CON RỒNG THỜI LÝ[1] VÀ BIỂU TƯỢNG PHẬT GIÁO
Lý Viết Trường
K57, Lịch sử, ĐH KHXH &NV, HN
Trong lịch sử mỹ thuật Việt
Nam con rồng là hình tượng nghệ thuật rất phổ biến nhất, hình tượng con vật này
luôn gắn bó với ý thức và lý tưởng của thời đại đã sinh ra nó. Thời Lý phật
giáo Việt Nam phát triển đến đỉnh cao[2], vì vậy hình tượng
con rồng cũng mang những biểu hiện của mỹ thuật phật giáo, điều này đã được chứng
minh qua những di vật khảo cổ và lịch sử đã được phát hiện.
1. Nguồn gốc
con rồng
Có nhiều quan điểm khác nhau
về nguồn gốc con rồng, cụ thể:
Theo ông Văn Tân thì nguồn gốc của rồng
Việt có thể được sinh ra từ cá sấu cụ thể trong tạp chí nguyên cứu lịch sử có
viết “Đầu tiên Tô-tem của người Việt có
thể là một giống rắn nào đó – một giống bò sát nào đó. Giống rắn này có thể lớn
và có mào, lại có thể có cả chân, ít nhiều điểm giống con rồng. Người Việt Nam
xưa vẫn cho là một giống rắn thần thân dài, mào đỏ chót. Nhiều làng ở Việt Nam
xưa đã thờ giống rắn thần đó (Kim Hoàng, Hậu Ái...)”[3], ông Văn Tân lại
tiếp tục chứng minh nguồn gốc con rồng từ cá sấu “Ngờ rằng con Giao Long mà người Việt xưa xăm vào mình có lẽ là con cá sấu”
[4]. Cùng quan điểm
với ông Văn Tân thì có GS Phạm Huy Thông, GS Hà Văn Tấn “Như vậy theo chúng tôi, hình hai con cá sấu được cách điệu hài hào giao
nhau trên búa đồng Đông Sơn là hình của con Giao Long. Phải chăng đây là hình
tượng con rồng đầu tiên trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam”[5]. Tuy nhiên các
quan điểm thể hiện ở những mức độ khác nhau GS Phạm Huy Thông viết “Chúng ta chưa khẳng định mười mươi rằng con
rồng có tiền thân từ con cá sấu Đông Nam Á. Nhất là động vật học chưa xác định
sự tồn tại của cá sấu ở vùng biển Bắc Bộ”[6].
Chu Quang Trứ dựa vào hình thuyền trên
trống và thạp đồng (nhất là thạp Đào Thịnh) có dáng dấp hình con rắn và con cá
sấu để giải thích về nguồn gốc con rồng: “Phải
chăng những loại trùng và hình thuyền trên (trên trống và thạp - LVT) đã gợi
lên bóng dáng đầu tiên của con rồng Việt Nam, mà thiên thần thoại Lạc Long Quân
nhắc đến dưới cái tên Giao Long”[7]
Ảnh 1. Hình cá sấu (?) giao nhau và thuyền hình cá sấu
(?) trên thạp đồng Đào Thịnh (Yên Bái)
Nhà sử học Ngô Sĩ Liên có quan điểm cho
rằng con rồng có truyền thống lâu đời cụ thể truyền thuyết Con rồng cháu tiên
quan niệm rằng Lạc Long Quân là dòng dõi nhà rồng “Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật
khó” [8] vì vậy họ đã
chia nhau 50 con theo cha về Nam Hải, 50 con về với mẹ. Còn tác giả Hoàng Lương
lại ý kiến cho rằng con Giao Long không phải xuất phát từ loài cá sấu “Cho nên chúng tôi ngờ rằng con Giao Long của
người Việt xưa kia thờ không phải là con cá sấu mà là một loài chăn nước cổ đại
(python) có rất nhiều ở các sông ngòi Việt nam xưa kia”[9]. Tác giả Lê Thanh Tịnh lại cho rằng con rồng thực chất là một loài rắn
mà thôi “Theo chúng tôi, có thể rồng cũng
chỉ là rắn được cách điệu và thần thánh hóa mà thôi. Gần đây, theo ý kiến của một
số nhà khoa học trên thế giới thì rồng chỉ là một thứ rắn biển đã dần dần bị
tiêu diệt và quá xa lạ đối với chúng ta ngày nay”[10]. Còn tác giả
Phạm Huỳnh Hương Trang thì khẳng định cá sấu là Lạc Long Quân và phân rồng thành các
loại sau[11]:
1.
Rồng cá sấu
2.
Rồng sấu rắn
3.
Rồng rắn với đầu cá sấu
4.
Rồng mèo, dựa trên một
mảnh sành ở Bắc Ninh hình dáng rồng Đại Việt
5.
Rồng thời Ngô, dựa vào
hình trên một viên gạch phát hiện ở Cổ Loa
6.
Rồng đầu sư tử, dựa vào
đồng tiền Cảnh Thịnh
7.
Rồng thời Nguyễn
Tuy nhiên theo PGS. Hoàng Văn Khoán thì ở
trên tác giả Hương Trang đã không thống nhất về cách phân loại, một số thì theo
hình dáng, một số lại theo triều đại. Tư liệu đưa ra không căn cứ như: miếng
sành có con rồng mèo lấy ở di chỉ nào, niên đại ra sao ?, rồng Ngô trên viên gạch
Cổ Loa nhưng địa bàn Cổ Loa rất rộng, có nhiều địa điểm với niên địa khác nhau,
vậy viên gạch đó thuộc thời kỳ nào ... Tác giả đã bỏ sót nhiều tư liệu cơ bản.
Vì vậy độ tin cậy thấp[12].
Theo Nguyễn Văn Hiệu thì rồng là vật tổ
của dân tộc: “Vật tổ của dân tộc ta là
con cá sấu. Lạc Long Quân là cha rồng của dân tộc ta”[13]. Tuy nhiên quan
điểm trên này khó có thể trả lời được cây hỏi: Nếu rồng Việt xuất hiện từ thời Lạc
Long Quân vậy tại sao trong suốt thời kỳ bắc thuộc lại không thấy xuất hiện
bóng dáng con rồng ?
Tôi đồng ý với quan điểm của PGS.TS Hoàng Văn Khoán
rằng con rồng có từ thời Lý và gắn với truyền thuyết về việc nhà
vua gặp rồng vàng bay lên trong khi đang dời đô từ Hoa Lư ra Đại La: “Con rồng xuất hiện sớm nhất là con rồng thời
Lý. Lý Công Uẩn lên làm vua, thấy Hoa Lư chật hẹp bèn quyết định dời đô về Đại
La. Trên đường đi, Lý Thái Tổ thấy một đám mây vàng bay lơ lửng, nhà vua cho là
điềm tốt, bèn đặt tên cho thủ đô mới là Thăng Long. Các nhà mỹ thuật đương thời
sáng tác một con rồng đang bay theo ý tưởng của vua là Thăng Long – Rồng bay
lên”[14].
2. Đặc
điểm con rồng thời Lý
Con rồng thời Lý có
những nét đặc trưng riêng có thể phân biệt được với con rồng của các thời khác,
cụ thể :
Đầu rồng thời Lý
Ảnh
2. Gạch trang trí chạm hình rồng cuốn và đài sen
Mào, mũi và bờm là những bộ phận được cấu
tạo rất sinh động bằng những đường nét rất tự nhiên. Mào chùm lấy toàn bộ môi
trên và quyện với răng nanh xoắn hình đám mây bồng bềnh đang bay. Bờm tỏa ra từ
sau gáy hướng về phía sau lưng trong tư thế phấp phới như có gió thổi. Túm râu
con rồng mềm mại như làn sóng hướng về phía trước thu nhỏ lại. Mũi rồng là những
đường cong xếp chồng nhau tạo ấn tượng về nguồn nước. Miệng thường nhe ra để lộ
hai hàm răng đang ngậm hoặc vườn ngọc. Râu và mào rồng hướng về phía trước tạo
nên một hình ảnh giống chiếc lá bồ đề.
Thân
rồng thời Lý
Thân rồng Lý có
nét nổi bật không thời nào có đó là thân rồng hình tròn lẳn, da trơn, to từ cổ
nhỏ dần đến đuôi, không có vảy.
Thân rồng thường
có 11 đến 13 khúc, các khúc có cung độ đều nhau và uốn lượn hình thắt miệng túi
đáy tròn, miệng thắt nhỏ hơn.
Thân rồng trong
tư thế mềm mại tự nhiên như đang bay, có lẽ do nguồn gốc xuất thân đã quy định
đến đặc điểm này của con rồng.
Chân
rồng thời Lý
Rồng có 4 chân.
Chân rồng thời Lý có 2 loại là loại 3 móng vuốt và loại có 5 móng vuốt.
Dù loại có 3
móng vuốt hay 5 móng vuốt cũng đều nhỏ nhắn, có 3 đốt và có móng vuốt sắc như
móng chim.
Ở khuỷu chân có
một cụm lông hình chỏm mây bay về phía sau mềm mại.
3.
Yếu
tố Phật giáo trong con rồng thời Lý
Rồng gắn với đức Phật
Thích Ca Mâu Ni (释迦牟尼) sinh vào
khoảng 565 – 485 TCN, theo Phật giáo Nam truyền thì Thích Ca sinh khoảng 624 –
544 TCN hoặc khoảng 623 – 543 TCN. Thích Ca Mâu Ni là người sáng lập ra Phật
giáo. Vốn tên gọi là Tất Đạt Đa, họ Kiều Đạt Ma, thuộc dòng họ sát đế lợi[15].
Đức Phật có mối quan hệ gần
gũi với con rồng, truyền thuyết kể lại: Khi Thích Ca Mâu Ni sinh ra, có 9 con rồng
phun nước cho ngài tắm, rồi ngài bước lên 7 đóa sen, một loài hoa của phật[16].
Rồng gắn với hoa sen (hay còn gọi là liên hoa - 莲花)
Hoa sen sở dĩ được coi là
loài hoa của Phật vì nó có những đặc tính cơ bản sau đây[17]:
1.
Tính không nhiễm
Loài sen thường mọc ở những nơi ẩm ướt
và có nước như sông, ao, hồ, vũng nước… nhưng thân hoa không hề bị vướng bẩn bởi
những thứ dơ bẩn của môi trường xung quanh.
2.
Tính tinh khiết
Hoa sen có những đặc điểm rất đặc biệt,
hoa của nó rất đẹp, thơm và quyến rũ nhưng không hề có một loài động vật có thể
lại gần nó, dấy bẩn lên thân thể của nó, bởi lẽ trong nhị hoa sen có chất thanh
trùng nên những loài động vật rất kỵ khi đến gần.
3.
Tính thanh trừng
Hoa sen có đặc điểm rất hay đó chính là
tính khử, nơi nào có sen thì nước ở đó sẽ rất trong bởi lẽ hoa sen có tính khử
và lọc nước. Vì vậy người ta thường nuôi sen ở trong ao, hồ… có lẽ là vì đặc
tính này.
4.
Tính tái sinh
Hoa sen cũng như một vài loài hoa khác
thường sẽ tàn và lụi đi vào mùa đông, nhưng mùa xuân lại vươn lên mạnh mẽ. Nhiều
hạt sen, củ sen có thể bị chôn vùi dưới đất trong môi trường thích hợp như yếm
khí… nó có thể tồn tại được hàng trăm thậm chí cả ngàn năm, đến khi khơi ra sen
vẫn vươn lên mạnh mẽ, điều này thể hiện sức sống dẻo dai trường tồn của sen.
5.
Tính thanh tao về hương
vị
Hoa sen vừa có hương lại vừa có sắc. Hoa
sen thường có 2 màu, màu trắng và hồng. Tuy nhiên hương sen thường thoang thoảng,
dịu dàng chứ không nồng nặc, tạo cho người ta có cảm giác an lành khi được ngửi
và ngắm loài hoa này.
6.
Tính hành trực và ngẩu
không
Thân thẳng, từ khi sinh ra thân sen đã
mang một dáng hình thẳng. Trong ruột rỗng không, rỗng không mà đứng vững, rỗng
không mà vẫn vươn lên kiêu hãnh bất chấp sự đời.
7.
Tính bồng thực
Hoa sen khi mới nở đã có gương, cá hạt.
Đó là một điều đặc biệt nữa ở hoa sen. Nó thể hiện quy luật nhân quả trong phật
giáo, giao nhân nào gặp quả nấy. Có nhân có quả hiện hữu.
8.
Tính hy sinh
Người ta thường dùng lá sen để gói cốm,
dùng củ, hoa, lá non, thân sen để làm thức ăn, hạt sen ăn rất ngon… những bộ phật
trên sen có thể dùng làm thức ăn.
Vì những đặc tính tốt đẹp trên mà loài
hoa này được dùng làm biểu tượng của Phật giáo như: Liên hoan ấn, liên hoa bộ
tâm quỳ, liên hoa diện kinh, liên hoa đạc, liên đài, liên đăng hội yếu, liên
hoa bộ tam muội da ấn, liên hoa hợp chưởng, liên hoa lạc, liên hoa lậu, liên
hoa ngôn âm, liên hoa niệm tụng, liên hoa phục, liên hoa quyền, liên hoa thai tạng,
liên hoa thắng hội, liên hoa tọa…
Con rồng thường được trang trí cùng hoa
sen như rồng dâng sen lên Phật, rồng trên bệ đá hình hoa sen, rồng trong lá
sen… vì vậy có thể nói rằng con rồng thời Lý có mối quan hệ với Phật giáo.
Rồng
gắn với lá đề
Cây bồ đề dịch âm tiếng Phạn là
Bodhidruma hoặc Bodhivrksa hay còn dịch là giác thụ, đạo thụ.
Tương truyền đức phật Thích Ca Mâu Ni đã
đến gốc cây tất bát la ngồi kết già phu tọa và xây dựng nên các giáo lý chủ yếu
của Phật giáo là tứ diệu đế, thập nhị nhân duyên… Tín đồ phật giáo coi cây bồ đề
là cây tốt lành[18].
Trong mỹ thuật thời Lý hình ảnh con rồng
gắn với lá đề rất phổ biến, điều này càng chứng minh con rồng thời Lý có quan hệ
mật thiết với phật giáo.
Ảnh 6. Gạch trang trí chạm hình lưỡi long và lá đề (ảnh
Nguyễn Tào)
Ảnh 7. Rồng trong lá đề (ảnh Nguyễn Tào)
Ảnh 9. Rồng
Lý trên ống ngói hình lá đề và rồng bên lá đề (ảnh Nguyễn Tào)
Rồng gắn với chùa chiền
Ở
các ngôi chùa hình tượng con rồng xuất hiện ở nhiều nơi như trên nóc, trên kèo
cột, trên cầu thang… mỗi thời hình tượng rồng lại có một phong cách khác nhau.
Ngôi
chùa điển hình của Việt Nam là chùa Diên Hựu, được xây từ thời vua Lý Thánh
Tông gắn với giấc mộng gặp Quan Âm ngồi trên tòa sen đến dẫn vua lên đài. Ngôi
chùa được xây theo hình một bông sen nở nghìn cánh làm tòa sen của Quan Âm.
4. Kết luận
Như vậy chúng tôi có thể khẳng
định rằng con rồng xuất hiện từ thời Lý với truyền thuyết dời đô của Lý Công Uẩn.
Con rồng thời Lý có những nét khác biệt với con rồng của các thời sau, điều này
được phản ánh qua các bộ phận trên cơ thể của nó như đầu, thân, chân.
Con rồng thời Lý có mối quan
hệ chặt chẽ với Phật giáo, nó đi liền với các hình tượng của Phật giáo như đức
Phật, hoa sen, lá đề, chùa chiền… điều đó cũng phần nào thể hiện hệ tư tưởng của
thời Lý, một thời đại coi Phật giáo là quốc đạo.
Tuy nhiên có một vấn đề đặt
ra ở đây là: Con rồng có phải ở thời kỳ nào cũng đều gắn liền với Phật giáo hay
không ? Nếu có thì ở triều đại nào ? Nếu không thì từ triều đại nào con rồng bắt
đầu thoát khỏi ảnh hưởng của Phật giáo ?
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Văn Hiệu, Từ hình tượng thực của con rồng Việt Nam đến tên Lạc
Long Quân trong tiếng Việt, Tạp chí Khảo
cổ học, Số 2, 1983.
2. Hoàng Văn Khoán, Nguồn gốc con rồng, Thông
báo Khoa học, Số 2, 2013.
3. Ngô Sĩ
Liên, Đại Việt Sử Kí Toàn Thư, Tập I,
Nxb Khoa Học Xã Hội Hà Nội, H.2011.
4. Hoàng
Lương, Bàn góp thêm vấn đề Tô – Tem của người Việt nguyên thủy, KCH, Số 5, Tháng 7 năm 1959.
5. Phạm Huy
Thông, Về gốc tích con rồng, Tạp chí Khảo
cổ học, Số 1 – 2, 1988.
6. Phạm Huỳnh Hương Trang, Rồng và tiên trong lịch sử đồ tượng Việt Nam, Tuổi trẻ Chủ nhật, Số 12, 2001.
7. Trang
http://www.hoangthanhthanglong.vn/gach-ngoi-thoi-ly/1348, cập nhật ngày
20/06/2014.
8. Lê Thanh
Tịnh, Một hướng tìm hiểu nguồn gốc ngữ nghĩa của từ tố “lạc”, Tạp chí khảo cổ học, số 19, năm 1976.
9. Chu
Quang Trứ, Sáng giá Chùa xưa – Mỹ thuật
Phật giáo, Nxb Mỹ thuật, 2012.
10.
Chu Quang Trứ, Mỹ
thuật Lý - Trần, Mỹ thuật Phật giáo, Nxb Mỹ Thuật, 2012.
11.
Chu Quang Trứ, Văn
hóa Việt Nam nhìn từ mỹ thuật, 2 tập, 2002.
12.
Lý Viết Trường, Ý nghĩa hoa Sen trong đạo Phật, Tạp
chí Nghiên cứu Phật học, Số 2, 2014.
13.
Lao Tử - Tịnh Lê, Từ
điển Nho – Phật – Đạo, Nxb Văn học, 2001.
Hà Nội, 20/06/2014
Lý
Viết Trường
K57, Lịch Sử, ĐH
KHXH&NV, HN
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Phật học, Số 4 - 2014.
[1] Thời Lý tồn
tại từ 1010 đến 1225, với 215 năm, trải qua 9 đời vua: Lý Công Uẩn (1010 –
1028); Lý Thái Tổ (1028 – 1054); Lý Thánh Tông (1054 – 1072); Lý Nhân Tông
(1072 – 1127); Lý Thần Tông (1128 – 1138); Lý Anh Tông (1038 – 1175); Lý Cao
Tông (1176 – 1210); Lý Huệ Tông (1211 – 1225); Lý Chiêu Hoàng (1224 – 1225).
[3] Văn Tân, Vấn đề Tô – Tem
của người Việt, Tạp chí Nguyên cứu lịch sử,
số 2, 1959.
[4]. Văn Tân, Vài ý kiến đối
với nhận định của ông Đào Duy Anh về vấn đề Tô – Tem của người Việt nguyên thủy,
Tạp chí Nguyên cứu lịch sử, số 2,
1959.
[5] Hà Văn Tấn, Trở lại vấn
đề Tô – tem của người Việt, Tạp chí
Nguyên cứ lịch sử, Số 4, 1959.
[6] Phạm Huy Thông, Về nguồn
gốc con rồng, Tạp chí Khảo cổ học, Số
1 – 2, 1988, tr.
[7] Chu Quang Trứ, Mỹ thuật Lý – Trần mỹ thuật Phật giáo,
Nxb Mỹ thuật, 2012, tr.261.
[8] Ngô Sĩ Liên, Đại Việt Sử Kí Toàn Thư, Tập I, Nxb Khoa
Học Xã Hội Hà Nội, H.2011.
[9] Hoàng Lương, Bàn góp
thêm vấn đề Tô – Tem của người Việt nguyên thủy, KCH, Số 5, Tháng 7 năm 1959.
[10] Lê Thanh Tịnh, Một hướng
tìm hiểu nguồn gốc ngữ nghĩa của từ tố “lạc”, Tạp chí khảo cổ học, số 19, năm 1976.
[11] Phạm Huỳnh Hương Trang,
Rồng và tiên trong lịch sử đồ tượng Việt Nam, Tuổi trẻ Chủ nhật, Số 12, (1-4-2001).
[12] Xem thêm: Hoàng Văn
Khoán, sđd, tr.53 – 54.
[13] Nguyễn Văn Hiệu, Từ hình
tượng thực của con rồng Việt Nam đến tên Lạc Long Quân trong tiếng Việt, Tạp
chí Khảo cổ học, Số 2, 1983, Tr.62 –
66.
[14] Hoàng Văn Khoán, Sđd,
tr.56.
[15] Lao Tử - Thịnh Lê (chủ
biên), Từ điển Nho - Phật - Đạo, sách
dịch, Nxb Văn học, 2001, tr.1431.
[16] Hoàng Văn Khoán, Nguồn gốc con rồng, sđd, tr.58.
[17] Xem thêm: Lý Viết Trường,
Ý nghĩa hoa Sen trong đạo Phật, Tạp chí Nghiên
cứu Phật học, Số 2, 2014.
[18] Lao Tử - Thịnh Lê, Từ điển Nho - Phật – Đạo, Sđd, tr.121.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét