC - TỈNH LẠNG SƠN

Sáng mùng một tết khi ra suối lấy đá họ mang theo vài que hương, chút vàng mã và đôi thùng nhỏ đi ra bờ suối hoặc chiếc giếng đầu làng để lấy nước. Khi ra đến bờ suối trước khi lấy nước người ta sẽ cắm chân hương vào vàng mã và cắm xuống cạnh bờ suối, sau đó xin phép thần suối cho phép lấy nước về nhà. Sở dĩ khi đi lấy nước người Tày – Nùng phải mang theo hương và vàng mã là để xin phép thần suối cho lấy nước về nhà sinh hoạt, vàng mã tượng trưng cho lệ phí để đổi lấy nước, thể hiện sự trao đổi qua lại giữa con người và thần linh.  cùng với đó đồng bào sẽ mang theo cái lồng gà, lồng vịt để lấy đá về nhà, những hòn đá to nhỏ khác nhau này tượng trưng cho gia súc, gia cầm. Những hòn đá này bắt buộc phải là những hòn cuội ven suối, không được lấy hòn đá ngoài đường hoặc trên núi… vì những hòn đá ở suối được nước suối rửa sạch còn đá ở những chỗ khác có thể đã bị nhuốm bẩn.
Trên đường lấy đá về nhà đồng bào không thưa gửi, không hỏi đáp bất cứ ai, dù có gặp họ hàng, người quen, bạn bè, bởi lẽ đồng bào quan niệm nếu cất tiếng chào, gọi, hỏi, đáp, thưa người khác thì gia súc, gia cầm sẽ sợ và quay trở lại suối hoặc đi theo về nhà người mà mình thưa đó. Đồng thời với đó trên đường trở về họ sẽ phát ra những tiếng gọi gia súc, gia cầm về theo mình như: dú dú dú để gọi lợn, cú cú cú để gọi gà, hùi hùi để đuổi châu về nhà mình… khi mang về đến nhà người ta sẽ mang các hòn đá đó để vào chuồng lợn, gà, vịt, châu, bò, chỗ ở của chó, mèo… để cầu cho năm mới các con vật này sẽ lớn nhanh, khỏe mạnh và sinh sôi nảy nở nhiều như đá ở bờ suối.
Những hòn đá này sẽ nằm ở chuồng gia súc, gia cầm đến hết cuối năm khi chuẩn bị dọn dẹp đón mừng năm mới thì họ mới dọn nó đi, thường bà con sẽ để các hòn đá này vào một gốc cây nào đó và kiêng kỵ không được đổ rác hay thứ gì lên trên những hòn đá này. Bởi vì đồng bào quan niệm hòn đá cũng có linh hồn nếu xúc phạm hay làm cho hòn đá tức giận thì hòn đá sẽ trách phạt, có thể làm cho gia súc trong chuồng mà họ từng được đặt bị ốm hay thậm chí bị chết.
Tại sao người Tày – Nùng lại lấy đá chứ không phải vật khác, vì đá luôn gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của lời người, đá dùng làm công cụ lao động như dao, cuốc, rìu… đá dùng để làm ra lửa, đá để làm nhà. Ngoài ra đá còn được đồng bào thờ như một vị thần bảo vệ gia súc , đá được đồng bào tin tưởng ký gửi vía của trẻ con khi đứa trẻ bị yếu vía .
Như vậy đây cũng là một tục lệ liên quan đến nghi lễ nông nghiệp cầu cho chăn nuôi thuận lợi, phát đạt, kinh tế phát triển.

Ảnh: Pai Cằm, nơi người Tày - Nùng thôn Nà Lẹng lấy đá đầu năm
Nguồn: Lý Viết Trường.
Lý Viết Trường LS

Thứ Năm, 15 tháng 5, 2014

Ý NGHĨA HOA SEN TRONG ĐẠO PHẬT

Ý NGHĨA HOA SEN TRONG ĐẠO PHẬT
Lý Viết Trường
K57 Lịch sử, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, HN
Trong Phật giáo hình ảnh hoa sen thường chiếm vị trí quan trọng trong không gian thờ tự như chùa. Hoa sen gắn liền với hình ảnh Đức Phật ngồi tọa thiền hay đứng thuyết giảng trên tòa sen. Tại sao hoa sen lại gắn liền với Phật giáo và trở thành một trong những biểu tượng của Phật giáo, sở dĩ hoa sen được như vậy là nhờ những đặc tính tốt đẹp của nó.
Hoa sen là loài thực vật thủy sinh thuộc họ Nelumbonaceae, là loài thực vật có hoa. Người ta thường thấy hai loại sen chính đó là sen trắng và sen hồng, tuy nhiên trong ý nghĩa biểu tượng thì người ta thấy có nhiều loại sen với màu sắc khác nhau.
Theo quan niệm của dân gian thì hoa sen là biểu tượng của bộ phận sinh dục đàn bà, hoa sen mang yếu tố âm[1]. Ngoài ra cũng theo quan niệm dân gian thì hoa sen có nhiều đặc tính và biểu tượng khác nhau, cụ thể:
I. Hoa sen có những đặc tính[2] đặc biệt
1.     Tính không nhiễm
Loài sen thường mọc ở những nơi ẩm ướt và có nước như sông, ao, hồ, vũng nước… nhưng thân hoa không hề bị vướng bẩn bởi những thứ dơ bẩn của môi trường sung quanh.
Nó giống như người tu hành sống giữ trần tục phù du với biết bao nỗi khổ trên đời nhưng vẫn luôn giữ vững cái tâm trong sáng, vô thường vô ngã.
2.     Tính tinh khiết
Hoa sen có những đặc điểm rất đặc biệt, hoa của nó rất đẹp, thơm và quyến rũ nhưng không hề có một loài động vật có thể lại gần nó, dấy bẩn lên thân thể của nó, bởi lẽ trong nhị hoa sen có chất thanh trùng nên những loài động vật rất kỵ khi đến gần.
Nó cũng giống như đức hạnh của người tu hành, luôn lấy việc tích đức làm việc thiện làm chính nhưng không bao giờ cho phép bản thân phạm phải những sai lầm, vi phạm giáo lý nhà phật.

3.     Tính thanh trừng
Hoa sen có đặc điểm rất hay đó chính là tính khử, nơi nào có sen thì nước ở đó sẽ rất trong bởi lẽ hoa sen có tính khử và lọc nước. Vì vậy người ta thường nuôi sen ở trong ao, hồ… có lẽ là vì đặc tính này.
Nó cũng thể hiện ý nghĩa rằng nơi nào có phật thì nơi đó bình yên, giáo lý nhà phật sẽ soi sáng tâm hồn của những con người xung quanh. Giáo lý nhà phật sẽ cảm hóa những con người có tâm chưa sáng, hoàn lương bất ác… đó chính là một trong những nhiệm vụ của nhà phật.
4.     Tính tái sinh
Hoa sen cũng như một vài loài hoa khác thường sẽ tàn và lụi đi vào mùa đông, nhưng mùa xuân lại vươn lên mạnh mẽ. Nhiều hạt sen, củ sen có thể bị trôn vùi dưới đất trong môi trường thích hợp như yếm khí… nó có thể tồn tại được hàng trăm thậm chí cả ngàn năm, đến khi khơi ra sen vẫn vươn lên mạnh mẽ, điều này thể hiện sức sống dẻo dai trường tồn của sen.
Nó cũng phần nào nói lên hình ảnh những người tu sẵn sàng lùi bước nếu cần để bảo toàn thân thể chờ thời cơ thuận lợi để vươn lên, chứ không nhất thiết phải bon chen. Đó cũng là một quan niệm sống tốt đẹp của nhà phật.
5.     Tính thanh tao về hương vị
Hoa sen vừa có hương lại vừa có sắc. Hoa sen thường có 2 màu, màu trắng và màu hồng. Tuy nhiên hương sen thường thoang thoảng, dịu dàng chứ không nồng nặc, tạo cho con người có cảm giác an lành khi được ngửi và ngắm loài hoa này.
6.     Tính hành trực và ngẩu không
Thân thẳng, từ khi sinh ra thân sen đã mang một dánh hình thẳng. Trong ruột rỗng không, rổng không mà đứng vững, rỗng không mà vẫn vươn lên kiêu hãnh bất chấp sự đời.
Nó biểu hiện cho việc tu tâm sửa tính sao cho thật ngay thẳng, bỏ tà niệm tu tâm tích đức, từ bi hỷ xả, trong lòng luôn luôn thanh sạch, không mà có có mà không, đó là lẽ sống của nhà phật.
Đại diện cho những đức tính này là Di Lặc Bồ Tát, tên là Bồ tát Phật giáo, hay còn gọi là Từ Thị Bồ tát. Hình tượng của người ở trong viện Bát Diệp, Thai Tang dưới là: Tay trái để trước ngực, bàn tay xòa ra, tay phải cầm hoa sen, trên sen có hình báu, trên mũ báu có hình tháp báu… miệng người luôn mở rộng cười tươi, mạc áo phanh ngực hở bụng, người béo mập[3].
7.     Tính bồng thực
Hoa sen khi mới nở đã có gương, cá hạt. Đó là một điều đặc biệt nữa ở hoa sen. Nó thể hiện quy luật nhân quả trong phật giáo, giao nhân nào gặp quả nấy. Có nhân có quả hiện hữu.
8.     Tính hy sinh
Người ta thường dùng lá sen để gói cốm, dùng củ, hoa, lá non, thân sen để làm thức ăn, hạt sen ăn rất ngon… những bộ phật trên sen có thể dùng làm thức ăn.
Điều đó thể hiện tinh thần sẵn sàng hy sinh bản thân nếu cần, tinh thần vì người khác.
II.  Hoa sen có những ý nghĩa biểu tượng cụ thể
Mỗi màu hoa sen lại thể hiện một ý nghĩa biểu tượng khác nhau trong đạo phật, cụ thể:
1.     Sen trắng
Sen trắng tượng trưng cho sự thuần hóa của nhân tính, bồ đề tâm hay còn gọi là giác tâm, sen thường có 8 cánh en ứng với bát chính đạo. Nó đặc trưng của phái mật tông, là tòa sen của các vị phật.
2.     Sen đỏ
Sen đỏ là tượng trưng cho bản chất nguyên thủy của trái tim, là tâm hồn của phật, đạo phật luôn có một trái tim nhân ái thương người, từ bi hỷ xả.
3.     Sen xanh
Sen xanh là biểu tượng của trí tuệ, của sự lạc quan. Thực chất các nhà sư luôn được coi là những con người yên bác, thời Lý, Trần các nhà sư là những nhà bác học.
4.     Sen Hồng
Sen hồng là loài sen tối thượng, là loài sen tối cao, thường dành cho phật giáo nguyên thủy.
5.     Sen tím thẫm
Sen tím thẫm là màu của huyền diệu, biểu thị của phái mật tông.
Mỗi màu hoa đều giữ cho mình một ý nghĩa biểu tượng khác nhau.
III. Hoa sen trong kiến trúc phật giáo
Ngoài ra người ta còn hay bắt gặp những tòa sen, bông hoa sen, đóa hoa sen trong các ngôi chùa. Sen là mô típ trang trí chủ đạo trong chùa Việt, ngôi chùa nổi tiếng cho hình ảnh hoa sen đó là chùa Một Cột (Diên Hựu Tự), chùa một cột là một bông sen[4] khổng lồ của Phật giáo và của Việt Nam.
Ngoài ra hoa sen còn dùng để làm tòa, bệ đỡ của phật và dùng làm chân tảng cột chùa…
Hình tượng sen cùng được trang trí nhiều nơi trên các vật dụng sinh hoạt như đĩa, chén, ấm, thạp, chum…
Sen cũng đã đi vào ca dao dân tộc như:
Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông chắc lại chen nhị vàng…
Hay
Tháp mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên bác Hồ
Hay
Trên đời gì rẻ bằng bèo
Chờ khi nước lụt bèo trèo lên sen
Trên đời gì tốt bằng sen
Quan yêu dân chuộng, ra bèn như không…
IV. Kết luận
Hoa sen loài hoa mang trong mình biểu trưng của phật giáo, mang những phẩm chất tốt đẹp của phật giáo. Hoa sen sinh ra gắn liền với phật giáo vì vậy ngàn đời nay hoa sen luôn gắn liền và tồn tại cùng phật giáo Việt Nam.
Nhờ những đặc tính này mà hoa sen hoàn toàn xứng đáng được tôn vinh là quốc hoa.
L.V.T
Trang bìa tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 2, 2014
trang 27
trang 28
Bài viết đã đăng tại: http://phatgiao.org.vn/van-hoa/201403/Hoa-sen-loai-hoa-cua-Phat-giao-13944/




[1] Trần Lâm Biền, Trang trí mỹ thuật truyền thống của người Việt, Nxb Văn hóa Dân tộc, H.2001, tr.250.
[2] Hoàng Văn Khoán, Khúc Thu Phương, Hoa Sen, Báo cáo khoa học khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, H.2013.
[3] Lao Tử, Tịnh Lê  (cb), Từ điển Nho Phật Đạo, Nxb Văn học, 2001, tr.267.
[4] Chu Quang Trứ, Sáng giá chùa xưa mỹ thuật phật giáo, Nxb Mỹ thuật, 2012, tr.153.

Chủ Nhật, 4 tháng 5, 2014

HÀNH TRÌNH VỀ VỚI VĂN HÓA TÀY - NÙNG

HÀNH TRÌNH VỀ VỚI VĂN HÓA TÀY - NÙNG
Nhân dịp nghỉ lễ 30/04 – 01/05, này tôi nhận nhiệm vụ tìm hiểu vài nét trong nghi lễ tang ma của người Tày – Nùng từ người thầy của tôi GS. Hoàng Nam tôi chuẩn bị từ sớm và cùng thằng bạn cưỡi trên chiếc xe máy bò đi trên con đường Hà Nội – Cao Lộc – Hải Yến – Cao Lâu. Chuyến đi đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm ấn tượng về một bản người Tày - Nùng mang tên Cao Lâu.
1.     Chuẩn bị hành trang cho chuyến đi
Trước kỳ nghỉ lễ khoảng 10 ngày tôi có dịp vào nhà thầy tôi GS. Hoàng Nam một nhà nghiên cứu bậc nhất về văn hóa dân tộc Tày – Nùng ở Việt Nam hiện nay. Trong cuộc nói chuyện tôi chủ động gợi ý với thế về chủ đề tang ma của người Tày – Nùng Lạng Sơn có gì hay để nghiên cứu không thì thày liền giao ngay cho tôi nhiệm vụ: “Tìm hiểu xem lễ tế minh tinh với tế cây tiền của người Tày – Nùng giống hay khác nhau”. Tôi nhận lời không một chút ngần ngại vì nó đúng với sở thích của mình, tuy rất thích thú với nhiệm vụ nhưng tôi cũng không khỏi lo lắng vì đến giờ tôi vẫn chưa biết như thế nào là tế minh tinh còn tế cây tiền thì tôi đã từng chứng kiến nên cũng hiểu đôi chút.
Thế rồi tôi tìm kiếm các sách viết về đám ma của người Tày – Nùng, viết về thầy Tào, thầy mo của người Tày – Nùng, thật may mắn tôi đã tìm được cuốn luận án mà thày tôi nhắc đến của TS. Nguyễn Thị Ngân với chủ đề Tang ma của người Nùng Phàn Slình ở Thái Nguyên lưu tại thư viện trường tôi đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội. Trong tác phẩm này tác giả đồng nhất lễ tế minh tinh với tế cây tiền và dẫn giải những nghi lễ của tế cây tiền, điều này càng khiến tôi thêm mung lung. Tôi có gửi email cho thầy tôi mấy lần để hỏi cụ thể xem tế minh tinh là tế gì, thầy tôi cũng nói là chưa rõ lắm nhưng có thể tế minh tinh khác với tế cây tiền và động viên tôi cố gắng tìm hiểu cho rõ. Nhận được sự động viên của thầy, tôi đã bớt lo lắng phần nào.
Chẳng mấy chốc kỳ nghỉ lễ đã đến, tôi sách ba lô lên vai và cùng thằng bạn thân từ hồi cấp 1 tên Nông Quốc Cường lên đường về với bản Tày – Nùng nơi biên ải Xứ Lạng.
2.     Con đường về bản Tày – Nùng
Từ Hà Nội chúng tôi đi xe máy ngược lên hướng Đông Bắc theo con đường quốc lộ 1A nhằm hướng Lạng Sơn thẳng tiến. Trên đường từ Hà Nội lên Lạng Sơn đoạn qua Bắc Ninh và Bắc Giang chẳng có gì thú vị, hai bên đường toàn nhà cao tầng chẳng khác gì đang ở nội và ngoại thành Hà Nội.
Nhưng bắt đầu qua khỏi Bắc Giang để đi vào Lạng Sơn thì cảnh vật bỗng thay đổi một vòng kim đồng hồ, đang từ những ngôi nhà cao tầng với những cánh đồng thẳng tắp cò bay của Bắc Giang thì nay khi đến địa phận Lạng Sơn thì mọi chuyện đã thay đổi, những ngọn núi đá xanh ngút màu na hiện ra đầy sức sống. Nếu ai đó để ý quan sát sẽ phát hiện ra một điều khá thú vị đó là hai bên đường từ Chi Lăng đến Hữu Lũng một bên là núi đá, một bên là núi đất. Chẳng biết vì sao tạo hóa lại khéo léo sắp xếp đến vậy, có lẽ điều đó đã báo hiệu nhiều điều bất ngờ hơn nữa trên mảnh đất Xứ Lạng mà chúng tôi đang hướng đến.
Hai bên đường từ những ngôi nhà 2, 3 tầng cứ ngày một ít đi, qua khỏi Hữu Lũng thì những ngôi nhà tầng gần như mất hẳn mà thay vào đó là những ngôi nhà trình tường thấp lè tè nằm bên những mỏm đồi cạnh đường. Tôi để ý thấy người dân hai bên đường hâu như chủ yếu là người Nùng Phàn Slình, họ vẫn mặc áo truyền thống của dân tộc. Đây chính là bản thí, cư dân ở đây chủ yếu là người Tày – Nùng, họ sống dựa chủ yếu vào kinh tế nông nghiệp.
Xe chúng tôi tiếp tục chạy qua bản thí và một khung cảnh khác lại hiện ra một cách bất ngờ, chúng tôi đã đến Yên Trạch và Mai Pha. Hai xã này nằm gần thị thành phố Lạng Sơn nên kinh tế khá phát triển, những ngôi nhà tầng chiếm tỷ lệ đáng kể. người dân ở đây sống dựa vào nông nghiệp và buôn bán nên kinh tế cũng khá giả.
Chúng tôi ngồi nghỉ ở thị trấn Cao Lộc, sau gần 4 tiếng đồng hồ đi xe máy chúng tôi đã đói và thấm mệt. Chúng tôi vào một quán phở cạnh ngã ba Cao Lộc ăn, mới húp miếng đầu tiên mà chúng tôi đều xuýt xoa khen phở ở đây rất ngon, nó khác với phở Hà Nội, ở đây có phở xương, phở tái, phở gà… và nhất là có thêm món măng ớt để bàn cho dùng miễn phí. Chính món măng ớt đã để lại trong tôi một ấn tượng khá mạnh, nó có vị cay cay của ớt, vị hắc của măng, mùi thơm của quả mác mật. Tôi được biết măng ớt chính là một đặc sản của vùng đất Xứ Lạng.
Sau khi ăn xong bữa trưa xe chúng tôi lại nhằm theo hướng Hòa Cư – Hải Yến – Cao Lâu, chúng tôi được dự báo rằng đoạn đường này tuy chỉ dài hơn 20km nhưng sẽ là một thử thách khá khó với chúng tôi, bởi đoạn đường này nhỏ hẹp độ cua lớn và đã bị xuống cấp nghiêm trọng.
Dù được dự báo trước nhưng cũng không hề làm chúng tôi nao núng vì nhiệm vụ thầy giao cho tôi bắt buộc phải hoàn thành, vì niềm yêu thích khám phá trong tôi đã trỗi dậy từ thủa nào, nó thúc dục tôi mau đi để khám phá những điều kỳ lạ của xứ sở Tày – Nùng.
Thế rồi xe chúng tôi bò chậm chạp từng chút một trên con đường quanh co này, những ngôi nhà bé nhỏ nằm nép mình bên những ngọn đồi được phủ kín bởi màu xanh của vườn mận, vườn ngô. Dọc đường thi thoảng chúng tôi lại gặp một đám trẻ đang chăn trâu, nhìn bọn chúng hồn nhiên vui đùa cùng lũ bạn trẻ trâu mà tôi thấy thèm cảm giác được chơi, được sống gần gũi với thiên nhiên.
Thôn Hòa Cư để lại trong tôi ấn tượng mạnh về những ngọn đồi được đồng bào khai phá làm rẫy trồng ngô, những ngọn đồi thấp được bao bọc bởi màu xanh mơn mởn của vườn ngô trông thật đẹp.

Nương rẫy của đồng bào Tày – Nùng ở Hòa Cư
Sẽ có người phàn nàn: “Đây là phá rừng chứ tốt đẹp gì mà ca ngợi chứ” và tôi sẽ thưa như này thì bạn sẽ hiểu ngay thôi: “Những ngọn đồi này trên đỉnh vẫn trồng cây lâu năm và những nương rẫy này được làm theo kiểu bậc thang có tác dụng giữ đất rất tốt”. Tôi nhanh tay cầm lấy máy ảnh, vừa đi vừa chụp để lưu giữ lại những bức ảnh trên con đường vào bản Tày - Nùng.
Qua xã Hòa Cư chúng tôi đến với xã Hải Yến, một xã được nhiều người biết đến vì ở đây còn giữ được khá tốt phong tục tập quán của người Nùng. Tôi bắt gặp bên kia trên một cánh đồng có khoảng gần chục người đang cấy, điều này khiến tôi nhớ đến tục trợ giúp nhau trong ngày mùa của người Nùng, đây là một phong tục tốt đẹp không những có tác dụng về kinh tế mà còn có tác dụng trong việc xây dựng tình đoàn kết hàng xóm láng giềng.
Hai bên đường tôi cũng bắt gặp một cảnh tượng rất thi vị, đó là cảnh hai tốp người đang cấy ở hai cánh đồng bên suối đang hát sli lượn đối đáp với nhau, những câu sli ngày mùa giúp cho đồng bào quên đi mệt mỏi. Đã có thời những câu sli có nguy cơ mai một nhưng mấy năm gần đây cùng với sự quan tâm của các cấp có chính quyền nhất là sở văn hóa nên những câu sli đã lại xuất hiện nhiều hơn trên bản làng của người Nùng Phàn Slình ở Hải Yến.
Hải Yến còn nổi tiếng với tục múa sư tử, tục múa sư tử thế hiện tinh thần thượng võ của đồng bào Tày – Nùng được hình thành trong quá trình lịch sử chống giặc ngoại xâm và đánh phỉ giữ bình yên cho bản làng. Đồng bào quan niệm nơi nào có tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng là và chũm chọe thì nơi đó sẽ bình yên và làm ăn thuận lợi. Cũng có lúc múa sư tử tưởng chừng không còn ai thích thú, nhưng hiện nay có hội thi múa sư tử nên xã đã quan tâm phục hồi lại được rất nhiều trò diễn cổ như: nhảy bàn, nhảy lửa, báo đông, nả lình…
Đích đến cuối cùng của chúng tôi chính là thôn bản Vàng, xã Cao Lâu. Cuối cùng con đường vòng vèo, đầy ổ gà cũng lùi lại đằng sau và thôn bản Vàng đã hiện ra trước mắt chúng tôi. Thoạt đầu chúng tôi thấy hình như thôn bản Vàng vẫn còn lác đác mấy ngôi nhà trình tường xen giữa những ngôi nhà gạch kiên cố, nhà trình tường là một công trình nghệ thuật thể hiện tình độ sáng tạo và tư duy thích ứng với thiên nhiên nhạy bén của đồng bào.
Ngôi nhà chúng tôi tìm đến là nhà ông Hoàng Minh Kai cựu chiến binh đã từng tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường miền Nam. Nhà ông nằm ngay trên đường cái, ông đón tôi với nụ cười trên môi và mời chúng tôi vào nhà như gặp lại người bạn tri kỷ. Vào đến nhà ông liền rót ly rượu ra mời chúng tôi, người Tày – Nùng rất hiếu khách, khi nhà có khách vào thăm, không kể là ai họ đều rất niềm nở đón tiếp. Uống xong ngụm nước ông mới từ từ hỏi, các cháu hôm nay vào đây tìm ai, tôi trình bày lý do hôm nay đến với mong muốn tìm gặp ông thầy Tào ở thôn này, nghe đến đây ông trả lời nhanh: “Ông ấy tên Hoàng Kim Toàn là người thân của ông, nhà ngay dưới này, các cháu cứ uống nước đã rồi tí ông sẽ nhờ Hoàng Minh Đức dẫn xuống, yên tâm đi”. Được lời như cởi tấm lòng, chúng tôi mở lời nhờ ông dẫn xuống nhà ông Toàn.

Cuộc nói chuyện về văn hóa Tày - Nùng
Ông Đức dẫn chúng tôi xuống nhà ông Toàn. Khi chúng tôi vừa bước vào nhà ông Toàn liền mời chúng tôi ngồi xuống ghế, pha chè và hỏi ngay: “Các cháu tìm ông có chuyện gì, nói xem ông có giúp được gì không”. Ông Đức nhanh miệng nói giúp chúng tôi: “Các cháu hiện tại đang là sinh viên có mong muốn tìm hiểu một vài điều liên quan đến nghi lễ tang ma của người Tày mình, tôi biết ông nắm rõ cái này, ông cố gắng giúp các cháu với nhé”, vốn tính thân thiện ông Toàn cười nói: “Các cháu là sinh viên có lòng đam mê văn hóa dân tộc như thế thì ông sẽ giúp đỡ nhiệt tình, chỉ bảo những gì ông biết, chỉ bảo các cháu cũng là trách nhiệm của ông trong việc giữ gìn phong tục tập quán của người Tày mình mà”.
Được các cụ tạo điều kiện tôi liền vào ngay mục đích, tôi hỏi ông năm nay bao nhiêu tuổi, số năm làm thầy Tào là bao nhiêu… rồi hỏi ông trong nghi lễ tang ma lễ tế minh tinh là gì, lễ tế cây tiền là gì, giữa hai nghi lễ này giống hay khác nhau về nội dung hay ý nghĩa không ? Tiếp đó ông Toàn cùng ông Đức chia sẻ với chúng tôi rằng hiện nay ở xã Cao Lâu những nét văn hóa đã mất dần vì lớp trẻ không còn thiết tha với văn hóa cha ông. Ông Toàn nói rằng hiện nay ông muốn thu nhận “Đệ tử” để truyền nghề làm tào, ông than: “Nếu cứ kiểu này chẳng bao lâu nữa nghề làm tào sẽ thiếu người làm, bởi nhiều người có căn tào cũng không chịu học nghề”. Cùng với nghề tào thì các làn điệu dân ca cổ như hát then, sli, hát lượn, hát cỏ lảu, phát sỏi, múa sư tử… đã ít khi xuất hiện trên bản làng người Tày – Nùng, hiện nay chỉ còn một ít lớp người ở lứa tuổi trung niên và người già.
Câu chuyện giữa tôi và ông Toàn kéo dài gần 3 tiếng, những thắc mắc của tôi đã cơ bản được giải quyết. Chia tay ông mà lòng tôi thầm vui mừng vì nhiệm vụ của thầy giao cho đã được hoàn thành.

Quyển sổ ghi chép nghi lễ thực hiện trong đám tang của thày Tào người Tày
3.     Một vài suy nghĩ
Một chuyến đi đã để lại cho tôi rất nhiều điều bất ngờ và kỷ niệm đẹp, đồng bào Tày – Nùng ở đây rất nhiệt tình và niềm nở đón tiếp khách đến chơi. Mặc dù cuộc sống nơi đây còn rất nghèo, đa số đồng bào nơi đây vẫn ở nhà trình tường và một số ít ở nhà bê tông nhưng họ vẫn sẵ sàng dành cho khách những thứ ngon nhất.
Các bản làng hiện nay vẫn còn giữ được khá nhiều nét văn hóa cổ truyền như ma chay, cười xin, lễ hội… những người trung niên vẫn mặc quần áo truyền thống. Tuy nhiên thế hệ trẻ hiện nay có phần nào thờ ơ với văn hóa truyền thống, họ chưa hiểu được hết những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.
Thiết nghĩ trách nhiệm tuyên truyền phổ biến và giáo dục cho thế hệ trẻ nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa dân tộc thuộc về cơ quan có thẩm quyền và những người hiểu biết. Hiện nay sở văn hóa tỉnh đã có một vài chính sách quan tâm đến lưu giữ và phát huy văn hóa tuy nhiên vẫn còn quá nhỏ và chưa thực hiện rộng rãi, hình thức còn đơn điệu nên không thu hút được sự quan tâm của giới trẻ.

Nhờ những chuyến đi thực tế như chuyến đi ngày hôm nay đã giúp tôi hiểu hơn được văn hóa của các dân tộc nhất là văn hóa Tày – Nùng, những mảnh đất mà tôi đi qua luôn nồng nhiệt đón khách và những con người tôi gặp vẫn luôn mang trong mình niềm say mê với vốn văn hóa cổ. Chính họ là những người tiên phong trong công việc bảo tồn văn hóa nếu được tạo điều kiện và chỉ bảo phương pháp từ cơ quan chức năng.
Lý Viết Trường
Lạng Sơn, Ngày 02/05/2014