1. Người Miền núi
Tôi sinh ra ở một vùng quê miền núi hẻo lánh nơi bốn bề chỉ có núi và núi, sáng mở mắt ra nhìn núi tối nằm mơ còn nghe tiếng gió xào xạc của rừng.
Thế rồi tôi đỗ đại học, tôi mang xuống Hà nội cái chân chất thật thà của chàng trai xứ nghèo, tôi quen những con người xứ khác, tôi nhìn họ với con mắt lạ lẫm, nhưng chẳng bao lâu tôi đã thích nghi và không hề thua kém họ, giờ đây tôi mới biết con người dù ở miền núi hay đồng bằng đều có chung một cái gốc là người Việt Nam nên họ sớm thích nghi và vươn lên sánh ngang với nhau cùng vươn lên để thực hiện những ước mơ của mình.
Tôi tìm quen một người sinh ra từ miền núi như tôi nhưng đã xuống Hà Nội từ lâu và nay đã thành danh trong làng khoa học, đó là Thày tôi, Thày vẫn giản dị và luôn hướng tâm về với quê hương. Trong gia đình Thày vẫn có hồn Xứ lạng, vẫn còn cái chất của người Nùng. Tôi được Thày và gia đình giúp đỡ rất nhiều, tôi nhận thức được điều đó nên tôi sẽ cố gắng nhiều hơn trong học tập và cuộc sống để không phụ công của Thày.
Trong quãng đời sinh sống ở Hà Nội tôi quen những người ở Hà Nội, những con người mang danh sâu sắc và vô cùng lịch thiệp.
<photo id="3" />
2. Người Hà Nội
Bác là người Hà Nội gốc, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội rồi sau này lấy chồng là người Tày ở Việt Bắc. Bác là chủ một hiệu sách nhỏ bên trong trường Nhân văn, chỗ thư viện nhà E.
Nhà sách của Bác dù diện tích nhỏ nhưng luôn là nơi để mấy tụi sinh viên khoa Sử, Văn, Chính trị... tụ tập để bàn, để nói, để bình... đủ thứ chuyện trên đời cho qua cái giờ nghỉ, cũng có lúc tôi ngồi ở sạp sách đến cả buổi chiều chỉ để đọc một cuốn sách hoặc nói chuyện với Bác bán sách. Đủ thứ chuyện trên đời từ cái cốc, cái bát cho đến những thứ to tát như Biển Đông hay nước Nga xa xôi.
Thế rồi sau tết Giáp Ngọ Bác thôi không bán sách nữa, chúng tôi lưu luyến lắm. Lưu luyến vì từ nay chúng tôi thiếu đi một người nói chuyện hay, hiểu biết rộng có thể tiếp chuyện được với tất cả mọi người và hơn nữa là thiếu đi cái nơi để tụ tập một cách lý thú.
Nhưng thi thoảng chúng tôi vẫn đến hoặc được mời đến nhà Bác chơi, Bác nhiệt tình lắm, Bác hẹn: "Tụi mày khi nào cần tài liệu mà Bác có thì cứ alo, nếu Bác có Bác sẽ giúp đỡ nhiệt tình, tụi mày có thể ngồi cả ngày tại nhà Bác đọc, Bác sẽ pha mì tôm cho tụi mày ăn".
Còn tôi thì lâu lâu lại được Bác gửi tặng 1 2 quyển sách, khi thì sách học Hán Nôm, lúc thì sách Phật giáo, sách quý có, sách bình thường có. Bác còn hứa sẽ mời tôi bữa bún đúng kiểu người Hà Nội.
Nói đến đây thôi tôi đã cảm nhận được chút nào cái sự nhiệt tình và cái tâm của người Hà Nội gốc. Tôi đem so sánh Bác với nhân vật chính trong tác phẩm MỘT NGƯỜI HÀ NỘI của Nguyễn Khải mà thấy chao ôi có hàng ngàn điểm giống nhau, hẳn là người Hà Nội gốc xưa và nay vẫn thế.
Còn nhiều nữa những người Hà Nội gốc mà tôi quen, họ sống rất sâu sắc, ăn nói rất duyên và có cái gì đó rất Hà Nội.
Tôi mới sống ở Hà Nội hơn 2 năm, mới nhìn Hà Nội hơn 2 năm, nhưng có lẽ tôi sẽ mãi nhớ về Hà Nội, nhớ mãi cho đến khi nào nhắm mắt xuôi tay.
<photo id="4" />
3. Người miền Trung
Thế rồi như một cơ duyên tôi quen những người bạn miền Trung, có lẽ tôi có tiền kiếp với người Xứ Nghệ.
Vừa nhập học vài ngày tôi đã cảm nắng một người con gái xứ Nghệ, cô ấy có mái tóc dài và giọng nói ngọt đến lạ. Tôi vẫn nhớ hoài những câu thơ trong bài: "Hoa cỏ may" mà cô ấy đọc cho tôi nghe những lần gặp nhau.
Dù rằng sau đó chúng tôi chẳng tiến xa hơn tình bạn nhưng chúng tôi vẫn giữ cho nhau những kỷ niệm đẹp thời còn là tân sinh viên.
Tiếp theo tôi còn quen thêm rất nhiều người miền Trung nữa, trai có gái có, tuy nhiên nhiều hơn vẫn là gái và nhiều hơn cả vẫn là người xứ Nghệ.
Có lẽ suốt đời sinh viên của tôi hình ảnh về con người xứ Nghệ sẽ là một mảnh ghép mang tên Sinh viên.
Thời gian trôi qua, tôi có thêm nhiều hơn những mối quan hệ bạn bè, ngoài miền Trung tôi quen cả miền Nam, nhưng thú vị là tất cả đều là quen từ mạng xã hội Facebook.
<photo id="5" />
4. Người miền Nam
Sáng nay nhận được tin nhắn từ một người bạn trong đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, TPHCM nhắn cho là đang ở bảo tàng Nhân học đó, lát lên gặp nhé. Vốn mình đang cần chuyển một vài quyển sách vào Nam cho người quen nhưng lâu nay ngại gửi vì tiền bưu điện hơi đắt. Hôm nay gặp được anh, gửi được anh mang vài quyển sách vào cho một người anh ở Nam.
Tôi quen anh qua mạng xã hội, nói chuyện rồi anh biết tôi thích đọc sách, anh chuyển ra cho tôi mấy quyển sách mà ngoài Bắc không bán, tôi vô cùng cảm kích khi anh chưa hề gặp tôi mà anh vẫn gửi cho tôi, đó là cái tình của người Nam, cái sự tin tưởng của những con người cùng chung dòng máu Việt Nam.
Vốn nghe tiếng dân miền Nam sống thoáng và đã tin nhau thì không hề nghi ngại bất cứ thứ gì, họ sống bằng cái niềm tin tưởng. Nay tôi lại càng thấm đượm hơn cái tình cảm đó, thấm đượm rồi tôi lại càng thấy yêu hơn cái đất nước hình chữ S: và những con người sinh sống trên mảnh đất này.
<photo id="6" />
5. Người Việt Nam
Người Việt Nam máu đỏ da vàng, mỗi người trên khắp đất nước này từ Lạng Sơn đến Mũi Cà Mau đều mang trong mình dòng máu Việt Nam.
Từ miền núi xuống Hà Nội vào miền Nam tôi đã cảm nhận được cái Tình của người Việt, chữ Tình viết lên từ sự tin tưởng, từ chữ Tâm.
Với những gì trên đây tôi tin rằng sẽ có ngày nước Việt ta mở mày mở mặt với Thiên hạ năm châu.
<photo id="2" />
Hà Nội.24/09/2014
Lý Viết Trường