Chủ Nhật, 4 tháng 5, 2014

HÀNH TRÌNH VỀ VỚI VĂN HÓA TÀY - NÙNG

HÀNH TRÌNH VỀ VỚI VĂN HÓA TÀY - NÙNG
Nhân dịp nghỉ lễ 30/04 – 01/05, này tôi nhận nhiệm vụ tìm hiểu vài nét trong nghi lễ tang ma của người Tày – Nùng từ người thầy của tôi GS. Hoàng Nam tôi chuẩn bị từ sớm và cùng thằng bạn cưỡi trên chiếc xe máy bò đi trên con đường Hà Nội – Cao Lộc – Hải Yến – Cao Lâu. Chuyến đi đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm ấn tượng về một bản người Tày - Nùng mang tên Cao Lâu.
1.     Chuẩn bị hành trang cho chuyến đi
Trước kỳ nghỉ lễ khoảng 10 ngày tôi có dịp vào nhà thầy tôi GS. Hoàng Nam một nhà nghiên cứu bậc nhất về văn hóa dân tộc Tày – Nùng ở Việt Nam hiện nay. Trong cuộc nói chuyện tôi chủ động gợi ý với thế về chủ đề tang ma của người Tày – Nùng Lạng Sơn có gì hay để nghiên cứu không thì thày liền giao ngay cho tôi nhiệm vụ: “Tìm hiểu xem lễ tế minh tinh với tế cây tiền của người Tày – Nùng giống hay khác nhau”. Tôi nhận lời không một chút ngần ngại vì nó đúng với sở thích của mình, tuy rất thích thú với nhiệm vụ nhưng tôi cũng không khỏi lo lắng vì đến giờ tôi vẫn chưa biết như thế nào là tế minh tinh còn tế cây tiền thì tôi đã từng chứng kiến nên cũng hiểu đôi chút.
Thế rồi tôi tìm kiếm các sách viết về đám ma của người Tày – Nùng, viết về thầy Tào, thầy mo của người Tày – Nùng, thật may mắn tôi đã tìm được cuốn luận án mà thày tôi nhắc đến của TS. Nguyễn Thị Ngân với chủ đề Tang ma của người Nùng Phàn Slình ở Thái Nguyên lưu tại thư viện trường tôi đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội. Trong tác phẩm này tác giả đồng nhất lễ tế minh tinh với tế cây tiền và dẫn giải những nghi lễ của tế cây tiền, điều này càng khiến tôi thêm mung lung. Tôi có gửi email cho thầy tôi mấy lần để hỏi cụ thể xem tế minh tinh là tế gì, thầy tôi cũng nói là chưa rõ lắm nhưng có thể tế minh tinh khác với tế cây tiền và động viên tôi cố gắng tìm hiểu cho rõ. Nhận được sự động viên của thầy, tôi đã bớt lo lắng phần nào.
Chẳng mấy chốc kỳ nghỉ lễ đã đến, tôi sách ba lô lên vai và cùng thằng bạn thân từ hồi cấp 1 tên Nông Quốc Cường lên đường về với bản Tày – Nùng nơi biên ải Xứ Lạng.
2.     Con đường về bản Tày – Nùng
Từ Hà Nội chúng tôi đi xe máy ngược lên hướng Đông Bắc theo con đường quốc lộ 1A nhằm hướng Lạng Sơn thẳng tiến. Trên đường từ Hà Nội lên Lạng Sơn đoạn qua Bắc Ninh và Bắc Giang chẳng có gì thú vị, hai bên đường toàn nhà cao tầng chẳng khác gì đang ở nội và ngoại thành Hà Nội.
Nhưng bắt đầu qua khỏi Bắc Giang để đi vào Lạng Sơn thì cảnh vật bỗng thay đổi một vòng kim đồng hồ, đang từ những ngôi nhà cao tầng với những cánh đồng thẳng tắp cò bay của Bắc Giang thì nay khi đến địa phận Lạng Sơn thì mọi chuyện đã thay đổi, những ngọn núi đá xanh ngút màu na hiện ra đầy sức sống. Nếu ai đó để ý quan sát sẽ phát hiện ra một điều khá thú vị đó là hai bên đường từ Chi Lăng đến Hữu Lũng một bên là núi đá, một bên là núi đất. Chẳng biết vì sao tạo hóa lại khéo léo sắp xếp đến vậy, có lẽ điều đó đã báo hiệu nhiều điều bất ngờ hơn nữa trên mảnh đất Xứ Lạng mà chúng tôi đang hướng đến.
Hai bên đường từ những ngôi nhà 2, 3 tầng cứ ngày một ít đi, qua khỏi Hữu Lũng thì những ngôi nhà tầng gần như mất hẳn mà thay vào đó là những ngôi nhà trình tường thấp lè tè nằm bên những mỏm đồi cạnh đường. Tôi để ý thấy người dân hai bên đường hâu như chủ yếu là người Nùng Phàn Slình, họ vẫn mặc áo truyền thống của dân tộc. Đây chính là bản thí, cư dân ở đây chủ yếu là người Tày – Nùng, họ sống dựa chủ yếu vào kinh tế nông nghiệp.
Xe chúng tôi tiếp tục chạy qua bản thí và một khung cảnh khác lại hiện ra một cách bất ngờ, chúng tôi đã đến Yên Trạch và Mai Pha. Hai xã này nằm gần thị thành phố Lạng Sơn nên kinh tế khá phát triển, những ngôi nhà tầng chiếm tỷ lệ đáng kể. người dân ở đây sống dựa vào nông nghiệp và buôn bán nên kinh tế cũng khá giả.
Chúng tôi ngồi nghỉ ở thị trấn Cao Lộc, sau gần 4 tiếng đồng hồ đi xe máy chúng tôi đã đói và thấm mệt. Chúng tôi vào một quán phở cạnh ngã ba Cao Lộc ăn, mới húp miếng đầu tiên mà chúng tôi đều xuýt xoa khen phở ở đây rất ngon, nó khác với phở Hà Nội, ở đây có phở xương, phở tái, phở gà… và nhất là có thêm món măng ớt để bàn cho dùng miễn phí. Chính món măng ớt đã để lại trong tôi một ấn tượng khá mạnh, nó có vị cay cay của ớt, vị hắc của măng, mùi thơm của quả mác mật. Tôi được biết măng ớt chính là một đặc sản của vùng đất Xứ Lạng.
Sau khi ăn xong bữa trưa xe chúng tôi lại nhằm theo hướng Hòa Cư – Hải Yến – Cao Lâu, chúng tôi được dự báo rằng đoạn đường này tuy chỉ dài hơn 20km nhưng sẽ là một thử thách khá khó với chúng tôi, bởi đoạn đường này nhỏ hẹp độ cua lớn và đã bị xuống cấp nghiêm trọng.
Dù được dự báo trước nhưng cũng không hề làm chúng tôi nao núng vì nhiệm vụ thầy giao cho tôi bắt buộc phải hoàn thành, vì niềm yêu thích khám phá trong tôi đã trỗi dậy từ thủa nào, nó thúc dục tôi mau đi để khám phá những điều kỳ lạ của xứ sở Tày – Nùng.
Thế rồi xe chúng tôi bò chậm chạp từng chút một trên con đường quanh co này, những ngôi nhà bé nhỏ nằm nép mình bên những ngọn đồi được phủ kín bởi màu xanh của vườn mận, vườn ngô. Dọc đường thi thoảng chúng tôi lại gặp một đám trẻ đang chăn trâu, nhìn bọn chúng hồn nhiên vui đùa cùng lũ bạn trẻ trâu mà tôi thấy thèm cảm giác được chơi, được sống gần gũi với thiên nhiên.
Thôn Hòa Cư để lại trong tôi ấn tượng mạnh về những ngọn đồi được đồng bào khai phá làm rẫy trồng ngô, những ngọn đồi thấp được bao bọc bởi màu xanh mơn mởn của vườn ngô trông thật đẹp.

Nương rẫy của đồng bào Tày – Nùng ở Hòa Cư
Sẽ có người phàn nàn: “Đây là phá rừng chứ tốt đẹp gì mà ca ngợi chứ” và tôi sẽ thưa như này thì bạn sẽ hiểu ngay thôi: “Những ngọn đồi này trên đỉnh vẫn trồng cây lâu năm và những nương rẫy này được làm theo kiểu bậc thang có tác dụng giữ đất rất tốt”. Tôi nhanh tay cầm lấy máy ảnh, vừa đi vừa chụp để lưu giữ lại những bức ảnh trên con đường vào bản Tày - Nùng.
Qua xã Hòa Cư chúng tôi đến với xã Hải Yến, một xã được nhiều người biết đến vì ở đây còn giữ được khá tốt phong tục tập quán của người Nùng. Tôi bắt gặp bên kia trên một cánh đồng có khoảng gần chục người đang cấy, điều này khiến tôi nhớ đến tục trợ giúp nhau trong ngày mùa của người Nùng, đây là một phong tục tốt đẹp không những có tác dụng về kinh tế mà còn có tác dụng trong việc xây dựng tình đoàn kết hàng xóm láng giềng.
Hai bên đường tôi cũng bắt gặp một cảnh tượng rất thi vị, đó là cảnh hai tốp người đang cấy ở hai cánh đồng bên suối đang hát sli lượn đối đáp với nhau, những câu sli ngày mùa giúp cho đồng bào quên đi mệt mỏi. Đã có thời những câu sli có nguy cơ mai một nhưng mấy năm gần đây cùng với sự quan tâm của các cấp có chính quyền nhất là sở văn hóa nên những câu sli đã lại xuất hiện nhiều hơn trên bản làng của người Nùng Phàn Slình ở Hải Yến.
Hải Yến còn nổi tiếng với tục múa sư tử, tục múa sư tử thế hiện tinh thần thượng võ của đồng bào Tày – Nùng được hình thành trong quá trình lịch sử chống giặc ngoại xâm và đánh phỉ giữ bình yên cho bản làng. Đồng bào quan niệm nơi nào có tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng là và chũm chọe thì nơi đó sẽ bình yên và làm ăn thuận lợi. Cũng có lúc múa sư tử tưởng chừng không còn ai thích thú, nhưng hiện nay có hội thi múa sư tử nên xã đã quan tâm phục hồi lại được rất nhiều trò diễn cổ như: nhảy bàn, nhảy lửa, báo đông, nả lình…
Đích đến cuối cùng của chúng tôi chính là thôn bản Vàng, xã Cao Lâu. Cuối cùng con đường vòng vèo, đầy ổ gà cũng lùi lại đằng sau và thôn bản Vàng đã hiện ra trước mắt chúng tôi. Thoạt đầu chúng tôi thấy hình như thôn bản Vàng vẫn còn lác đác mấy ngôi nhà trình tường xen giữa những ngôi nhà gạch kiên cố, nhà trình tường là một công trình nghệ thuật thể hiện tình độ sáng tạo và tư duy thích ứng với thiên nhiên nhạy bén của đồng bào.
Ngôi nhà chúng tôi tìm đến là nhà ông Hoàng Minh Kai cựu chiến binh đã từng tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường miền Nam. Nhà ông nằm ngay trên đường cái, ông đón tôi với nụ cười trên môi và mời chúng tôi vào nhà như gặp lại người bạn tri kỷ. Vào đến nhà ông liền rót ly rượu ra mời chúng tôi, người Tày – Nùng rất hiếu khách, khi nhà có khách vào thăm, không kể là ai họ đều rất niềm nở đón tiếp. Uống xong ngụm nước ông mới từ từ hỏi, các cháu hôm nay vào đây tìm ai, tôi trình bày lý do hôm nay đến với mong muốn tìm gặp ông thầy Tào ở thôn này, nghe đến đây ông trả lời nhanh: “Ông ấy tên Hoàng Kim Toàn là người thân của ông, nhà ngay dưới này, các cháu cứ uống nước đã rồi tí ông sẽ nhờ Hoàng Minh Đức dẫn xuống, yên tâm đi”. Được lời như cởi tấm lòng, chúng tôi mở lời nhờ ông dẫn xuống nhà ông Toàn.

Cuộc nói chuyện về văn hóa Tày - Nùng
Ông Đức dẫn chúng tôi xuống nhà ông Toàn. Khi chúng tôi vừa bước vào nhà ông Toàn liền mời chúng tôi ngồi xuống ghế, pha chè và hỏi ngay: “Các cháu tìm ông có chuyện gì, nói xem ông có giúp được gì không”. Ông Đức nhanh miệng nói giúp chúng tôi: “Các cháu hiện tại đang là sinh viên có mong muốn tìm hiểu một vài điều liên quan đến nghi lễ tang ma của người Tày mình, tôi biết ông nắm rõ cái này, ông cố gắng giúp các cháu với nhé”, vốn tính thân thiện ông Toàn cười nói: “Các cháu là sinh viên có lòng đam mê văn hóa dân tộc như thế thì ông sẽ giúp đỡ nhiệt tình, chỉ bảo những gì ông biết, chỉ bảo các cháu cũng là trách nhiệm của ông trong việc giữ gìn phong tục tập quán của người Tày mình mà”.
Được các cụ tạo điều kiện tôi liền vào ngay mục đích, tôi hỏi ông năm nay bao nhiêu tuổi, số năm làm thầy Tào là bao nhiêu… rồi hỏi ông trong nghi lễ tang ma lễ tế minh tinh là gì, lễ tế cây tiền là gì, giữa hai nghi lễ này giống hay khác nhau về nội dung hay ý nghĩa không ? Tiếp đó ông Toàn cùng ông Đức chia sẻ với chúng tôi rằng hiện nay ở xã Cao Lâu những nét văn hóa đã mất dần vì lớp trẻ không còn thiết tha với văn hóa cha ông. Ông Toàn nói rằng hiện nay ông muốn thu nhận “Đệ tử” để truyền nghề làm tào, ông than: “Nếu cứ kiểu này chẳng bao lâu nữa nghề làm tào sẽ thiếu người làm, bởi nhiều người có căn tào cũng không chịu học nghề”. Cùng với nghề tào thì các làn điệu dân ca cổ như hát then, sli, hát lượn, hát cỏ lảu, phát sỏi, múa sư tử… đã ít khi xuất hiện trên bản làng người Tày – Nùng, hiện nay chỉ còn một ít lớp người ở lứa tuổi trung niên và người già.
Câu chuyện giữa tôi và ông Toàn kéo dài gần 3 tiếng, những thắc mắc của tôi đã cơ bản được giải quyết. Chia tay ông mà lòng tôi thầm vui mừng vì nhiệm vụ của thầy giao cho đã được hoàn thành.

Quyển sổ ghi chép nghi lễ thực hiện trong đám tang của thày Tào người Tày
3.     Một vài suy nghĩ
Một chuyến đi đã để lại cho tôi rất nhiều điều bất ngờ và kỷ niệm đẹp, đồng bào Tày – Nùng ở đây rất nhiệt tình và niềm nở đón tiếp khách đến chơi. Mặc dù cuộc sống nơi đây còn rất nghèo, đa số đồng bào nơi đây vẫn ở nhà trình tường và một số ít ở nhà bê tông nhưng họ vẫn sẵ sàng dành cho khách những thứ ngon nhất.
Các bản làng hiện nay vẫn còn giữ được khá nhiều nét văn hóa cổ truyền như ma chay, cười xin, lễ hội… những người trung niên vẫn mặc quần áo truyền thống. Tuy nhiên thế hệ trẻ hiện nay có phần nào thờ ơ với văn hóa truyền thống, họ chưa hiểu được hết những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.
Thiết nghĩ trách nhiệm tuyên truyền phổ biến và giáo dục cho thế hệ trẻ nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa dân tộc thuộc về cơ quan có thẩm quyền và những người hiểu biết. Hiện nay sở văn hóa tỉnh đã có một vài chính sách quan tâm đến lưu giữ và phát huy văn hóa tuy nhiên vẫn còn quá nhỏ và chưa thực hiện rộng rãi, hình thức còn đơn điệu nên không thu hút được sự quan tâm của giới trẻ.

Nhờ những chuyến đi thực tế như chuyến đi ngày hôm nay đã giúp tôi hiểu hơn được văn hóa của các dân tộc nhất là văn hóa Tày – Nùng, những mảnh đất mà tôi đi qua luôn nồng nhiệt đón khách và những con người tôi gặp vẫn luôn mang trong mình niềm say mê với vốn văn hóa cổ. Chính họ là những người tiên phong trong công việc bảo tồn văn hóa nếu được tạo điều kiện và chỉ bảo phương pháp từ cơ quan chức năng.
Lý Viết Trường
Lạng Sơn, Ngày 02/05/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét