Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

SỰ THẬT SẼ MÃI LÀ SỰ THẬT MÙA THU SẼ MÃI CÔ ĐƠN VÀ CHIẾC LÁ SẼ MÃI BUỒN

SỰ THẬT SẼ MÃI LÀ SỰ THẬT
MUA THU SẼ MÃI CÔ ĐƠN VÀ CHIẾC LÁ SẼ MÃI BUỒN
Vào một buổi chiều đầu thu lá tình cờ gặp cô bé có cái tên rất lạ và rất hay. Cái tên đó khiến lá thấy thú vị vô cùng, nó cũng thú vị như những cơn gió heo may đầu tiên bất chợt thổi qua làm mái tóc cô bé bay bay theo làn gió, làm cho đôi môi cô bé chợt ửng hồng.
Người ta nói mùa thu chợt đến rồi chợt đi mùa thu đẹp và buồn lắm. Trước giờ lá chưa bao giờ cảm nhận được điều đó. Thế nhưng cuộc sống có lắm chuyện bất ngờ, nó cũng chợt đến rồi chợt đi vội vã như mùa thu vậy. Một cơn gió mùa thu thật đẹp, thật hồn nhiên và dịu dàng bất chợt thổi đến làm cho trái tim của chiếc lá mới ngấp nghé tuổi đôi mươi rung động như chiếc lá phấn khích đón nhận những cơn mưa ngâu rả rích vuốt ve từng kẽ lá.
Lá thì thầm:
Mùa thu đẹp thế.
Mùa thu mưa ngâu.
Mùa thu đẹp mà đợm buồn.
Mùa thu là mùa Ngưu Lang – Chức Nữ gặp nhau. Mùa thu mùa chia ly.
Mùa thu đến rồi đi.
Mùa thu đến mang theo những tiếng cười, sự tin tưởng…
Mùa thu đi kéo theo biết bao mơ ước, biết bao lời hẹn câu thề…
Thu ơi. Dù biết thu buồn nhưng thu vẫn là mùa ta yêu nhất.
Dù lá biết mùa thu mang trong mình số phận bất hạnh, mùa thu mang trong mình nỗi đau chia ly, mùa thu làm cho người lá thấy tâm hồn mình lay lắt. Nhưng lá biết mùa thu không có tội, lá biết tạo hóa sinh ra mùa thu là để nó làm tròn cái thiên chức vốn có và nó không có quyền lựa chọn. Lá chấp nhận để vươn lên.
Những con gió heo may mùa thu ra đi kéo theo cô bé ra đi.
Heo may cùng cô bé kéo nhau đi để lại chiếc lá run rẩy đằng sau.
Lá muốn níu kéo, nhưng lá nghĩ “Cái gì là của mình thì sẽ là của mình” nên lá chỉ biết dõi theo.
Lá ước thầm “Heo may và cô bé kia sẽ hạnh phúc".
Chuyện tình của gió kết thúc thật nhanh và nhắn ngủi khi những cơn gió mùa đông bắc và mưa phùn còn chưa kịp về.
Chiếc lá không ngờ sự thật có sức mạnh như thế. Nhưng sự thật sẽ mãi là sự thật.
Vậy là chiếc lá sẽ mãi cô đơn một mình !!!

(Hà Nội: 00h19’, 31/08/2013)

Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

TÂM THẾ NGƯỜI VIỆT TRƯỚC BIỂN ĐÔNG TẢN MẠN DƯỚI VÀI CÂU CHUYỆN LỊCH SỬ

TÂM THẾ NGƯỜI VIỆT TRƯỚC BIỂN ĐÔNG
TẢN MẠN DƯỚI VÀI CÂU CHUYỆN LỊCH SỬ
Nước Việt trải qua ngàn năm lịch sử từ Văn Lang – Âu Lạc đến Đại Việt rồi Việt Nam luôn luôn phải đương đầu với giặc xâm lăng và thiên tai lũ lụt bởi nước Việt ngoài đường biên giới trên đất liền còn có 3200 km đường bờ biển.
Từ khi Nguyễn Ánh[1] lên ngôi đã lập tạo nên một chữ S Việt Nam từ cao nguyên đá Đồng Văn đến mũi Cà Mau đầy nắng gió biển khơi. Người mẹ Việt Nam từ thủa khai sinh đã luôn hiền từ ôm trọn hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ trải dài từ vịnh bắc bộ và phủ kín lấy quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ thủa nào.
Có một câu chuyện trong muôn vàn câu chuyện mà tôi với các bạn vẫn thường đem ra bàn với nhau trong những giờ rảnh rỗi đó là “Nước Việt hướng biển hay quay lưng lại với biển đông[2] câu trả lời sẽ chỉ có một mà thôi, cụ thể:
1.      Câu chuyện cổ tích “Con rồng cháu tiên”.
Khi xưa mẹ Âu Cơ sinh trăm con, 50 con theo cha lên rừng 50 con theo mẹ xuống biển[3] rồi khai sinh lập địa ra đất nước Việt Nam như ngày hôm nay.
Câu chuyện cổ tích Con rồng cháu tiên là niềm tự hào của biết bao thế hệ người Việt, đồng thời câu chuyện cũng chứa đựng đầy tính triết lý, cụ thể:
Hình ảnh Lạc Long Quân khỏe mạnh, khôi ngô tuấn tú vốn là thần, là người trên cạn đại diện cho thành phần “Săn bắt”[4] mà săn bắn thì cần sức khỏe là sự nhanh nhẹn nên thường phù hợp với người đàn ông.
Hình ảnh mẹ Âu Cơ xinh đẹp, hiền hậu vốn là tiên là thành phần đại diện cho “Hái lượm” mà hái lượm thì cần sự tỉ mỷ, nhẫn nại nên phù hợp với người phụ nữ.
Hai con người đại diện cho hai thuộc tính gặp nhau rồi kết duyên và sinh ra bọc trăm trứng. Hai thành phần hợp lại thành một đất nước, đất nước nông nghiệp với kinh tế chính là săn bắt và hái lượm.
Rõ ràng 50 con theo mẹ Âu Cơ xuống biển chính là thể hiện ý thức tiến ra biển, khai thác biển và chiếm giữ biển đông. Chủ quyền trên biển đông của ta đã được khẳng định từ trong những câu chuyện cổ tích.
2.      Cột đá chùa Dạm và dấu ấn biển[5].
Chùa Dạm, hay chùa Rạm,[1] tên chữ là Đại Lãm Thần Quang tự, hay còn gọi là chùa Bà Tấm, chùa Cao, chùa Trăm Gian (vì ngày xưa chùa có 100 gian nhưng không phải chùa Trăm Gian thuộc địa phận Hà Nội), cũng được gọi là chùa Lãm Sơn, theo tên núi. Chùa dựa vào núi Dạm, nhìn về phía sông Đuống, ngày xưa thuộc xã Lãm Sơn Trung, tổng Lãm Sơn Nam, huyện Quế Dương, nay là xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, là đại danh lam từ thời Lý và là một di tích quan trọng của tỉnh Bắc Ninh ngày nay với lịch sử gần 1.000 năm.
Trên đá xây có chạm hoa văn sóng nước, nét hoa văn to nổi khối, do chạm sâu. Trên nền tầng này, ở khoảng giữa ba lối cửa, bên phải chùa có khu đất vuông, cạnh 7 m, cao 2 m, kè đá chạm văn sóng nước thời Lý.
Hình ảnh
Cột đá Chùa Dạm
Hình ảnh
Dấu tích chân tháp nằm ở phía đối diện với cột đá
Đối diện với khu đất vuông này qua lối cửa giữa, bên trái cũng có một khu đất nổi, nhưng hình tròn đường kính khoảng 4,5 m, cao 1 m, cũng kè đá chạm hoa văn sóng nước Lý.
Hoa văn sóng nước chính là ý thức biển của người chăm, trên thân lại có tạc hình rồng thời Lý[6]. Ở cây cột đá có sự hòa quện giữa văn hóa Việt và văn hóa Chăm rõ nét.
Chính ý thức biển (những hình sóng nước) đã phần nào nói lên tư duy biển rất mạnh của người Chămpa. Đây là một ví dụ điển hình trong việc góp phần khẳng định người Việt[7] có tư duy hướng biển hay đông tiến.
3.      Nhà Nguyễn và Hải đội Hoàng Sa.
Đội Hoàng Sa, hay Hải đội Hoàng Sa, là tên gọi chung của đội tàu hàng hải do chính quyền chúa Nguyễn xứ Đàng Trong lập ra từ thế kỷ 17 với mục đích ban đầu là hàng năm đi thuyền từ Quảng Ngãi ra các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa để khai thác hải sản và thu nhặt các hàng hóa do các tàu buôn bị đắm và trôi dạt vào các đảo này.
Công việc chính của hải đội Hoàng Sa là “Mỗi năm luân phiên nhau đi, tháng giêng nhận giấy làm sai dịch, được cấp phát mỗi người sáu tháng lương, chèo năm chiếc thuyền câu nhỏ ra ngoài biển, phải mất ba ngày ba đêm mới đến đảo. Ở đó họ tha hồ bắt chim, bắt cá mà ăn. Họ thu được những đồ vật của tàu (bị đắm) như gươm và ngựa bằng đồng, hoa bạc, tiền bạc, vòng bạc, đồ đồng, thiếc khối, chì, súng, ngà voi, sáp ong vàng, chiêng, đồ sứ,...Họ còn lượm thật nhiều vỏ đồi mồi, hải sâm và hạt ốc vân. Đến tháng 8 thì họ trở về, và cửa Yêu rồi tới thành Phú Xuân để nạp các thứ lượm được. Sau khi cân, phân loại và định giá mới cho họ bán riêng vài thứ như ốc vân, hải ba và hải sâm. Xong, họ được lãnh bằng để về nhà, những thứ lượm được khi nhiều, khi ít không nhất định, có lần họ cũng phải về không”[8].
Từ thế kỷ 17 các chúa Nguyễn ở đàng trong và sau này là nhà Nguyễn vẫn luôn luôn có ý thức, khẳng định và khai thác chủ quyền ở hai quân đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Sự khẳng định này diễn ra ổn định và kéo dài đến khi nhà Nguyễn bị thực dân phương tây và Pháp gây hấn rồi chính thức nổ súng xâm lược bán đảo Sơn Trà Đà Nẵng khiến hải đội không có điều kiện hoạt động thì hải đội mới giải tán.
Chính những hành động này của các chúa Nguyễn và nhà Nguyễn đã khẳng định rằng nước Việt không hề quay lưng lại với biển mà luôn luôn ý thức được quyền và trách nhiệm của mình trong việc chiếm hữu và khai thác biển đông.
4.      Sự kiện Vịnh Bắc Bộ.
Ngày 08/1963, nhằm mục đích tạo ra cái cớ để tiến đánh miền Bắc Việt Nam xã hội chủ nghĩa nên Mỹ đã tạo dựng nên sự kiện Vịnh Bắc Bộ hòng che mắt thế giới và tiến ra miền Bắc hợp pháp.
Hình chụp từ tàu USS "Maddox" hiển thị ba tàu ngư lôi miền Bắc Việt Nam
Sự kiện Vịnh Bắc Bộ đã khẳng định quyết tâm bám biển, giữ biển bằng bất cứ giá nào dù có phải hi sinh cả tính mạng của mình. Thực tế đã chứng minh không phải lúc nào kẻ mạnh cũng chiến thắng mà chiến thắng thường thuộc về chân lý. Sự kiện Vịnh Bắc Bộ đã khiến cho hải quân Việt Nam tổn thất nặng nề nhưng họ không hề nản chí mà tinh thần Vịnh Bắc Bộ sẽ, đã và mãi là bài học là tấm gương để con cháu sau này noi theo.
5.      Kết luận.
Qua những sự kiện lịch sử kể trên đã phần nào khẳng định rằng người Việt không những không quay lưng lại với biển mà còn luôn luôn ý thức phải hướng biển và khai thác biển.
Ý thức được điều đó lớp lớp những thế hệ thanh nhiên chúng ta phải cùng nhau có trách nhiệm giữ và quyết không để mất một tấc đất của tổ tiên để lại.
Lý Viết Trường
K57, lịch sử, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, HN
SDT: 01636.302.985



[1] Năm 1802 Nguyễn Ánh lên ngôi đã thống nhất Việt Nam thành hình thù chữ S như ngày hôm nay.
[2] Thực tế hiện nay có nhiều tác giả, nhiều quan điểm cho rằng người Việt có tư duy hướng nội, gần rừng xa biển…
[3] Có thể khẳng định đây chính là quá trình đông tiến, tiến về biển của người Việt.
[4] Để hình thành một xã hội thì hai yếu tố quan trọng nhất là Săn bắt và hái lượm.
[5] Trong bài này tôi không đi sâu mô tả về đặc điểm của cột đá mà chỉ đi vào phân tích hình ảnh sóng nước xung quanh cột đá.
[6] Đoạn dưới phần trụ tròn này chạm nổi đôi rồng phong cách thời Lý đầu vươn cao chầu vào viên ngọc tỏa sáng, thân quấn quanh cột, đuôi ngoắc vào nhau. Hình dáng rồng giống dạng rồng rắn thời Lý với mào bốc lửabờm thành búi như cờ đuôi nheo bay lướt, thân tròn lẳn uốn khúc thoăn thoắt, chân chim năm móng. Đôi rồng nổi bật giữa các hoa văn phụ hình hoa dây móc, tinh xảo. Thân rồng to, mập uốn khúc quanh cột. Hai chân phía trước của rồng có móng sắc, nhọn, giơ cao nâng viên ngọc dưới cằm.
[7] ở đây là sự kết hợp giữa Đại Việt, Chăm Pa, Phù Nam (óc eo).
[8] Theo Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn - NXB Giáo dục 2007, tập 2, trang 148.

Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

CÁCH MẠNG THÁNG TÁM, 1945 THẮNG LỢI ĐƯỢC DỰ BÁO TỪ TRƯỚC

CÁCH MẠNG THÁNG TÁM, 1945 THẮNG LỢI ĐƯỢC DỰ BÁO TỪ TRƯỚC
Đã 63 năm ngày tổng khởi nghĩa giành chính quyền trôi qua (19/08/1945 – 19/08/2013), nhưng sức sống của nó vẫn luôn nóng hổi.
Cách mạng tháng tám, 1945 với những ý nghĩa lớn lao đã mang lại cho toàn thể nhân dân Việt Nam. Cờ đỏ sao vàng tung bay trên khắp đất nước hình chữ S đã 63 năm nhưng nó vẫn vẹn nguyên màu hồng chân lý.
Cách mạng tháng tám, 1945 luôn là chủ đề được nhiều học giả sử học, văn hóa… trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu.
1.      Những quan điểm xung quanh sự kiện 19/08/1945.
Một số ý kiến cho rằng thắng lợi của cuộc cách mạng tháng tám, 1945 có tồn tại những “Khoảng trống quyền lực”[1]. Tiêu biểu là ý kiến của nhà sử học Sten Tonnesson ông cho rằng “Sự vắng mặt của Pháp và Đồng minh, sự thiếu quyết tâm của người Nhật”[2] chính là khoảng trống quyền lực. Vì thế ông nhấn mạnh “Khoảng trống quyền lực sau sự đầu hàng của Nhật ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn... là chủ yếu trong bất cứ sự giải thích nào về cách mạng Việt Nam”[3]. Còn một ký giả người Pháp Phillip Devillers cho rằng “Cuộc cách mạng không phải là sự bùng nổ… Chỉ có một sự hội tụ kỳ lạ các điều kiện mới khiến cho cách mạng thực hiện được”[4].
Trên là một vài quan điểm của các sử gia phương tây cho rằng cách mạng tháng tám, 1945 có tồn tại “Khoảng trống quyền lực” và chính điều đó là nguyên nhân chính dẫn đến sự thắng lợi của cuộc cách mạng này. Tuy nhiên những quan điểm đó có phần chủ quan, không thuyết phục và họ đã bị những nhà sử gia Việt Nam và thế giới phản bác lại, cụ thể:
Theo nhà sử học Alain Ruscio thì cách mạng tháng tám “Không chỉ là sự kiện gây bất ngờ, mà đó cũng là sự tất yếu mang tính lôgích trong lịch sử phong trào đấu tranh của dân tộc Việt Nam”[5]. Còn theo PGS.TS Phạm Xanh thì “Cách mạng tháng tám thắng lợi là sự sáng suốt và biết nắm bắt thời cơ của đảng và nhân dân ta”.
Thực ra cách mạng tháng tám thành công là kết quả của sự chuẩn bị lâu dài, tinh thần đoàn kết sức mạnh dân tộc và chớp thời cơ nhanh chóng của đảng và toàn dân ta.
2.      Cách mạng tháng tám, thắng lợi đã được chuẩn bị từ lâu.
Đảng ta từ khi thành lập[6] đã sáng suốt lãnh đạo nhân dân thực hiện các phong trào cách mạng 1930 – 1931 và phong trào dân chủ 1936 – 1939. Đây là hai lần tập dượt quan trọng chuẩn bị kinh nghiệm lãnh đạo, kinh nghiệm tập hợp quần chúng… cho sự thắng lợi của cách mạng tháng tám sau này.
Ngay từ năm 1940 đảng đã lãnh đạo cho bộ chính trị trung ương đảng và toàn dân chuẩn bị sắm sửa vũ khí, trang bị quân nhu yếu phẩm, chuẩn bị căn cứ, chuẩn bị người…. nhằm chuẩn bị mọi điều kiện thuận lợi nhất chờ khi thời cơ đến thì lập tức đứng lên dành chính quyền về tay nhân dân. Đó là sự lãnh đạo sáng suốt của đảng mà đứng đầu là chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ta có thể khẳng định cách mạng tháng tám, 1945 thành công là thành quả của sự chuẩn bị lâu dài và sáng suốt của toàn đảng và toàn dân ta.
3.      Cách mạng tháng tám, thắng lợi đã được dự báo từ trước.
Thực tế chiến thắng năm 1945 đã được chủ tịch Hồ Chí Minh dự báo từ năm 1941 trong thư gửi đồng bào toàn quốc với nội dung “Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng ở trong một năm hoặc năm rưỡu nữa. Thời gian rất gấp ta phải làm nhanh”[7].
Qua nghiên cứu tình hình trong nước và thế giới Người đã dự báo chính xác tình hình và lãnh đạo nhân dân đứng dậy tổng khởi nghĩa khi thời cơ đến[8] làm nên chiến thắng huy hoàng lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Một đất nước quả cảm một dân tộc anh hùng sản sinh ra những con người kiệt xuất đã làm nên chiến thắng lịch sử mãi mãi không thể nào quên. Đất nước ta từ năm 1945 đã trải qua hai lần “Chớp thời cơ” để làm nên một việt Nam như ngày hôm nay[9]. Hiện nay Việt Nam cũng đang cần sự lãnh đạo sáng suốt hay một cuộc cải cách ngoạn mục để đưa Việt Nam mãi mãi trường tồn.
4.      Kết luận.
Cách mạng tháng tám thắng lợi là thành quả của sự chuẩn bị lâu dài và sáng tạo đầy quả cảm của toàn dân ta[10].
Ngày chiến thắng đã lùi xa nhưng những dư âm của nó đã, vẫn và sẽ còn mãi vang vọng trong lòng những người con đất nước Việt Nam.
Cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới thể hiện một niềm tin vào tương lai bất diệt của “Sông núi nước Nam vua Nam ở”[11].
Tài liệu tham khảo
1.      Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội – 2002, t.6, tr.159.
2.      Lê Trung Dũng, Thái độ của các nước đồng minh với vấn đề Đông Dương trong thời kì cách mạng tháng tám, Số 4/2000, Tr.30-37.
3.      Nguyễn Văn Nhật, Cách mạng tháng tám – Biểu tượng sức mạnh tổng hợp mọi tầng lớp nhân dân vì mục tiêu độc lập dân tộc, Tạp chí nghiên cứu lịch sử, Số 4/2000, Tr.22-29.
4.      Sơ thảo lịch sử Cách Mạng Tháng 8 Thừa – Thiên – Huế, Ban nghiên cứu lịch sử đảng Tỉnh Thừa Thiên Huế, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1970.
8: Tìm hiểu Cách mạng tháng tám, Ban nghiên cứu lịch sử đảng , Nxb Sự thật, Hà Nội, 1967.
5.      Trần Hữu Tình, Tính chủ động, sáng tạo của đảng và chủ tịch Hồ Chí Minh trong cách mạng tháng tám, Tạp chí nghiên cứu lịch sử, Số 4/2000, Tr.16-21.
6.      Trần Nhâm, Đảng ta với nghệ thuật nắm bắt thời cơ trong cách mạng tháng tám năm 1945, Tạp chí lịch sử đảng, Số 8, Tr.8.
11: Vũ Thị Kiều Phương, “Việt Nam độc lập năm 1945” một dự đoán thiên tài của chủ tịch Hồ Chí Minh, Tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam, Số 11.



[1] Sự thiếu vắng một chính quyền đủ mạnh để kiểm soát đất nước.
[2] TS Trần Tăng Khởi, Bàn thêm về thời cơ trong cách mạng tháng tám, Tạp chí lịch sử đảng, Số 9, Tr.53
[3] StenTonnesson: The Vietnamese Revolution of 1945 – Roosevelt, Ho Chi Minh and De Gaulle in a World at War, Sage Publication London – New Deihi, 1991, p.412.
[4] Các điều kiện ấy là Nhật đảo chính Pháp, nạn đói năm Ất Dậu, tình trạng (gần như) vô chính phủ ở Việt Nam. Theo Devillers, nếu không có “sự hội tụ kỳ lạ” những việc này, Việt Minh “khó có cơ may... để thắng được cấu trúc mạnh mẽ của Pháp…
[6] Đảng cộng sản Việt Nam thành lập ngày 03/02/1930.
[7] Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, CTQG, H, 2000, T.7, tr.130, 427, 427, 427, 353.
[8] Pháp chạy, Nhật Hàng, Bảo Đại hoang mang, quân Đồng Minh chưa kịp kéo vào.
[9] Hai lần chớp thời cơ đó là:
Lần thứ nhất: Cách mạng tháng tám, 1945.
Lần thứ hai: Cuộc cải cách và đổi mới năm 1986.
[10] Nói Cách mạng tháng tám, 1945 tồn tại khoảng trống quyền lực là sai, thực tế khi giành chính quyền 19/08/1945 trên mảnh đất hình chữ S vẫn tồn tại chính quyền phong Kiến mà đứng đầu là vua Bảo Đại, chính phủ Trần Trọng Kim vẫn chưa giải tán, quân Nhật vẫn đóng trên đất nước này.
[11] Thơ Nam Quốc Sơn Hà

Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

NHỚ THỰC TẬP KHẢO CỔ 2013

NHỚ THỰC TẬP KHẢO CỔ 2013
Đi đào khảo cổ thật hay
Sinh viên khoa sử chân tay lấm bùn
Nắng mưa đốt cháy da “Tun”[1]
Cô Dung[2] lại trổ tiếng Bun[3] ra đùa.

Anh Tâm[4] thì lại được mùa
Buôn lê, chém gió chẳng thua “Thằng” nào
Diễm Hằng[5] “Chói lóa”[6] chiêm bao
Sếp Mạnh[7] miệng cứ kêu gào “Rảo tay”[8].

Đi đào khảo cổ là đây
Nhân Văn[9] quả thật chuyện này nhớ giai
Màn đêm buông xuống thật dài
Này đây “Học hộ”[10] thật tài Thành Đô.

Làm sao không sợ hỡi cô
Một ô đất nhỏ nấm mồ liệt la[11]
Nhiều người yếu vía sợ ma[12]
Sếp tôi lại phải hát ca tinh thần.

Anh đây đã bấy nhiêu lần
Vào Nam, ra Bắc chẳng cần nghĩ suy
Bọn bay nghĩ ngợi làm gì
Chúng ta làm phước sợ gì hồn ma.

Thế rồi ngày tháng trôi qua
Sinh viên năm nhất chúng ta thật tài
Bao nhiêu lý thuyết học hoài
Giờ đây khai quật miệt mài mới hay.

Đi đào khảo cổ thật hay
“Đi – Đào – Đau Đầu” cả ngày đùa đâu
Tối về thức suốt đêm thâu
Hàn huyên tâm sự chuyện mày chuyện tao.

Em kia mày thấy thế nào
Xua tay Tính[13] nói để tao “Cưa” nàng
Thế rồi cả hội cười vang
Ngày mai ra hố[14] anh chàng tỉ tê.

Bao lời ước hẹn câu thề
Anh chàng đã chót say mê mất rồi
Tối về hai đứa đi chơi
Sữa chua, thạch đá để mời nữ xinh.

Nào ai hiểu được sự tình
Lam Sơn[15] thế võ quê mình phơi ra
Xuân Tính đánh thật hay mà
Cái đêm hôm đó quả là hay ghê.

Quên sao cái bữa cơm khê
Canh thừa muối, đặc sản quê mình đó
Quên sao được bữa cá kho
Rồi nem tai ấy được cô khen hoài[16].

Ăn rồi lại nghĩ ngày mai
Người quốc người đập mệt mài siêng năng
Giờ chia xa xin nhớ rằng
Tháng năm khảo cổ vẫn hằng khắc ghi.

Chia ly chẳng nói được gì
Dặn dò nhau cứ mỗi khi đến mùa
Lại về Lai Xã[17] mà mua
Cơm khê[18] canh mặn[19] cái mùa xa xăm.

Nhớ hôm thày Kế[20] xuống thăm
Giọng thày ấm áp hỏi thăm từng người
Nói rồi thày miệng mỉm cười
Nụ cười tỏa sáng muôn lời ước ao.

Nhớ về thực tập hôm nào
Anh em ta lại chiêm bao giấc nồng
Bạn ơi còn nhớ hay không
Còn tôi vẫn nhớ tấm lòng Nhân Văn.

Bạn ơi có thể quên chăng
Mồ hôi nước mắt ánh trăng rạng ngời
Biết bao thế sự trên đời
Suốt đời ta kể chuyện người trăm năm.
Xứ Lạng, 15/08/2013




[1]  Anh  Nguyễn Thanh Tùng
[2]  PGS.TS. Lâm Mỹ Dung
[3]  Tiếng Bungari
[4]  Anh Nguyễn Tuấn Tâm
[5]  Bùi Thị Diễm Hằng
[6] Bài hát Ánh sáng chói lóa do bạn Hằng trình bày
[7]  Anh Nguyễn Hữu Mạnh
[8]  Nghĩa là nhanh tay “Rảo cái tay lên”
[9]  Sinh viên trường Nhân Văn
[10]  Biển chữ điện tử của trường ĐH Thành Đô hỏng và sót lại “Đi Học Hộ”
[11]  Hố rộng 20 m có hơn chục nấm mồ
[12] Nhiều bạn suy nghĩ tiêu cực
[13]  Đường Xuân Tính
[14]  Hố khai quật
[15] Võ Lam Sơn, chuyện dài của Tính
[16]  Món nem tai của bạn Giang Thị Lâm được cô Dung rất thích
[17]  Làng Lai Xã, Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội nơi đoàn chúng tôi thực tập
[18] Những bữa cơm khê
[19] Những món canh mặn
[20]  PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế, chủ nhiệm khoa Sử, người thày đáng kính xuống thăm đoàn thực tập
Toàn cảnh hố khai quật
Toàn cảnh hố khai quật
Thực đơn một bữa ăn thịnh soạn
Thực đơn một bữa ăn thịnh soạn
Đào và đạp đất
Đào và đạp đất
Buổi liên hoan
Buổi liên hoan
Làm đến tối
Làm đến tối
Bữa liên hoan chia tay
Bữa liên hoan chia tay
Chụp ảnh lưu niệm
Chụp ảnh lưu niệm
Chụp cùng sếp Mạnh và Đường Xuân Tính
Chụp cùng sếp Mạnh và Đường Xuân Tính