Năm 2002, khảo cổ học Việt Nam có một sự kiện mang tầm quốc tế, đó là hội nghị “Một thế kỷ khảo cổ học Việt Nam”, lúc bấy giờ tôi đang ở Seoul, Hàn Quốc.
GS Trần Quốc Vượng - Ảnh: Nguyễn Đình Toán |
Từ hội nghị ở Hà Nội trở về, GS Yi Seon-book, Đại học (ĐH) Quốc gia Seoul kể cho tôi những người ông gặp gỡ, với ông ấn tượng mạnh nhất là cuộc gặp với một vị giáo sư mà theo ông (qua cách ứng xử của những nhà khảo cổ học trung và trẻ tuổi) là Big Father của khảo cổ học Việt Nam. Và người đó là thầy tôi - GS Trần Quốc Vượng.
Ai cũng có thể là thầy
|
Phác họa chân dung thầy là một nhiệm vụ “bất khả thi”. Mỗi người hiểu về thầy theo cái cách họ hiểu và muốn hiểu. Với một số người, thầy là vị giáo sư sắc sảo, cá tính, phóng khoáng, bụi, quảng giao nhưng cô đơn… Với người khác, thầy là người có trái tim nồng nhiệt, sống rất tình nghĩa với bạn bè, học trò, một trí tuệ thông minh, sắc sảo, nhạy bén, một nhà khoa học đầy nghị lực trong nghiên cứu, không bao giờ bằng lòng với những cái đã biết của mình và của mọi người, luôn luôn vươn tới những khám phá mới của thế giới nhận thức. Trong con mắt của GS Hồ Ngọc Đại, thầy là “một Trần Quốc Vượng có hạng”.
Có lẽ những nhận xét này đều đúng.
Điều được mọi người nhận thấy đầu tiên, thầy là một nhà khoa học quảng du, quảng giao, quảng bác. Thầy đi khắp nơi, giao du với mọi người từ các nhà khoa học đủ các ngành đến các nhà thơ, nhà văn, nhà báo, các văn nghệ sĩ, cho đến mọi người mà thầy gặp: nông dân, thợ thủ công, dân chài lưới, công nhân, người đạp xe xích lô, chạy xe ôm… Với thầy, bất cứ ai trong số họ cũng có thể thành thầy của mình. Có lẽ phi thầy ra, ít nhà khoa học nào làm được điều này. Mê điền dã, mê những chuyến du hành thích ngồi quán, vỉa hè, góc nhà bạn bè, và thường cùng với những người thất thế. “Tớ phù suy” là câu cửa miệng của thầy. Đối với thầy, chơi mà học, học mà chơi, trong lúc ăn chơi thực sự cũng vẫn là cơ hội để hiểu người, hiểu đời, hiểu thời thế. Đấy là một phong cách nghiên cứu rất đặc trưng rất Trần Quốc Vượng.
Trong khoa học, thầy là người đã khai phá, gieo mầm những ý tưởng mới, nêu cao lời thề trung thực, dũng cảm cho các nhà sử học. Thầy đã vượt qua phong ba bão táp để làm một cánh đại bàng trong làng sử học, văn hóa học Việt Nam. Thầy cũng là người đứng mũi chịu sào xây dựng nhiều ngành học mới trong và ngoài ĐH Quốc gia Hà Nội.
Một trong những lĩnh vực nghiên cứu mà GS Trần Quốc Vượng tâm đắc nhất, đó là nghiên cứu văn hóa từ góc độ môi trường tự nhiên, những thành công trong lĩnh vực địa - văn hóa và trong những lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn khác của thầy không đơn thuần là kết quả nghiên cứu khoa học của phương pháp tiếp cận liên ngành, đa ngành, suy ngẫm và nhận thức lịch sử, văn hóa từ nhiều góc độ chuyên môn khác nhau liên kết lại trong một cái nhìn tổng hợp, tích hợp mà còn là kết quả của cái tâm, cái tình của thầy đối với đất nước và con người Việt Nam.
Dám nghĩ khác, dám dấn thân
|
Công lao lớn nhất của thầy là đào tạo lớp học trò - thầy giáo kế cận bằng cách cung cấp cho họ phương pháp luận và phương pháp suy luận cùng thực tiễn điền dã. Điều quan trọng là thầy hiểu và tôn trọng cá tính, nắm bắt khả năng của mỗi học trò, của mỗi cán bộ trẻ để phát huy sức tự lực, tính năng động của họ trong cả hai lĩnh vực: đào tạo và nghiên cứu. Phương pháp truyền nghề này của GS Trần Quốc Vượng cũng chính là sự chiêm nghiệm tuyệt vời thái độ tôn trọng sự đa dạng và khoan dung văn hóa mà thầy luôn xem là lối sống, lối ứng xử của mình.
Và trong con mắt của những học trò đã ít nhất một lần nghe thầy giảng, thầy là người thầy số 1, từ những bài giảng của thầy về khảo cổ học, văn hóa Việt Nam mà biết bao nhiêu thế hệ trẻ đang đi theo con đường thầy đã đi.
Trong suốt cuộc đời dạy học của mình, bất kỳ ở đâu, với đối tượng nào, cái mà thầy đau đáu chính là tạo cho sinh viên một phương pháp tư duy ĐH, biến quá trình ĐH thành quá trình tự học mà trong đó, điều quan trọng bậc nhất là dám đặt lại vấn đề, dám nghĩ khác và dám dấn thân vào những góc khuất, những gai góc, những nẻo đường chưa hoặc ít được khai phá của khoa học.
Thầy là người dẫn đường cho bao thế hệ những người làm khảo cổ, văn hóa ở Việt Nam. Nghiêm khắc với học trò nhưng thầy luôn dành cho họ tình yêu thương đằm thắm, tôn trọng cá tính, tin tưởng, khích lệ cổ vũ họ trong những bước đi chập chững ban đầu nghiên cứu khoa học. Với học trò, không chỉ dạy, thầy còn học từ họ "Học thầy không tày học trò". Câu nối thêm một thành ngữ cổ của thầy "Con hơn cha, nhà có phúc, trò hơn thầy, đức nước dày" thường được mọi người tâm niệm như một lời nhắc nhở về trách nhiệm làm thầy, trách nhiệm làm người giữa các thế hệ.
Với chúng tôi, GS Trần Quốc Vượng mãi là Big Father, một người thầy với chữ Thầy viết hoa.
PGS-TS Lâm Thị Mỹ Dung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét