Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

TỤC ĐI LẤY ĐÁ SÁNG MÙNG 1 TẾT NGUYÊN ĐÁN CỦA NGƯỜI TÀY - NÙNG XÃ THẠCH ĐẠN - HUYỆN CAO LỘC - TỈNH LẠNG SƠN

TỤC ĐI LẤY ĐÁ SÁNG MÙNG 1 TẾT NGUYÊN ĐÁN CỦA NGƯỜI TÀY - NÙNG XÃ THẠCH ĐẠN - HUYỆN CAO LỘC - TỈNH LẠNG SƠN

Sáng mùng một tết khi ra suối lấy đá họ mang theo vài que hương, chút vàng mã và đôi thùng nhỏ đi ra bờ suối hoặc chiếc giếng đầu làng để lấy nước. Khi ra đến bờ suối trước khi lấy nước người ta sẽ cắm chân hương vào vàng mã và cắm xuống cạnh bờ suối, sau đó xin phép thần suối cho phép lấy nước về nhà. Sở dĩ khi đi lấy nước người Tày – Nùng phải mang theo hương và vàng mã là để xin phép thần suối cho lấy nước về nhà sinh hoạt, vàng mã tượng trưng cho lệ phí để đổi lấy nước, thể hiện sự trao đổi qua lại giữa con người và thần linh.  cùng với đó đồng bào sẽ mang theo cái lồng gà, lồng vịt để lấy đá về nhà, những hòn đá to nhỏ khác nhau này tượng trưng cho gia súc, gia cầm. Những hòn đá này bắt buộc phải là những hòn cuội ven suối, không được lấy hòn đá ngoài đường hoặc trên núi… vì những hòn đá ở suối được nước suối rửa sạch còn đá ở những chỗ khác có thể đã bị nhuốm bẩn.
Trên đường lấy đá về nhà đồng bào không thưa gửi, không hỏi đáp bất cứ ai, dù có gặp họ hàng, người quen, bạn bè, bởi lẽ đồng bào quan niệm nếu cất tiếng chào, gọi, hỏi, đáp, thưa người khác thì gia súc, gia cầm sẽ sợ và quay trở lại suối hoặc đi theo về nhà người mà mình thưa đó. Đồng thời với đó trên đường trở về họ sẽ phát ra những tiếng gọi gia súc, gia cầm về theo mình như: dú dú dú để gọi lợn, cú cú cú để gọi gà, hùi hùi để đuổi châu về nhà mình… khi mang về đến nhà người ta sẽ mang các hòn đá đó để vào chuồng lợn, gà, vịt, châu, bò, chỗ ở của chó, mèo… để cầu cho năm mới các con vật này sẽ lớn nhanh, khỏe mạnh và sinh sôi nảy nở nhiều như đá ở bờ suối.
Những hòn đá này sẽ nằm ở chuồng gia súc, gia cầm đến hết cuối năm khi chuẩn bị dọn dẹp đón mừng năm mới thì họ mới dọn nó đi, thường bà con sẽ để các hòn đá này vào một gốc cây nào đó và kiêng kỵ không được đổ rác hay thứ gì lên trên những hòn đá này. Bởi vì đồng bào quan niệm hòn đá cũng có linh hồn nếu xúc phạm hay làm cho hòn đá tức giận thì hòn đá sẽ trách phạt, có thể làm cho gia súc trong chuồng mà họ từng được đặt bị ốm hay thậm chí bị chết.
Tại sao người Tày – Nùng lại lấy đá chứ không phải vật khác, vì đá luôn gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của lời người, đá dùng làm công cụ lao động như dao, cuốc, rìu… đá dùng để làm ra lửa, đá để làm nhà. Ngoài ra đá còn được đồng bào thờ như một vị thần bảo vệ gia súc , đá được đồng bào tin tưởng ký gửi vía của trẻ con khi đứa trẻ bị yếu vía .
Như vậy đây cũng là một tục lệ liên quan đến nghi lễ nông nghiệp cầu cho chăn nuôi thuận lợi, phát đạt, kinh tế phát triển.

Ảnh: Pai Cằm, nơi người Tày - Nùng thôn Nà Lẹng lấy đá đầu năm
Nguồn: Lý Viết Trường.
Lý Viết Trường LS

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét