BÀN THÊM VỀ HUYỀN THOẠI LẠC LONG QUÂN VÀ ÂU CƠ
Hoàng
Văn Khoán[1]
Ở nước ta cũng như nhiều dân
tộc khác trên thế giới đều có một kho tàng huyền thoại phong phú. Huyền thoại
không phải là lịch sử, nhưng khi chữ viết ra đời, lịch sử có một giai đoạn huyền
thoại. Lạc Long Quân kết hôn với Âu Cơ, sinh ra 100 trứng, đẻ ra 100 người con
trai… Đấy là huyền thoại. Huyền thoại là cái vỏ bên ngoài bọc lấy cái lõi lịch
sử bên trong. Vậy cái lõi lịch sử trong câu chuyện huyền thoại này là gì ?
Mọi người đều biết rằng con
người bước ra khỏi thế giới động vật đi lang thang để kiếm sống bằng nghề hái
lượm và săn bắt. Đó là hai nghề đầu tiên của bất kỳ một dân tộc nào. Tại các
hang động và dưới mái đá, nơi ở của người Hậu kỳ Đá cũ và Sơ kỳ Đá mới người
Sơn Vi, Hòa Bình, Bắc Sơn đã để lại các vết tích của hai nghề đó: Phấn hoa các
loài thảo mộc, các loại hạt na, hạt mận, hạt trám… cùng với công cụ như bàn
nghiền hạt. Các loại vỏ ốc (ốc núi, ốc suối), xương răng các loài động vật bên
cạnh công cụ lao động bằng đá do họ chế tạo.
Những tán dư của nghề hái lượm
vẫn tồn tại đến ngày nay. Người ta vào rừng lấy măng trúc măng mai, hái sim,
đào củ… về bán ở các chợ. Người Tây Nguyên không có thói quen trồng vườn, phụ nữ
thường vào rừng hái lá cây về giã nẫu canh. Người Hương Sơn, Hà Tĩnh có món ăn
đặc sản là nộm hoa chuối rừng…
Nghề hái lượm không phải dễ
dàng, phải trèo đèo lội suối, chống chọi với thú dữ để dành giật sự sống. Do đó
họ không thể đi riêng lẻ mà phải tập hợp nhiều người thành một cộng đồng. Đứng
đầu cộng đồng này là một người đầu đàn mà trong huyền thoại gọi là tiên (Con rồng
cháu tiên). Chữ tiên theo hán tự một bên là bộ nhân đứng ( 亻)
nghĩa là con người, bên phải là bộ chữ sơn (山) là núi.
Tiên (仙) có nghĩa là người trên núi. Đó là những bộ tộc làm
nghề hái lượm, do một người đàn bà đứng đầu mà các nho sĩ mệnh danh là Âu Cơ.
Song song với nghề hái lượm
là nghề săn bắt các động vật dưới nước. Đó là những người làm nghề chài lưới.
Cũng như nghề hái lượm, nghề chài lưới cũng có những cộng đồng người.
Ở Đồ Sơn, Hải Phòng có địa
danh 8 làng vạn – Bát Vạn. Ban ngày mỗi người đều một phương. Tối đến thuyền đậu
san sát nhau tạo thành những làng vạn chài ven biển.
Trong các di chỉ từ thời đại
đá, đồng, sắt, khảo cổ học đã phát hiện vô số các dụng cụ đánh bắt như lưới
câu, chì lưới, lo ngạnh, xỉa… chưa kể đến các loại nơm, đó, vó, lừ bằng tre nứa
đã bị mai một. Ở dưới biển có rất nhiều loại cá, đặc biệt có loài cá hung dữ
như cá sấu, cá he, cá mập. Chúng sống thành từng đàn thường đến ven biển kiếm mồi
gây nguy hiểm tính mạng cho dân chài và những cư dân sống ven biển. Ở Vịnh Hạ
Long có loại cá he nếu mắc vào lưới, nó phá tung lưới, có khi lật đổ cả thuyền.
Mặc dù vậy, chúng vẫn là nguồn
thực phẩm quan trọng và là đối tượng săn bắt của cơ dân cổ. Ở di chỉ Cái Bèo
thuộc đảo Cát Bà có niên đại thuộc Sơ kỳ Đá mới, khảo cổ học đã phát hiện hàng
ta xương cá, xương to như xương trâu.
Trong thời kỳ chống Pháp,
dân chài Nam Bộ còn đánh bắt cá sấu, chói từng con kết thành bè để chở đi bán
chỗ khác. Ngày nay cá sấu đang trên đường thuần dưỡng.
Muốn đánh bắt động vật dưới
biển có hiệu quả, dân chài phải xăm mình những hình ảnh và màu sắc giống chúng.
Trong Đại Việt sử ký toàn thư, ngoại kỷ (Quyển 1) có ghi “Người nước Văn Lang
làm nghề đánh cá bị thuồng luồng làm hại. ‘Vua’ bảo lấy mực vẽ hình thủy quái
lên mình. Từ đấy thuồng luồng không làm hại nữa”. Khi Trần Nhân Tông lên ngôi
cũng khắc hình rồng vào vế đùi để không vong bản. Bởi dòng dõi nhà Trần xuất
thân từ nghề đánh cá.
Cái tên Lạc Long Quân mới được
đặt ra ít nhất cũng có từ thế kỷ 17 khi Nho học nước nhà phát triển. Các nhà
Nho thường đặt tên địa danh, nhân vật hoặc các hiện tượng tự nhiên bằng Hán Việt.
Vĩ dụ ở xã Diễn Thọ, Diễn Châu, Nghệ An có ngọn núi, dân địa phương gọi là núi
Yên Ngựa, các thầy Nho ở làng gọi là Mã Yên Sơn. Giữa cánh đồng có một lèn đá
hai vai giống người, dân gọi là lèn hai vai, các cụ đồ gọi là Lưỡng Kiên Sơn…
Cái tên Lạc Long Quân cũng vậy, thời tiền sử con người chưa có danh tính, lại
chưa có vua. Lạc Long Quân là một từ Hán Việt. Long ở đây không phải là rồng,
long cũng không đồng nghĩa với cá sấu. Long ở đây là hình một người dân chài
xăm mình đứng đầu tộc người đánh cá dưới biển. Cá sấu trên rìu và qua Đông Sơn
là đối tượng săn bắt được nghệ thuật hóa.
Không rõ căn cứ vào đâu Văn
Tân cho rằng Tô Tem Việt là rồng rắn. Khi nhà Hán sang thì rắn biến thành rồng.
Ông cho rằng tục xăm mình cũng có ý nghĩa Tô Tem, về sau có tính giai cấp và phổ
cập (Văn Tân, 1959).
Cũng làm nghề đánh bắt,
nhưng có những bộ tộc chuyên săn bắt các loài thú hoang dã. Trong hang động người
tiền sử còn để lại xương cốt các loại động vật nhỏ như chim, chuột, chồn, cáo…
đến xương răng những loài thú lớn như voi, hổ, tê giác… Đó là thành quả của nghề
đánh bắt thú hoang dã. Để dễ dàng tiếp cận với hoang thú, những thợ săn phải
hóa thân bằng lông chim, lông thú, lá cây, mặt nạ. Nghề săn được tiền hành bằng
nhiều thủ pháp khác nhau: đi săn bằng thuyền, nhử mồi cho cá sấu lên bờ rồi bao
vây, săn đuổi. Việc săn bắt hoang thú cũng cần có các bộ tộc, liên minh bộ tộc.
Đương nhiên săn bắt cũng phải có người đứng đầu, có sức khỏe, có mưu kế, phải
biết tổ chức. Người đó được các bộ tộc tôn sùng theo nghĩa dân gian là Đại ca –
người Hùng, theo thư tịch gọi là thủ lĩnh, về sau gọi là vua, vua Hùng.
Vua Hùng không phải là con đẻ
của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Vua Hùng là một con người thực sự, một thủ lĩnh đứng
đầu các liên minh bộ tộc, đã có công khai thiên lập địa, lập ra nhà nước sơ
khai – nhà nước Văn Lang. Cơ sở vật chất của nhà nước Văn Lang cũng như nhiều
dân tộc khác trên thế giới thuộc về thời đại đồ đồng.
Địa bàn của nhà nước Văn
Lang lúc đầu ở vùng trung du Phú Thọ và Vĩnh Phúc ngày nay. Người kế tục vua
Hùng là An Dương Vương mở rộng địa bàn ra cả vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ.
Nhà nước Văn Lang – Âu Lạc bao gồm nhiều bộ tộc: Săn bắt, hái lượm, chài lưới,
trồng trọt, các nghề thủ công như chế tạo đá, luyện đồng, luyện sắt…
Ngày nay tất cả các dân tộc
trên khắp mọi miền đất nước đến ngày mồng 10 tháng ba về đền Hùng để tưởng nhớ
công ơn dựng nước của Hùng Vương tổ phổ.
“Các vua Hùng đã có công dựn nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”
(Chủ tịch Hồ Chí Minh)
Một số vấn đề rút ra:
1.
Dân tộc Việt Nam hiện nay có nguồn gốc từ đâu ?
Các sử gia phong kiến, đặc
biệt là các học giả phương Tây dựa vào tài liệu thư tịch Trung Quốc thuần túy
mà cho rằng người Việt có nguồn gốc từ Trung Quốc hoặc Ấn Độ tới. Một số người
khác cho huyền thoại là có thật, cho dân tộc ta là do Lạc Long Quân và Âu Cơ
sinh ra, có nguồn gốc con rồng cháu tiên.
Tài liệu khảo cổ học tích
lũy hàng trăm năm nay có thể dựng lại quá trình hình thành dân tộc Việt Nam một
cách đúng đắn nhất. Bước vào thời kỳ Cánh Tân (Pleistocene) cách đây mấy chục vạn
năm con người đã xuất hiện trên vùng đất Việt Nam. Những công cụ đầu tiên như
rìu tay, các mảnh tước Levalois, Clacton đã phát hiện ở Núi Đọ, Quan Yên I, Núi
Nuông ở Thanh Hóa và các địa điểm Hanh Gòn, đồi Sáu Lé, suối Đa, Núi Cẩm Tiên,
Cầu Sắt, Gia Tân… ở miền Đông Nam Bộ là những bằng chứng chứng minh Việt Nam là
một trong những điểm xuất hiện loài người sớm ở Châu Á và Đông Nam Á. Việc sáng
tạo ra các công cụ lao động là điểm đặc biệt nói lên con người tác khỏi động vật.
Tại các hang động, khảo cổ học
đã phát hiện răng người hóa thạch, như ở hang Thẩm Hai và thẩm Khuyên ở Lạng
Sơn, đặc biệt là hang Thẩm Ồm ở Nghệ An đã phát hiện 5 răng người hóa thạch có
cả công cụ, xương cốt một quần thể ở vùng nhiệt đới. Các nhà nhân chủng học đó
là răng người vượn Erectus (vượn người đứng thẳng) đang trong quá trình chuyển
hóa thành người Homo Sapiens (người khôn ngoan hay người hiện đại).
Nền văn hóa vật chất của những
con người này là những công cụ ghẽ đẽo kiểu Chopping và Chopping – Tool niên đại
Hậu kỳ Đá cũ thuộc nền văn hóa Sơn Vi có niên đại từ 3 vạn đến 1 vạn năm. Cho đến
nay, khảo cổ học đã phát hiện 140 điểm thuộc văn hóa này, tập trung ở các thềm
của các lưu vực sông Hồng, sông Thái Bình, sông Mã, sông Chu, tập trung nhiều
nhất ở vùng Phú Thọ.
Có thể nói cuộc cách mạng đá
mới tạo ra tiền đề cho sự xuất hiện một cuộc cách mạng mới, cách mạng luyện
kim. Phát minh kỹ thuật đúc đồng luyện sắt tại chỗ tạo ra nhiều công cụ sản xuất
và vũ khí sắc bén làm phát triển một nền nông nghiệp trồng lúa đã phát sinh trước
đó, nay lan tỏa cả vùng trung du, vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Dân số
phát triển, định cư thành những làng mạc trù phú. Khảo cổ học đã phát hiện 70
làng, có làng ruộng từ 2 – 3 vạn m2 như
Phùng Nguyên, Văn Điển. Cuối thời đại đồ đồng có làng rộng tới 5 – 6 vạn m2 như Chiến Vậy.
Làng mạc là cơ sở hạ tầng,
là tế bào của nhà nước sơ khai – nhà nước Văn Lang – Âu Lạc. Nền văn hóa vật chất
mà lớp người này để lại hết sức đa dạng và phong phú bao gồm công cụ sản xuất,
công cụ chài lười, săn bắt, các loại vũ khí bằng đá, đồng, sắt, các loại đồ
trang sức bằng xương, bằng sừng, bằng ngọc, bằng thủy tinh, các loại đồ gốm gia
dụng như nồi niêu, ấm chén, bát, đĩa… Một
đời sống tinh thần như nhảy múa, trang phục và táng thức mang ý nghĩa tâm linh,
tôn giáo.
Tất cả đã tạo nên một chuỗi
hệ thống văn hóa mang tính bản địa: văn hóa Phùng Nguyên, văn hóa Đồng Đậu, văn
hóa Gò Mun, văn hóa Đông Sơn.
Dân tộc Việt Nam anh hùng
ngày nay không phải từ đâu tới, mà là hậu duệ của các lớp tiền bối nói trên đã
từng sinh ra trên đất nước Việt Nam đã khai phá rừng núi, hải đảo, chống thiên
nhiên, chống giặc giữ làng để lại một nền văn hóa có một bề dày lịch sử đầy bản
sắc và đậm đà tính dân tộc.
2.
Nghệ thuật nguyên thủy
Quá trình lao động săn bắt,
hái lượm, luyện kim đã làm phát sinh và phát triển nghệ thuật nguyên thủy. Đề
tài chủ yếu là con người và động vật.
Nghệ thuật biểu hiện con người
phát triển theo đà phát triển lực lượng sản xuất xã hội. Ở Đồng Ky (Thái
Nguyên) có một số phiến thạch được khắc vẽ hình mặt người có mắt, miệng, sống
mũi mang tính ước lệ. Trên vách hang Đồng Nội (Lạc Thủy – Hòa Bình) có bức vẽ 3
mặt người có đầy đủ lông mày, sống mũi, mắt, miệng, mái tóc rẽ đôi có đường môi
ở giữa. Mặc dù vẫn mang tính ước lệ nhưng đã nhấn mạnh tính đặc trưng. Ba mặt
người khá giống nhau về phong cách, khuôn mặt chữ điền, có lẽ tác giả muốn biểu
hiện tính đồng tộc, huyết thống phản ánh trên khuôn mặt.
Đến văn hóa Đông Sơn, hình
người trên các đồ đồng rất đa dạng phản ánh nhiều mặt của một xã hội phát triển
và nhiều mối quan hệ. Các hình người trên các cán dao găm Làng Vạc (Nghệ An),
Thủy Nguyên (Hải Phòng), Đông Sơn (Thanh Hóa), Lãng Ngâm (Bắc Ninh) đã biểu hiện
tính đặc trưng cao hơn, khuôn mặt hình trái xoan, thân hình cân đối, ngực nở, bụng
thon, trang sức, y phục có lẽ tác giả muốn thể hiện kiểu người mẫu đương thời,
đồng thời phản ánh tính tộc người khá phong phú.
Một loại hình nghệ thuật có
tính phức tạp hơn là miêu tả con người với thiên nhiên, với động vật. Trên chiếc
rìu Đông Sơn mô tả cảnh đi săn bằng thuyền. Đây là một đặc trưng cảnh đi săn
trong rừng nhiệt đới. Người đứng trên thuyền cho chó săn vào đuổi hưu nai, chó
săn bị hưu nai chống cự. Người trên thuyền xua tay hò hét để thúc giục, cổ vũ
làm tăng sức mạnh cho người bạn đường trung thành của mình.
Những cảnh hóa trang bằng
lông chim, bông lau trên các đồng đồng Đông Sơn, nhất là trên trống đồng phản
ánh hiện thực săn bắt được đưa vào nghệ thuật nhảy múa, có lẽ là sinh hoạt
trong lễ hội.
Nghề săn bắt là tiền đề cho
nghề chăn nuôi. Những con vật từ hoang thú đã được thuần dưỡng như voi, hổ, rắn
trên cán dao găm, những cặp bò trên trống đồng Làng Vạc, Đồi Rú Trăn có một
dáng đứng hiền lành, u nổi cao, đây là những động vật thuần dưỡng để làm sức
kéo trong nền nông nghiệp dùng cày.
Tóm lại mọi động vật đều là
đối tượng săn bắt của con người đã đực nghệ thuật hóa mang tính hiện thực và
nhân văn cao.
Nghệ thuật phản ánh săn bắt
của người nguyên thủy ở Việt Nam cũng giống nghệ thuật hang động của các tộc
người trên thế giới.
Ở hang Levanto (Tây Ban Nha)
tìm thấy một bức vẽ săn bắn sơn dương bằng cung nỏ. con sơn dương chạy như bay,
chân không chạm đất. Levanto nằm dọc bờ biển của bán đảo Pirênây. Cả vùng này
đã phát hiện có các bản vẽ tung tự trong 70 hang.
Ở Nam Ô Ran thuộc sa mạc
Sahara có một bức vẽ khá sinh động: voi mẹ đang bảo vệ con của mình trước sự đe
dọa của con hổ. Bên cạnh có hai con bò rừng sừng cong và dài đang húc nhau.
Ở hang Antaniza (Italia) có
bức tranh vẽ một đàn thú trong trạng thái hỗn độn. Nghệ sĩ mô tả kiểu săn bắt
bao vây, dồn đàn thú vào thế khó lường.
Nhà khảo cổ I.P. Frăng tơ
xép kết luận rằng sự xuất hiện nghệ thuật nguyên thủy phát triển trong quá
trình tiến bộ xã hội và lao động. Tư duy và ngôn ngữ phát triển ra nghệ thuật tạo
hình hiện thực.
Như vậy, từ Hậu kỳ Đá cũ kéo
dài suốt thời đại đồng, nghề săn bắt, săn bắn ở Việt Nam cũng như thế giới nổi
trội. Đi theo nó là sự phát sinh, phát triển nghệ thuận phản ánh hiện thực săn
bắn.
Tài liệu dẫn
1. Nguyễn Minh Hiệu, Từ hình tượng thực của con rồng Việt
Nam thuở ban đầu đến tên gọi Lạc Long Quân trong tiếng Việt, Tạp chí Khảo cổ học, Số 2, 1983.
2. Văn Tân, Về vấn đề Tô Tem người Việt, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Số 2, 1959.
3. Phạm Huỳnh Hương Trang, Rồng và tiên trong lịch sử đồ
tượng Việt Nam, Tuổi trẻ chủ nhật, Số
12, 2011.
Đăng tại: Thông báo Khoa học, Số 1 - 2013, tr.16 - 23.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét