Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

NHẬT KÝ CỔ LOA

Hà Nội, ngày 26 tháng 10 năm 2014.

Chuyến đi Cổ Loa – Đông Anh – Hà Nội.

Sáng thức dậy từ 5h, mắt hãy còn nhắm tít và cay xè vì tối qua thức muộn chuẩn bị bữa trưa cho cả đoàn 19 người. Mở mắt ra thấy trời hãy còn tối mịt vì mùa này đã cuối thu rồi nên đêm đã dài hơn ngày rất nhiều.
  
Nắm cơm chuẩn bị cho bữa trưa
Trong đầu tôi nghĩ đến cái cảnh đi từ thành nội qua thành trung và ra thành ngoại mà thấy lòng phấn khởi nên vội bật dậy đi đánh răng rửa mặt. Xong xuôi mọi việc quay lại phòng thấy anh Tùng và thằng Cường vẫn còn khò khò ngũ, mình lại đặt mình xuống giường để nghĩ cần chuẩn bị những gì thì anh Tùng cũng bật giậy như đã tỉnh từ lâu, tiếp đó mình đánh thức thằng Cường, ông này tối qua mải mê tìm hiểu về Cổ Loa đến đêm muộn mới ngủ nên chắc lười dậy.
Chẳng mấy chốc chúng tôi chuẩn bị xong mọi thứ, nhìn đồng hồ đã điểm 6h kém 15 phút, chúng tôi xách bao tải thức ăn lên xe và bắt đầu hành trình đi Cổ Loa.
Tôi ngồi xe máy cùng thằng Tính còn ông Tùng, Cường, Cử, Hòa, Đồng, Chiến… đi xe đạp để ngắm trời ngắm đất Hà Nội (theo lời ông Cường) còn Hoài, Thùy, Tú thì đi xe máy.
Trên đường đi chúng tôi có dừng lại hỏi mấy bác xe ôm đứng cạnh đường chờ khách về đường đi thành cổ, hỏi ai cũng nhiệt tình trả lời, có lẽ ở Hà Nội muốn hỏi đường thì tốt nhất là hỏi xe ôm, từ lâu rôi đã coi họ là chuyên gia chỉ đường ở hà nội rồi.
Đi được chục phút chúng tôi vượt cầu Thăng Long, đứng trên cầu nhìn xuống sông Hồng và ngắm ánh bình minh trong tiết trời u ám ngày cuối thu thật đẹp làm sao, nó cứ mờ mờ ảo ảo, những vệt sáng xen lẫn mây đen xám xịt.

Sông Hồng nhìn từ cầu Thăng Long
Vừa ra khỏi trung tâm Hà Nội vài km chúng tôi bắt gặp 2 bên đường cánh đồng lúa trơ gốc rạ sau mùa thu hoạch, xa xa bên kia là lũ trâu nhai cỏ trong sương sớm, tôi thấy lạ vì không ngờ ở Hà Nội còn nhiều trâu đến thế. Bên cạnh lũ trâu đen là bầy cò trắng đậu khắp cánh đồng, vẫn còn đó nét quê in đậm trong không gian Hà Nội. Ông Tính chỉ tôi cái lưới bẫy chim trải trên cánh đồng, ông nói ban đêm người ta thả lưới xuống rộng lắm, quê nó cũng có kiểu bẫy này.
Sau vài lần hỏi đường chúng tôi đến xóm chợ, sáng đi sớm chưa ăn gì cộng với việc chúng tôi đi xe máy nên đến sớm hơn mọi người hơn tiếng. Nhìn xung quanh thấy có mấy quán ăn, có quán bán bánh mì, có quán bán trứng vịt lộn, có quán bán cháo bán xôi… nhưng sau khi được các cụ mời và khen quán này ngon nên chúng tôi quyết định ăn bánh cuốn cho bữa sáng.

Quán bánh cuốn cạnh Am Mỵ Châu và BQL di tích Cổ Loa (xóm chợ)
Ngồi vào bàn và gọi 2 bát bánh cuốn, mấy cụ ăn ở đó khen bánh ở đây ngon, chúng tôi cũng chẳng biết ngon hay không nhưng có một sự thật là hai thằng cùng chung động tác: 1 tay gắp bánh, 1 tay đuổi ruồi. Thế nhưng các cụ cứ khen ngon, mà một điều lạ là toàn người gia ăn ở đây, có cụ răng đã rụng hơn nửa hàm, nói tiếng đã không còn rõ… tôi nghĩ chắc đất này người ta sống thọ bởi vì nó là đất linh thiêng, có linh thiêng mới là mảnh đất được An Dương Vương chọn đóng đô. Nghĩ cái này cái nọ rồi đĩa bánh cuốn cũng hết, quả thật chúng tôi nhìn nhau và tự khâm phục bản thân khi ở vào cái hoàn cảnh này mà chúng tôi vẫn ăn được hết đĩa bánh.

Các cụ lão tuổi trên 80 ăn bánh cuốn
Sau khi ăn xong đã là 7h30 phút, chúng tôi vào làm việc với ban quản lý di tích Cổ Loa, sau khoảng 30 phút trao đổi qua lại với người quản lý cùng vài cuộc điện thoại gọi đến và gọi đi chúng tôi được miễn phí thăm quan ở đền Thượng, Am Mỵ Châu và đền An Dương Vương…
Đợi đến hơn 8h thì Hoài, Tú, Thùy đến sau khi đã ăn sáng ở chợ, tiếp tục chờ đến 8h30 phút thì đoàn đi xe đạp tới nơi. Chúng tôi hội quân để phổ biến vài điều BQL di tích nhắc nhở và bắt đầu chuyến hành thăm quan, nơi đầu tiên chúng tôi chọn là Đền Thượng. Ngôi Đền có mặt tiền nhìn ra hồ bán nguyệt và giếng Ngọc, trước cửa có gắn 2 con rồng mập mạp trong tư thế vuốt râu oai hùng, bên trên có khắc 4 chữ hán: TIÊN TỰ ĐỆ NHẤT.
Tiến vào bên trong chúng tôi bắt gặp 2 giếng nước khá nông mà dân gian gọi là 2 viên ngọc, 2 viên ngọc có ý nghĩa phong thủy và tâm linh rất quan trọng đối với ngôi đền.
Hai bên cạnh đền có bãi đất khá cao, chúng tôi đoán đó là đất được lấy từ giếng đắp lên. Bên phải đền có cây đa trăm tuổi trên gò đất nhô cao, bên trái có nhà bia để 5 tấm bia, 1 tấm ở giữa có 4 mặt khắc chữ và 4 tấm nhỏ xung quanh.
  
Cửa Đền Thượng (4 chữ: Tiên tự đệ nhất)
Sau khi xem xét, chụp ảnh ở Đền Thượng xong chúng tôi ra giếng Ngọc, xung quanh bờ làng hàng cây si rất đẹp, thời tiết hơi oi nên chúng tôi rất thích ngồi bên hồ để ngắm giếng Tiên giữa hồ. Các cụ bảo rằng gọi địa điểm giếng Tiên đúng phải gọi là: “Giếng Tiên nằm giữa hồ hình bán nguyệt”.
Theo truyền thuyết dân gian kể lại thì giếng Tiên là nơi Trọng Thủy trầm mình tự vẫn vì thương xót vợ…

Rời hồ bán nguyệt cùng giếng Tiên chúng tôi sang chốn thờ tướng Cao Lỗ người sáng tạo ra nỏ liên châu, là tướng tài của An Dương Vương. Nay Cao Lỗ được thờ trong khu quần thể di tích Cổ Loa bên cạnh Am Mỵ Nương. Không gian thờ không rộng bằng đền An Dương Vương và Mỵ Châu nhưng trước cửa có một cái ao và nhiều cây cổ thụ, mặt đền hướng về xóm chợ.
Trước cửa đền thờ Cao Lỗ là tượng vua An Dương Vương cầm nỏ thần trong tư thế đương sẵn sàng, nhìn vào bức hình tôi nghĩ đến tinh thần cảnh giác, có lẽ bức tượng muốn nhắn nhủ rằng dù thời bình hay thời chiến thì lòng cảnh giác hãy phải đề cao để tránh mắc vào lỗi của ngày khia xưa.
  
Tượng An Dương Vương dương nỏ thần trước đền thờ Cao Lỗ
Sau khi rời đền thờ Cao Lỗ cả đoàn vào thăm Am Mỵ Châu, cánh cửa dẫn vào có cảm giác vắng vẻ đìu hiu, cảnh vật như ảm đạm thay cho nỗi sầu của người công chúa có tội với giang sơn xã tắc: “Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ ChâuTrái tim lầm chỗ để trên đầu / Nỏ thần vô ý trao tay giặc / Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”.
Không như một vài đoàn cũng đến lúc này, họ chỉ vào xem lướt qua rồi chụp ảnh qua loa rồi đi… chúng tôi chia nhau ra chép câu đối, hoành phi… bạn Ngọc Châu còn tranh thủ trổ tài dập bia. Sau đó chúng tôi còn tranh luận xem kiến trúc từng phần của ngôi đền thuộc thời nào, con rồng có đặc điểm gì, con ly có hình thù ra sao… rồi văn bia này ý nghĩa gì, câu đối này ý nghĩa ra sao… nhận thấy chúng tôi có chút hiểu biết về lịch sử nên ông Từ coi bia rất thích thú, ông đọc cho chúng tôi nghe tất cả các hoành phi câu đối, song cụ Từ cũng tự nhận rằng cụ chỉ là học thuộc thôi chứ Cụ không biết đọc. Cũng còn nói mỗi năm làng sẽ tiến cử một cụ Từ khác thay phiên nhau lên trông coi đền, về sau trong cuộc nói chuyện với người dân tôi còn biết rằng những người được làng chọn làm cụ Từ phải là người có đức có tài.
Trong Am Mỵ Châu mọi câu đối đều có ý chứng minh cho tấm lòng trong sạch của Mỵ Châu, có lẽ dân gian nơi đây thiên về xu hướng thứ lỗi cho Mỵ Châu hơn là trách cứ.
Phiên âm:
Thiên cổ thụ giai khí uất thông, duyên đới tình căn hoàn tẩm miếu
Nhất phiến thạch bình sanh trung tín, tiềm linh hạo sảng bạn vương cung.
Dịch nghĩa:
Cây nghìn năm khí lành phảng phất, rễ tình dây duyên quấn quanh miếu điện
Đá một phiến giữa đời thành thật, thiêng ngầm sáng rõ quyến luyến cung vua”
Chúng tôi chú ý nhất là gian cuối cùng của Am nơi có thờ khối đá to bị cụt đầu được khoắc lên mình tấm vải và treo chiếc mũ ở trên, dân gian kể lại rằng khối đá này chính là hiện thân của xác Mỵ Châu trôi từ biển ngược theo dòng sông Hoàng Giang về Cổ Loa để tạ lỗi với vua cha và muôn dân trăm họ nên dân làng lập am thờ phụng.

Khối đá cụt đầu dân gian cho là hòa thân của Mỵ Châu
Cạnh Am Mỵ Châu là chùa Bảo Sơn nên chúng tôi ghé qua chùa Bảo Sơn ngó nghiêng rồi ra cạnh hồ bát nguyệt ăn trưa, thức ăn giản dị chỉ có cơm nắm muối vừng, dưa chuột cùng xúc xích và củ đậu… chúng tôi vừa ăn vừa nói chuyện vui vẻ đủ thứ chuyện trên đời.
Ăn xong mọi người nghỉ ngơi chút rồi tôi cuốc bộ theo đoạn thành nội đi vòng quanh hồ bán nguyệt, vì không có chuyên môn nên tôi chẳng phát hiện ra gì đặc biệt cả. Đuổi kịp thằng Cử chúng tôi đi vào thành trung ở đó đang có đoàn khai quật, hỏi thăm dân làng chúng tôi tìm đến nhà của anh Tuân k56 đang làm dự án nơi đây.
Chúng tôi quay lại dẫn cả đoàn ra thăm hố khai quật ở vòng thành nội, vì năm nhất mọi người đã được đi thực tập nên chẳng ai lại gì công việc khai quật, nhìn hố khai quật cùng vài lời thuyết minh giản dị của anh Tuân tôi thấy hố sâu hơn 3m, xuất hiện 2 lớp đất khác nhau chắc thành được đắp 2 lần vào thời điểm khác nhau. Còn khi ra thành Trung thì tôi thấy hố sâu hơn 4m, phát lộ 4 lớp đất, có lẽ thành này được đắp 4 lớp vào thời điểm khác nhau nên có lớp đất đen ở giữa các lớp đất.

Tại hố khai quật thành nội

Hố khai quật thành ngoại
Sau khi nói chuyện với nhân công khai quật cả đoàn rồi hố và kết thúc hành trình.
Tuy nhiên chúng tôi gồm: Lý Viết Trường, Vàng A Cử, Lê Đình Cường, Đường Xuân Tính vẫn còn nhiệm vụ khác để làm đó là đi tìm hiểu bức tượng trình bằng đất mà tôi đã phát hiện lúc mò mẫm đi giữa xóm Chợ.
Chúng tôi vào tận nhà để hỏi về bức tường, bước vào sân chúng tôi gặp cụ chủ nhà đang sửa xe đạp, cụ nhiệt tình tiếp đón chúng tôi với tấm lòng mến khách. Cụ kể bức tường có từ lâu rồi, từ khi cụ sinh ra đã thấy có rồi. Cụ tên Bảo, năm nay hơn 80 rồi. Kể cho biết làng này ngày xưa toàn nhà trình tường thôi, nhưng giờ người ta phá hết rồi, chẳng ai hiểu giá trị của nó đâu…

Nói về bức tường trình bằng đất
Rồi cụ kể về thành Cổ Loa, về những câu chuyện cụ từng chứng kiến… cụ hẹn chúng tôi lần sau đến cụ sẽ đích thân dẫn chúng tôi đi khảo sát tam vòng thành quách nếu như cụ còn khỏe. Câu chuyện cứ kéo dài mãi nhưng chúng tôi phải về nên đành xin cụ lần sau sẽ lên và nghe cụ kể hẳn 1 ngày về Cổ Loa.
Lúc nãy trên đường đi lang thang khắp làng tôi có nghe tiếng đàn Tính và tiếng Then văng vẳng đâu đây, tôi cố ý kiếm tìm nhưng cứ ngỡ nhà ai mở đài nên thôi chẳng tìm. Nhưng đúng là cái duyên, trên đường rời xóm chúng tôi nghe tiếng hát Then phát ra từ cửa hàng cắt tóc của anh thanh niên, chúng tôi lại ngồi vào hỏi han và biết rằng anh đã từng có thời gian sống ở Việt Bắc, anh rất thích nghe Then.
Anh kể rằng cả ngày anh nghe Then, lúc đó tôi nghe thấy máy anh phát bài: Ai lên Xứ Lạng do NSƯT Bích Hồng hát, dường như anh rất quý chúng tôi, anh chạy vào nhà mang theo trà đá ra mời chúng tôi. Cùng với đó có 3 cụ đang ngồi đó, 3 cụ kể những câu chuyện về thành cổ, nào là chỗ phát hiện trống đồng giờ chính là nơi cột điện đó, nào là nơi phát hiện mũi tên đồng ở ngoài đồng kia… trong câu chuyện của mình các cụ không quên nhắc đến GS Trần Quốc Vượng, các cụ bảo nói chuyện với “Ông Vượng khoái lắm” rồi cụ cũng nhắc đến nhà khảo cổ người Nhật Bản, cụ bảo họ quan tâm đến khảo cổ mình lắm, nhiều người Việt còn chưa ý thức được tầm quan trọng của khảo cổ. Tôi có biết nhà khảo cổ học Nhật Bản các cụ nhắc đến chính là TS. Nishimura Masanari. Tôi chợt nghĩ rằng một con người xa cách đến từ đất nước vốn là kẻ thù của xứ này nhưng với hành động và cống hiến của mình TS Nishimura Masanari đã sống trong tâm trí của người dân Cổ Loa nói riêng và những người dân Việt Nam đã được tiếp xúc với ông.
Trời chuyển về chiều thời gian cũng đã muộn chúng tôi đành chào các cụ và anh cắt tóc để về, khi về tôi có ý trả tiền thì lập tức anh cắt tóc nói: “Đây là tôi mời các chú, không tiền nong gì hết, lần sau đến đây cứ vào đây uống nước anh sẵn sàng mời mày trà đá miễn phí”. Các cụ cũng nhắc lần sau đến nếu cần cứ nói các cụ sẽ dẫn đi thăm thú các vòng thành.
Chúng tôi rời Cổ Loa về mà trong lòng còn vương vấn, tôi chợt nghĩ đến câu chuyện của Thày tôi PGS.TS.NGND Hoàng Văn Khoán kể về Thày Vượng rằng: “Thày chơi với mọi kiểu người, nói chuyện hợp với nông dân, với thợ cắt tóc… bất cứ ai cụ cũng đều hỏi và khai thác thông tin” qua chuyến đi này tôi càng thấm hiểu hơn. Một anh thợ cắt tóc nhưng lại có thể cho chúng tô rất nhiều thông tin, những người nông dân bản địa chính là kho tàng kiến thức về Cổ Loa, biết khai thác thông tin từ họ thì chúng tôi sẽ học hỏi và sáng tỏ ra nhiều vấn đề.
Đó là những gì tôi thu được sau chuyến đi Cổ Loa này. Trên đường về chúng tôi nói rằng sẽ quay lại để cụ dẫn đi thăm thú Cổ Loa trong thời gian sớm nhất để không phụ cái tình của cụ dành cho chúng tôi.
Đó chính là cái ý nghĩa của chuyến đi này.
Rời Cổ Loa lúc gần 16h, trên đường về tôi mắt tôi cứ nhắm tịt lại, lâu lâu lại ngủ gật, đến khi về nhà lúc 17h hơn tôi đánh một giấc phì phò.
Lý Viết Trường
Hà Nội. 26/10/2014

Thứ Tư, 24 tháng 9, 2014

Người Miền Núi - Người Hà Nội - Người miền Trung - Người Miền Nam - Người Việt Nam

1. Người Miền núi
Tôi sinh ra ở một vùng quê miền núi hẻo lánh nơi bốn bề chỉ có núi và núi, sáng mở mắt ra nhìn núi tối nằm mơ còn nghe tiếng gió xào xạc của rừng.
Thế rồi tôi đỗ đại học, tôi mang xuống Hà nội cái chân chất thật thà của chàng trai xứ nghèo, tôi quen những con người xứ khác, tôi nhìn họ với con mắt lạ lẫm, nhưng chẳng bao lâu tôi đã thích nghi và không hề thua kém họ, giờ đây tôi mới biết con người dù ở miền núi hay đồng bằng đều có chung một cái gốc là người Việt Nam nên họ sớm thích nghi và vươn lên sánh ngang với nhau cùng vươn lên để thực hiện những ước mơ của mình.
Tôi tìm quen một người sinh ra từ miền núi như tôi nhưng đã xuống Hà Nội từ lâu và nay đã thành danh trong làng khoa học, đó là Thày tôi, Thày vẫn giản dị và luôn hướng tâm về với quê hương. Trong gia đình Thày vẫn có hồn Xứ lạng, vẫn còn cái chất của người Nùng. Tôi được Thày và gia đình giúp đỡ rất nhiều, tôi nhận thức được điều đó nên tôi sẽ cố gắng nhiều hơn trong học tập và cuộc sống để không phụ công của Thày.
Trong quãng đời sinh sống ở Hà Nội tôi quen những người ở Hà Nội, những con người mang danh sâu sắc và vô cùng lịch thiệp.
<photo id="3" />
2. Người Hà Nội
Bác là người Hà Nội gốc, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội rồi sau này lấy chồng là người Tày ở Việt Bắc. Bác là chủ một hiệu sách nhỏ bên trong trường Nhân văn, chỗ thư viện nhà E.
Nhà sách của Bác dù diện tích nhỏ nhưng luôn là nơi để mấy tụi sinh viên khoa Sử, Văn, Chính trị... tụ tập để bàn, để nói, để bình... đủ thứ chuyện trên đời cho qua cái giờ nghỉ, cũng có lúc tôi ngồi ở sạp sách đến cả buổi chiều chỉ để đọc một cuốn sách hoặc nói chuyện với Bác bán sách. Đủ thứ chuyện trên đời từ cái cốc, cái bát cho đến những thứ to tát như Biển Đông hay nước Nga xa xôi.
Thế rồi sau tết Giáp Ngọ Bác thôi không bán sách nữa, chúng tôi lưu luyến lắm. Lưu luyến vì từ nay chúng tôi thiếu đi một người nói chuyện hay, hiểu biết rộng có thể tiếp chuyện được với tất cả mọi người và hơn nữa là thiếu đi cái nơi để tụ tập một cách lý thú.
Nhưng thi thoảng chúng tôi vẫn đến hoặc được mời đến nhà Bác chơi, Bác nhiệt tình lắm, Bác hẹn: "Tụi mày khi nào cần tài liệu mà Bác có thì cứ alo, nếu Bác có Bác sẽ giúp đỡ nhiệt tình, tụi mày có thể ngồi cả ngày tại nhà Bác đọc, Bác sẽ pha mì tôm cho tụi mày ăn".
Còn tôi thì lâu lâu lại được Bác gửi tặng 1 2 quyển sách, khi thì sách học Hán Nôm, lúc thì sách Phật giáo, sách quý có, sách bình thường có. Bác còn hứa sẽ mời tôi bữa bún đúng kiểu người Hà Nội.
Nói đến đây thôi tôi đã cảm nhận được chút nào cái sự nhiệt tình và cái tâm của người Hà Nội gốc. Tôi đem so sánh Bác với nhân vật chính trong tác phẩm MỘT NGƯỜI HÀ NỘI của Nguyễn Khải mà thấy chao ôi có hàng ngàn điểm giống nhau, hẳn là người Hà Nội gốc xưa và nay vẫn thế.
Còn nhiều nữa những người Hà Nội gốc mà tôi quen, họ sống rất sâu sắc, ăn nói rất duyên và có cái gì đó rất Hà Nội.
Tôi mới sống ở Hà Nội hơn 2 năm, mới nhìn Hà Nội hơn 2 năm, nhưng có lẽ tôi sẽ mãi nhớ về Hà Nội, nhớ mãi cho đến khi nào nhắm mắt xuôi tay.
<photo id="4" />
3. Người miền Trung
Thế rồi như một cơ duyên tôi quen những người bạn miền Trung, có lẽ tôi có tiền kiếp với người Xứ Nghệ.
Vừa nhập học vài ngày tôi đã cảm nắng một người con gái xứ Nghệ, cô ấy có mái tóc dài và giọng nói ngọt đến lạ. Tôi vẫn nhớ hoài những câu thơ trong bài: "Hoa cỏ may" mà cô ấy đọc cho tôi nghe những lần gặp nhau.
Dù rằng sau đó chúng tôi chẳng tiến xa hơn tình bạn nhưng chúng tôi vẫn giữ cho nhau những kỷ niệm đẹp thời còn là tân sinh viên.
Tiếp theo tôi còn quen thêm rất nhiều người miền Trung nữa, trai có gái có, tuy nhiên nhiều hơn vẫn là gái và nhiều hơn cả vẫn là người xứ Nghệ.
Có lẽ suốt đời sinh viên của tôi hình ảnh về con người xứ Nghệ sẽ là một mảnh ghép mang tên Sinh viên.
Thời gian trôi qua, tôi có thêm nhiều hơn những mối quan hệ bạn bè, ngoài miền Trung tôi quen cả miền Nam, nhưng thú vị là tất cả đều là quen từ mạng xã hội Facebook.
<photo id="5" />
4. Người miền Nam
Sáng nay nhận được tin nhắn từ một người bạn trong đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, TPHCM nhắn cho là đang ở bảo tàng Nhân học đó, lát lên gặp nhé. Vốn mình đang cần chuyển một vài quyển sách vào Nam cho người quen nhưng lâu nay ngại gửi vì tiền bưu điện hơi đắt. Hôm nay gặp được anh, gửi được anh mang vài quyển sách vào cho một người anh ở Nam.
Tôi quen anh qua mạng xã hội, nói chuyện rồi anh biết tôi thích đọc sách, anh chuyển ra cho tôi mấy quyển sách mà ngoài Bắc không bán, tôi vô cùng cảm kích khi anh chưa hề gặp tôi mà anh vẫn gửi cho tôi, đó là cái tình của người Nam, cái sự tin tưởng của những con người cùng chung dòng máu Việt Nam.
Vốn nghe tiếng dân miền Nam sống thoáng và đã tin nhau thì không hề nghi ngại bất cứ thứ gì, họ sống bằng cái niềm tin tưởng. Nay tôi lại càng thấm đượm hơn cái tình cảm đó, thấm đượm rồi tôi lại càng thấy yêu hơn cái đất nước hình chữ S: và những con người sinh sống trên mảnh đất này.
<photo id="6" />
5. Người Việt Nam
Người Việt Nam máu đỏ da vàng, mỗi người trên khắp đất nước này từ Lạng Sơn đến Mũi Cà Mau đều mang trong mình dòng máu Việt Nam.
Từ miền núi xuống Hà Nội vào miền Nam tôi đã cảm nhận được cái Tình của người Việt, chữ Tình viết lên từ sự tin tưởng, từ chữ Tâm.
Với những gì trên đây tôi tin rằng sẽ có ngày nước Việt ta mở mày mở mặt với Thiên hạ năm châu.
<photo id="2" />
Hà Nội.24/09/2014
Lý Viết Trường

Thứ Hai, 1 tháng 9, 2014

BẢN TÀY - NÙNG CHỨ DÉ (BÁC) HỒ

BẢN TÀY - NÙNG CHỨ DÉ (BÁC) HỒ 
...............................................
Bản Tày - Nùng chứ thâng Bác (dé)
Cần Nghệ An mừ hất pác chảng đây
Vằn Bác mà dú bản Tày
Sầy kin, sày dú, nòn sày bản còn.
Lầu nhằng đẩy chứ vằn cón
Nhờ Dé khởi nghĩa Bắc Sơn chính pần
Dé chảng đây cần lầu hất
Hất nà hất lầy chượng pất chượng mu.
Óc đông óc tàng pâu pù
Pây theo bác đánh cọn thù Phắn Cảy
Pây Trường Sơn bẳn máy bay
Mì Dé mà lòng noọng sày hôn hỷ.
Dé au mà hử lầu kỷ lai nèn
Mì Dé chính mì ngần chèn nà lầy
Dé Hồ chăn chừ cần đay
Chứ Dé Hồ lầu tò sày hất kin.
---------HN.02.09.2014-----------
---------Lý Viết Trường---------
Ảnh: Dé Hồ sày cần Tày - Nùng Việt Bắc
dulichtantrao











Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

VÀI ĐIỀU VỀ KHÁI NIỆM VĂN MINH

Có nhiều quan điểm xung quanh vấn đề này.
- Có quan điểm cho rằng khái niệm Văn Hóa và Văn Minh mới chỉ xuất hiện từ thế kỷ XVIII.
- Nhiều quan điểm lại cho rằng thuật ngữ Cultura và Civilization đã được sử dụng bắt đầu phổ biến từ giai đoạn đầu thời đại Phục Hưng.
- Ở Trung Quốc Văn Minh được nhắc đến sớm trong Thượng Thư (Ngũ Kinh).
- Ở Việt Nam Văn Minh xuất hiện đầu tiên trong văn bản nào ? Hiện chưa có câu trả lời. Nhưng khái niệm Văn Hiến thì đã xuất hiện trong Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi.
văn minh vật chất của người Việt - Phan Cẩm Thượng
Văn Minh mặc dù được sử dụng phổ biến từ thời Phục Hưng nhưng Văn Minh với tính cách là khái niệm Chính Trị - Xã Hội thì lại xuất hiện vào thế kỷ XVIII khi các nhà khai sáng Pháp dùng quan niệm duy lý của mình để mổ xẻ và phân tích những Xã Hội đã đạt tới một trình độ nhất định về lý tính và công bằng.
Về mặt từ nguyên, civilization có gốc latinh civilis, nghĩa là thị dân, công dân, nhà nước. Về sau Văn Minh được hiểu một cách trừu tượng theo nhiều nghĩa khác nhau; trong đó có nghĩa bao trùm là chỉ một trình độ phát triển nhất định của XH về mặt vật chất và tinh thần. Thế kỷ XIX nói đến Văn Minh là nói đến những đặc trưng có giá trị của CNTB nói chung.
Tóm lại Văn Minh hiện nay được hiểu:
Theo từ điển tiếng Việt: văn minh là trình độ phát triển đạt đến một mức độ nhất định của xã hội loài người, có nền văn hóa vật chất và tinh thần với những đặc trưng riêng. Ví dụ văn minh Ai Cập, Ánh sáng của Văn Minh[1].
Theo từ điển Thuật ngữ lịch sử phổ thông: văn minh là toàn bộ những sản phẩm biểu hiện trình độ phát triển cao của nền văn hóa tinh thần và vật chất của xã hội loài người ở một giai đoạn nhất định. Ví dụ Văn minh Văn Lang – Âu Lạc, Văn minh Lưỡng Hà…[2].
Theo Tầm nguyên từ điển: văn là văn lý (điều lý, mạch lạc trong văn chương); minh là quang minh, sang sủa. Kinh Dịch: thiên hạ văn minh. Ngày nay nước nào văn hóa mở mang thì gọi là văn minh, chưa khai hóa gọi là dã man[3].
Tài liệu Tham khảo
1.     Dương Phú Hiệp, Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu văn hóa và con người Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2012.
2.     Bửu Kế, Tầm nguyên từ điển: cổ văn học và từ ngữ tầm nguyên, Nxb Thanh niên, 2005
3.     Phan Ngọc Liên, Từ điển thuật ngữ lịch sử phổ thông, Nxb Hà Nội, H.2008
4.     Hoàng Phê, Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 1997.
Lý Viết Trường, K57 Lịch Sử


[1] Hoàng Phê (cb), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 1997, tr.1062.
[2] Phan Ngọc Liên, Từ điển thuật ngữ lịch sử phổ thông, Nxb Hà Nội, H.2008, tr.457.
[3] Bửu Kế, Tầm nguyên từ điển: cổ văn học và từ ngữ tầm nguyên, Nxb Thanh niên, 2005, tr.637.

[1] Phan Ngọc Liên, Từ điển thuật ngữ lịch sử phổ thông, Nxb Hà Nội, H.2008, tr.457.
[2] Bửu Kế, Tầm nguyên từ điển: cổ văn học và từ ngữ tầm nguyên, Nxb Thanh niên, 2005, tr.637.

Chủ Nhật, 10 tháng 8, 2014

TRĂNG

Đêm nay trăng sáng lạ lùng
Có người ngồi nhớ mung lung một người
Nhớ gì ơi hỡi trăng ơi
Nhớ từng ánh mắt nụ cười chia phôi.
Trăng xưa nay đã xa rồi
Còn đâu nét đẹp của thời ấu thơ
Bao giờ cho tới bao giờ
Ngồi buồn tự hỏi ngu ngơ với lòng.
Giờ em đã chẳng còn mong
Chẳng thương chẳng nhớ trăng hồng ngày xưa
Bỗng đâu gió nhẹ mây mờ
Thổi qua che khuất trăng khờ của tôi.
Và em nay đã xa rồi
Em đi cùng với một đồi cỏ may
Hỏi rằng em có còn hay
Những chiều hai đứa dắt tay qua cầu.
Chiếc cầu nho nhỏ nước sâu
Bắc ngang con suối hai đầu tuổi thơ
Bên kia anh hái hoa mơ
Bên này em đợi em chờ em trông.
Tuổi thơ tuổi của má hồng
Tuổi xanh tuổi ngọc tuổi nồng tuổi say
Ngày nay em đã đổi thay
Đi về với gió với mây với người.
Em đi bỏ lại góc trời
Bỏ luôn một ánh trăng trời ngày xưa
Em đi đi tự bao giờ
Hỏi em còn nhớ hay giờ đã quên.
Em quên một ánh trăng nguyền
Quên luôn vị ngọt vị huyền đôi môi
Nhìn về phương ấy xa xôi
Trăng vàng cô quạnh lòng tôi bỗng sầu.
......Hà Nội, đêm trăng tròn, 11.08.2014..........
...................Lý Viết Trường..........
trăng quê

Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2014

CON RỒNG THỜI LÝ VÀ BIỂU TƯỢNG PHẬT GIÁO

CON RỒNG THỜI LÝ[1] VÀ BIỂU TƯỢNG PHẬT GIÁO
Lý Viết Trường
K57, Lịch sử, ĐH KHXH &NV, HN
Trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam con rồng là hình tượng nghệ thuật rất phổ biến nhất, hình tượng con vật này luôn gắn bó với ý thức và lý tưởng của thời đại đã sinh ra nó. Thời Lý phật giáo Việt Nam phát triển đến đỉnh cao[2], vì vậy hình tượng con rồng cũng mang những biểu hiện của mỹ thuật phật giáo, điều này đã được chứng minh qua những di vật khảo cổ và lịch sử đã được phát hiện.
1.     Nguồn gốc con rồng
Có nhiều quan điểm khác nhau về nguồn gốc con rồng, cụ thể:
Theo ông Văn Tân thì nguồn gốc của rồng Việt có thể được sinh ra từ cá sấu cụ thể trong tạp chí nguyên cứu lịch sử có viết “Đầu tiên Tô-tem của người Việt có thể là một giống rắn nào đó – một giống bò sát nào đó. Giống rắn này có thể lớn và có mào, lại có thể có cả chân, ít nhiều điểm giống con rồng. Người Việt Nam xưa vẫn cho là một giống rắn thần thân dài, mào đỏ chót. Nhiều làng ở Việt Nam xưa đã thờ giống rắn thần đó (Kim Hoàng, Hậu Ái...)[3], ông Văn Tân lại tiếp tục chứng minh nguồn gốc con rồng từ cá sấu “Ngờ rằng con Giao Long mà người Việt xưa xăm vào mình có lẽ là con cá sấu[4]. Cùng quan điểm với ông Văn Tân thì có GS Phạm Huy Thông, GS Hà Văn Tấn “Như vậy theo chúng tôi, hình hai con cá sấu được cách điệu hài hào giao nhau trên búa đồng Đông Sơn là hình của con Giao Long. Phải chăng đây là hình tượng con rồng đầu tiên trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam[5]. Tuy nhiên các quan điểm thể hiện ở những mức độ khác nhau GS Phạm Huy Thông viết “Chúng ta chưa khẳng định mười mươi rằng con rồng có tiền thân từ con cá sấu Đông Nam Á. Nhất là động vật học chưa xác định sự tồn tại của cá sấu ở vùng biển Bắc Bộ[6].
Chu Quang Trứ dựa vào hình thuyền trên trống và thạp đồng (nhất là thạp Đào Thịnh) có dáng dấp hình con rắn và con cá sấu để giải thích về nguồn gốc con rồng: “Phải chăng những loại trùng và hình thuyền trên (trên trống và thạp - LVT) đã gợi lên bóng dáng đầu tiên của con rồng Việt Nam, mà thiên thần thoại Lạc Long Quân nhắc đến dưới cái tên Giao Long[7]

Ảnh 1. Hình cá sấu (?) giao nhau và thuyền hình cá sấu (?) trên thạp đồng Đào Thịnh (Yên Bái)
Nhà sử học Ngô Sĩ Liên có quan điểm cho rằng con rồng có truyền thống lâu đời cụ thể truyền thuyết Con rồng cháu tiên quan niệm rằng Lạc Long Quân là dòng dõi nhà rồng “Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó[8] vì vậy họ đã chia nhau 50 con theo cha về Nam Hải, 50 con về với mẹ. Còn tác giả Hoàng Lương lại ý kiến cho rằng con Giao Long không phải xuất phát từ loài cá sấu “Cho nên chúng tôi ngờ rằng con Giao Long của người Việt xưa kia thờ không phải là con cá sấu mà là một loài chăn nước cổ đại (python) có rất nhiều ở các sông ngòi Việt nam xưa kia[9]. Tác giả Lê Thanh Tịnh  lại cho rằng con rồng thực chất là một loài rắn mà thôi “Theo chúng tôi, có thể rồng cũng chỉ là rắn được cách điệu và thần thánh hóa mà thôi. Gần đây, theo ý kiến của một số nhà khoa học trên thế giới thì rồng chỉ là một thứ rắn biển đã dần dần bị tiêu diệt và quá xa lạ đối với chúng ta ngày nay[10]. Còn tác giả Phạm Huỳnh Hương Trang thì khẳng định cá sấu là Lạc Long Quân và phân rồng thành các loại sau[11]:
1.     Rồng cá sấu
2.     Rồng sấu rắn
3.     Rồng rắn với đầu cá sấu
4.     Rồng mèo, dựa trên một mảnh sành ở Bắc Ninh hình dáng rồng Đại Việt
5.     Rồng thời Ngô, dựa vào hình trên một viên gạch phát hiện ở Cổ Loa
6.     Rồng đầu sư tử, dựa vào đồng tiền Cảnh Thịnh
7.     Rồng thời Nguyễn
Tuy nhiên theo PGS. Hoàng Văn Khoán thì ở trên tác giả Hương Trang đã không thống nhất về cách phân loại, một số thì theo hình dáng, một số lại theo triều đại. Tư liệu đưa ra không căn cứ như: miếng sành có con rồng mèo lấy ở di chỉ nào, niên đại ra sao ?, rồng Ngô trên viên gạch Cổ Loa nhưng địa bàn Cổ Loa rất rộng, có nhiều địa điểm với niên địa khác nhau, vậy viên gạch đó thuộc thời kỳ nào ... Tác giả đã bỏ sót nhiều tư liệu cơ bản. Vì vậy độ tin cậy thấp[12].
Theo Nguyễn Văn Hiệu thì rồng là vật tổ của dân tộc: “Vật tổ của dân tộc ta là con cá sấu. Lạc Long Quân là cha rồng của dân tộc ta[13]. Tuy nhiên quan điểm trên này khó có thể trả lời được cây hỏi: Nếu rồng Việt xuất hiện từ thời Lạc Long Quân vậy tại sao trong suốt thời kỳ bắc thuộc lại không thấy xuất hiện bóng dáng con rồng ?
Tôi đồng ý với quan điểm của PGS.TS Hoàng Văn Khoán rằng con rồng có từ thời Lý và gắn với truyền thuyết về việc nhà vua gặp rồng vàng bay lên trong khi đang dời đô từ Hoa Lư ra Đại La: “Con rồng xuất hiện sớm nhất là con rồng thời Lý. Lý Công Uẩn lên làm vua, thấy Hoa Lư chật hẹp bèn quyết định dời đô về Đại La. Trên đường đi, Lý Thái Tổ thấy một đám mây vàng bay lơ lửng, nhà vua cho là điềm tốt, bèn đặt tên cho thủ đô mới là Thăng Long. Các nhà mỹ thuật đương thời sáng tác một con rồng đang bay theo ý tưởng của vua là Thăng Long – Rồng bay lên[14].
2.     Đặc điểm con rồng thời Lý
Con rồng thời Lý có những nét đặc trưng riêng có thể phân biệt được với con rồng của các thời khác, cụ thể :
Đầu rồng thời Lý

Ảnh 2. Gạch trang trí chạm hình rồng cuốn và đài sen
Mào, mũi và bờm là những bộ phận được cấu tạo rất sinh động bằng những đường nét rất tự nhiên. Mào chùm lấy toàn bộ môi trên và quyện với răng nanh xoắn hình đám mây bồng bềnh đang bay. Bờm tỏa ra từ sau gáy hướng về phía sau lưng trong tư thế phấp phới như có gió thổi. Túm râu con rồng mềm mại như làn sóng hướng về phía trước thu nhỏ lại. Mũi rồng là những đường cong xếp chồng nhau tạo ấn tượng về nguồn nước. Miệng thường nhe ra để lộ hai hàm răng đang ngậm hoặc vườn ngọc. Râu và mào rồng hướng về phía trước tạo nên một hình ảnh giống chiếc lá bồ đề.
Thân rồng thời Lý
Thân rồng Lý có nét nổi bật không thời nào có đó là thân rồng hình tròn lẳn, da trơn, to từ cổ nhỏ dần đến đuôi, không có vảy.
Thân rồng thường có 11 đến 13 khúc, các khúc có cung độ đều nhau và uốn lượn hình thắt miệng túi đáy tròn, miệng thắt nhỏ hơn.
Thân rồng trong tư thế mềm mại tự nhiên như đang bay, có lẽ do nguồn gốc xuất thân đã quy định đến đặc điểm này của con rồng.
Chân rồng thời Lý
Rồng có 4 chân. Chân rồng thời Lý có 2 loại là loại 3 móng vuốt và loại có 5 móng vuốt.
Dù loại có 3 móng vuốt hay 5 móng vuốt cũng đều nhỏ nhắn, có 3 đốt và có móng vuốt sắc như móng chim.
Ở khuỷu chân có một cụm lông hình chỏm mây bay về phía sau mềm mại.
3.     Yếu tố Phật giáo trong con rồng thời Lý
Rồng gắn với đức Phật
Thích Ca Mâu Ni (释迦牟尼) sinh vào khoảng 565 – 485 TCN, theo Phật giáo Nam truyền thì Thích Ca sinh khoảng 624 – 544 TCN hoặc khoảng 623 – 543 TCN. Thích Ca Mâu Ni là người sáng lập ra Phật giáo. Vốn tên gọi là Tất Đạt Đa, họ Kiều Đạt Ma, thuộc dòng họ sát đế lợi[15].
Đức Phật có mối quan hệ gần gũi với con rồng, truyền thuyết kể lại: Khi Thích Ca Mâu Ni sinh ra, có 9 con rồng phun nước cho ngài tắm, rồi ngài bước lên 7 đóa sen, một loài hoa của phật[16].
Rồng gắn với hoa sen (hay còn gọi là liên hoa - 莲花)
Hoa sen sở dĩ được coi là loài hoa của Phật vì nó có những đặc tính cơ bản sau đây[17]:
1.     Tính không nhiễm
Loài sen thường mọc ở những nơi ẩm ướt và có nước như sông, ao, hồ, vũng nước… nhưng thân hoa không hề bị vướng bẩn bởi những thứ dơ bẩn của môi trường xung quanh.
2.     Tính tinh khiết
Hoa sen có những đặc điểm rất đặc biệt, hoa của nó rất đẹp, thơm và quyến rũ nhưng không hề có một loài động vật có thể lại gần nó, dấy bẩn lên thân thể của nó, bởi lẽ trong nhị hoa sen có chất thanh trùng nên những loài động vật rất kỵ khi đến gần.
3.     Tính thanh trừng
Hoa sen có đặc điểm rất hay đó chính là tính khử, nơi nào có sen thì nước ở đó sẽ rất trong bởi lẽ hoa sen có tính khử và lọc nước. Vì vậy người ta thường nuôi sen ở trong ao, hồ… có lẽ là vì đặc tính này.
4.     Tính tái sinh
Hoa sen cũng như một vài loài hoa khác thường sẽ tàn và lụi đi vào mùa đông, nhưng mùa xuân lại vươn lên mạnh mẽ. Nhiều hạt sen, củ sen có thể bị chôn vùi dưới đất trong môi trường thích hợp như yếm khí… nó có thể tồn tại được hàng trăm thậm chí cả ngàn năm, đến khi khơi ra sen vẫn vươn lên mạnh mẽ, điều này thể hiện sức sống dẻo dai trường tồn của sen.
5.     Tính thanh tao về hương vị
Hoa sen vừa có hương lại vừa có sắc. Hoa sen thường có 2 màu, màu trắng và hồng. Tuy nhiên hương sen thường thoang thoảng, dịu dàng chứ không nồng nặc, tạo cho người ta có cảm giác an lành khi được ngửi và ngắm loài hoa này.
6.     Tính hành trực và ngẩu không
Thân thẳng, từ khi sinh ra thân sen đã mang một dáng hình thẳng. Trong ruột rỗng không, rỗng không mà đứng vững, rỗng không mà vẫn vươn lên kiêu hãnh bất chấp sự đời.
7.     Tính bồng thực
Hoa sen khi mới nở đã có gương, cá hạt. Đó là một điều đặc biệt nữa ở hoa sen. Nó thể hiện quy luật nhân quả trong phật giáo, giao nhân nào gặp quả nấy. Có nhân có quả hiện hữu.
8.     Tính hy sinh
Người ta thường dùng lá sen để gói cốm, dùng củ, hoa, lá non, thân sen để làm thức ăn, hạt sen ăn rất ngon… những bộ phật trên sen có thể dùng làm thức ăn.
Vì những đặc tính tốt đẹp trên mà loài hoa này được dùng làm biểu tượng của Phật giáo như: Liên hoan ấn, liên hoa bộ tâm quỳ, liên hoa diện kinh, liên hoa đạc, liên đài, liên đăng hội yếu, liên hoa bộ tam muội da ấn, liên hoa hợp chưởng, liên hoa lạc, liên hoa lậu, liên hoa ngôn âm, liên hoa niệm tụng, liên hoa phục, liên hoa quyền, liên hoa thai tạng, liên hoa thắng hội, liên hoa tọa…
Con rồng thường được trang trí cùng hoa sen như rồng dâng sen lên Phật, rồng trên bệ đá hình hoa sen, rồng trong lá sen… vì vậy có thể nói rằng con rồng thời Lý có mối quan hệ với Phật giáo.

Rồng gắn với lá đề
Cây bồ đề dịch âm tiếng Phạn là Bodhidruma hoặc Bodhivrksa hay còn dịch là giác thụ, đạo thụ.
Tương truyền đức phật Thích Ca Mâu Ni đã đến gốc cây tất bát la ngồi kết già phu tọa và xây dựng nên các giáo lý chủ yếu của Phật giáo là tứ diệu đế, thập nhị nhân duyên… Tín đồ phật giáo coi cây bồ đề là cây tốt lành[18].
Trong mỹ thuật thời Lý hình ảnh con rồng gắn với lá đề rất phổ biến, điều này càng chứng minh con rồng thời Lý có quan hệ mật thiết với phật giáo.

Ảnh 6. Gạch trang trí chạm hình lưỡi long và lá đề (ảnh Nguyễn Tào)




Ảnh 7. Rồng trong lá đề (ảnh Nguyễn Tào)

                  Ảnh 8. Rồng Lý trên lá đề (ảnh Nguyễn Tào)

      Ảnh 9. Rồng Lý trên ống ngói hình lá đề và rồng bên lá đề (ảnh Nguyễn Tào)
Rồng gắn với chùa chiền
Ở các ngôi chùa hình tượng con rồng xuất hiện ở nhiều nơi như trên nóc, trên kèo cột, trên cầu thang… mỗi thời hình tượng rồng lại có một phong cách khác nhau.
Ngôi chùa điển hình của Việt Nam là chùa Diên Hựu, được xây từ thời vua Lý Thánh Tông gắn với giấc mộng gặp Quan Âm ngồi trên tòa sen đến dẫn vua lên đài. Ngôi chùa được xây theo hình một bông sen nở nghìn cánh làm tòa sen của Quan Âm.
Trên nóc ngôi chùa thường bao giờ con rồng cũng mang đặc điểm của triều đại nó được xây, và chùa một cột cũng vậy. Nhưng sau nhiều lần tu sửa hiện nay ta thấy trên nóc ngôi chùa là con rồng thời Nguyễn với kiểu song long triều nguyệt.


4.     Kết luận
Như vậy chúng tôi có thể khẳng định rằng con rồng xuất hiện từ thời Lý với truyền thuyết dời đô của Lý Công Uẩn. Con rồng thời Lý có những nét khác biệt với con rồng của các thời sau, điều này được phản ánh qua các bộ phận trên cơ thể của nó như đầu, thân, chân.
Con rồng thời Lý có mối quan hệ chặt chẽ với Phật giáo, nó đi liền với các hình tượng của Phật giáo như đức Phật, hoa sen, lá đề, chùa chiền… điều đó cũng phần nào thể hiện hệ tư tưởng của thời Lý, một thời đại coi Phật giáo là quốc đạo.
Tuy nhiên có một vấn đề đặt ra ở đây là: Con rồng có phải ở thời kỳ nào cũng đều gắn liền với Phật giáo hay không ? Nếu có thì ở triều đại nào ? Nếu không thì từ triều đại nào con rồng bắt đầu thoát khỏi ảnh hưởng của Phật giáo ?

Tài liệu tham khảo
1.     Nguyễn Văn Hiệu, Từ hình tượng thực của con rồng Việt Nam đến tên Lạc Long Quân trong tiếng Việt, Tạp chí Khảo cổ học, Số 2, 1983.
2.     Hoàng Văn Khoán, Nguồn gốc con rồng, Thông báo Khoa học, Số 2, 2013.
3.     Ngô Sĩ Liên, Đại Việt Sử Kí Toàn Thư, Tập I, Nxb Khoa Học Xã Hội Hà Nội, H.2011.
4.     Hoàng Lương, Bàn góp thêm vấn đề Tô – Tem của người Việt nguyên thủy, KCH, Số 5, Tháng 7 năm 1959.
5.     Phạm Huy Thông, Về gốc tích con rồng, Tạp chí Khảo cổ học, Số 1 – 2, 1988.
6.     Phạm Huỳnh Hương Trang, Rồng và tiên trong lịch sử đồ tượng Việt Nam, Tuổi trẻ Chủ nhật, Số 12, 2001.
7.     Trang http://www.hoangthanhthanglong.vn/gach-ngoi-thoi-ly/1348, cập nhật ngày 20/06/2014.
8.     Lê Thanh Tịnh, Một hướng tìm hiểu nguồn gốc ngữ nghĩa của từ tố “lạc”, Tạp chí khảo cổ học, số 19, năm 1976.
9.     Chu Quang Trứ, Sáng giá Chùa xưa – Mỹ thuật Phật giáo, Nxb Mỹ thuật, 2012.
10.            Chu Quang Trứ, Mỹ thuật Lý - Trần, Mỹ thuật Phật giáo, Nxb Mỹ Thuật, 2012.
11.            Chu Quang Trứ, Văn hóa Việt Nam nhìn từ mỹ thuật, 2 tập, 2002.
12.            Lý Viết Trường, Ý nghĩa hoa Sen trong đạo Phật, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, Số 2, 2014.
13.            Lao Tử - Tịnh Lê, Từ điển Nho – Phật – Đạo, Nxb Văn học, 2001.
                                                                  Hà Nội, 20/06/2014
                                                                     Lý Viết Trường
                                                    K57, Lịch Sử, ĐH KHXH&NV, HN
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Phật học, Số 4 - 2014.



[1] Thời Lý tồn tại từ 1010 đến 1225, với 215 năm, trải qua 9 đời vua: Lý Công Uẩn (1010 – 1028); Lý Thái Tổ (1028 – 1054); Lý Thánh Tông (1054 – 1072); Lý Nhân Tông (1072 – 1127); Lý Thần Tông (1128 – 1138); Lý Anh Tông (1038 – 1175); Lý Cao Tông (1176 – 1210); Lý Huệ Tông (1211 – 1225); Lý Chiêu Hoàng (1224 – 1225).
[2] Hoàng Văn Khoán, Nguồn gốc con rồng, Thông báo Khoa học, Số 2, 2013, tr.57.
[3] Văn Tân, Vấn đề Tô – Tem của người Việt, Tạp chí Nguyên cứu lịch sử, số 2, 1959.
[4]. Văn Tân, Vài ý kiến đối với nhận định của ông Đào Duy Anh về vấn đề Tô – Tem của người Việt nguyên thủy, Tạp chí Nguyên cứu lịch sử, số 2, 1959.
[5] Hà Văn Tấn, Trở lại vấn đề Tô – tem của người Việt, Tạp chí Nguyên cứ lịch sử, Số 4, 1959.
[6] Phạm Huy Thông, Về nguồn gốc con rồng, Tạp chí Khảo cổ học, Số 1 – 2, 1988, tr.
[7] Chu Quang Trứ, Mỹ thuật Lý – Trần mỹ thuật Phật giáo, Nxb Mỹ thuật, 2012, tr.261.
[8] Ngô Sĩ Liên, Đại Việt Sử Kí Toàn Thư, Tập I, Nxb Khoa Học Xã Hội Hà Nội, H.2011.
[9] Hoàng Lương, Bàn góp thêm vấn đề Tô – Tem của người Việt nguyên thủy, KCH, Số 5, Tháng 7 năm 1959.
[10] Lê Thanh Tịnh, Một hướng tìm hiểu nguồn gốc ngữ nghĩa của từ tố “lạc”, Tạp chí khảo cổ học, số 19, năm 1976.
[11] Phạm Huỳnh Hương Trang, Rồng và tiên trong lịch sử đồ tượng Việt Nam, Tuổi trẻ Chủ nhật, Số 12, (1-4-2001).
[12] Xem thêm: Hoàng Văn Khoán, sđd, tr.53 – 54.
[13] Nguyễn Văn Hiệu, Từ hình tượng thực của con rồng Việt Nam đến tên Lạc Long Quân trong tiếng Việt, Tạp chí Khảo cổ học, Số 2, 1983, Tr.62 – 66.
[14] Hoàng Văn Khoán, Sđd, tr.56.
[15] Lao Tử - Thịnh Lê (chủ biên), Từ điển Nho - Phật - Đạo, sách dịch, Nxb Văn học, 2001, tr.1431.
[16] Hoàng Văn Khoán, Nguồn gốc con rồng, sđd, tr.58.
[17] Xem thêm: Lý Viết Trường, Ý nghĩa hoa Sen trong đạo Phật, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, Số 2, 2014.
[18] Lao Tử - Thịnh Lê, Từ điển Nho - Phật – Đạo, Sđd, tr.121.