Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

LÒNG CHỢT BUỒN VÀ TRÁI TIM RUNG LÊN VÌ SỰ LẠNH LÙNG CỦA NHỮNG CƠN GIÓ LẠNH ĐẦU ĐÔNG


LÒNG CHỢT BUỒN VÀ TRÁI TIM RUNG LÊN VÌ SỰ LẠNH LÙNG
CỦA NHỮNG CƠN GIÓ LẠNH ĐẦU ĐÔNG
Tôi chẳng biết những ngọn gió lạnh đầu đông chiếm lấy tâm hồn tôi từ khi nào, tôi chỉ biết rằng mỗi khi nó thổi qua lại làm người tôi run lên bần bật và hai hàm răng va vào nhau nghe chan chát.
Cơn gió mang trong mình sự ấm áp.
Có người sẽ ngạc nhiên khi nghe tôi nói câu này, bởi lẽ họ nghĩ rằng “Những cơn gió lạnh kia thì làm sao lại có thể mang lại sự ấm áp được cơ chứ, thậm chí nó còn đem đến cho người ta sự lạnh lẽo và cảm giác cô đơn”.
Họ nào có hiểu rằng nhờ có những cơn gió lạnh mùa đông mà người ta được thu mình trong chiếc chăn ấm áp và mơ màng ngắm những làn mưa phùn Hà Nội thật đẹp và nên thơ. Đó là một thú vui của những con người có tâm hồn mộng mơ, ưa lãng mạn và một chút “Phiêu”, cần lắm chứ “Giữa cuộc sống xô bồ này nhiều khi người ta cần sống chậm lại và nhìn cuộc đời theo cái nhìn Nhân Văn”.
Họ nào có hiểu rằng nhờ có những cơn gió lạnh mùa đông mà những bàn tay của các cặp tình nhân được nắm lấy nhau không hề ngại ngần, lúc đó trái tim họ như cảm nhận được ngọn lửa tình yêu ấm nồng từ hai trái tim căng tràn sức sống gửi cho nhau thật tự nhiên mà cũng thật thầm kín và dưới làn mưa phùn đầu đông có một người con gái, một người con trai mới tuổi đương xuân hây hẩy dạo bước dưới những tán cây Xà Cừ cổ thụ, nhìn họ rất đẹp đôi, họ cười, họ nói và họ chao nhau những ánh nhìn diệu kỳ làm cái lạnh mùa đông như tan biến mất.
Thật hạnh phúc làm sao.
Họ cũng nào có hiểu rằng những cơn gió lạnh đầu đông còn đem lại cho ánh mắt của những chàng trai thêm đẹp, những đôi môi của các cô gái thêm hồng. Họ chờ nhau, họ nhớ nhau, nhớ về những tháng ngày sánh bước bên nhau dưới những con phố vừa hiện đại vừa mơ màng cổ kính làm sao.
Cơn gió mang trong mình nỗi hờn ghen vu vơ.
Mùa đông vốn buồn mà đẹp. Đẹp đến nao lòng, nó đẹp ngay cả trong khi người ta giận nhau, hờn nhau và trách móc nhau.
Ôi. Tình yêu nó thật diệu kỳ, vì nó diệu kỳ nên nó thật khó hiểu. Mới ngày nào họ còn thân thiết nói cười với nhau, ấy vậy mà hôm nay họ đã giận nhau, hờn nhau. Mọi chuyện diễn ra nhanh tương tự như cơn gió đầu đông kia mới hôm qua trời còn nóng nực ấy vậy mà sáng nay nó chợt đến rồi chợt làm người ta nao lòng. Thật khó đoán làm sao.
Từng cơn gió len lỏi qua tấm áo mỏng manh của bất cứ người nào có tâm hồn lãng mạn đương ngồi trên ghế đá góc sân trường kia. Nó cứ từ từ len lỏi vào trong cơ thể rồi đi sâu vào trái tim nhỏ bé rồi làm tâm hồn người ta lạnh buốt, cần lắm một nụ cười để xua đi cái lạnh khó tả này, cần lắm. Ai cho tôi một nụ cười ?
Cơn gió đầu đông đến mang theo làn mưa bụi bay lất phất tựa như những giọt nước mắt hờn ghen của những đôi trai gái giận hờn vu vơ nơi góc sân trường thủa nào. Những cơn mưa thật trong, những giọt nước mắt long lanh và có sức mạnh đâm xuyên vào trái tim của bất cứ người nào mà nó muốn tấn công. Thật lạ.
Gió lạnh đầu đông.
Tình yêu đầu đời.
Có lẽ nào là như thế.
Ở nơi đó có bóng dáng một người.
Vẫn biết là thế nhưng tôi và các bạn hãy thống nhất với nhau rằng “Gió lạnh đầu đông cũng như tình yêu đầu đời của bất cứ đôi trai gái nào, nó chợt đến nhưng nó sẽ mãi đi cùng ta không chỉ ba tháng mùa đông mà hãy còn sống mãi trong trái tim của bất cứ chàng trai, cô gái nào”.
Hà Nội: Một ngày đầu đông.
26/09/2013.

Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

NHỮNG GIỌT NƯỚC MẮT ĐÃ TUÔN RƠI KHI NGHE VỀ “VINH DỰ - TỰ HÀO – TRÁCH NHIỆM” CỦA SINH VIÊN NHÂN VĂN

NHỮNG GIỌT NƯỚC MẮT ĐÃ TUÔN RƠI KHI NGHE VỀ
“VINH DỰ - TỰ HÀO – TRÁCH NHIỆM” CỦA SINH VIÊN NHÂN VĂN
Hôm nay ngày 07/09/2013, đã có hai trong ba đợt học chính trị đầu năm trôi qua với gần 1000 lượt tân sinh viên tham gia.
Các bạn tân sinh viên được thày phó hiệu trưởng PGS.TS Nguyễn Văn Kim ôn lại truyền thống, lịch sử hình thành và phát triển của trường đại học Văn Khoa (xưa) đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (nay), đại học Tổng hợp (xưa) đại học Quốc gia Hà Nội (nay). Rồi nghe thày Liệu trưởng phòng công tác chính trị sinh viên phổ biến những quy định, quy chế của trường và nghe giới thiệu về đoàn thanh niên – hội sinh viên cùng các câu lạc bộ, tổ, hội, đội và nhóm trong trường.
Nhưng xúc động nhất có lẽ vẫn là phần tâm sự của thày về 3 điều mà bất cứ ai cũng phải có khí vào trường NHÂN VĂN, cụ thể ba điều đó là:
VINH DỰ: “Các em ạ chúng ta đã và đang được ngồi trong ngôi trường này, được ngồi học chính trị trên tầng 8 nhà E tại một hội trường to, đẹp và sạch sẽ này là chúng ta đã may mắn hơn các bạn ta rất nhiều, các bạn của ta nhiều người dù được 24, 25 điểm nhưng vẫn còn chờ xét chọn để rồi không biết có được vào trường hay không, hiện tại đang có hơn 1000 hồ sơ dự tuyển trong khi chỉ lấy có hơn 100 chỉ tiêu bổ xung. Đó chúng ta đã thấy vinh dự chưa”.
TỰ HÀO: “Các em đang ngồi trong một ngôi trường đại học có bề dày truyền thống lịch sử hào hùng, trong một ngôi trường anh hùng với những người thày anh hùng. Các em ạ, trường ta đứng đầu cả nước về lĩnh vực khoa học xã hội, trường ta có những con người đã làm nên lịch sử như Trần Đại Nghĩa, Đào Duy Anh, Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm… Các em hãy ngẩng cao đầu mà nói “Tôi là sinh viên trường Nhân văn” với tất cả niềm tự hào của mình bởi vì khi các em bước chân vào ngôi trường này là các em chính thức bước vào một không gian học thuật trong sạch, không hề có tiêu cực… Tự hào lắm chứ”.
TRÁCH NHIỆM: “Các em trước tiên phải có trách nhiệm với bản thân chúng ta, rồi sau đó là trách nhiệm với bố mẹ những con người đã sinh ra chúng ta. Cha mẹ ta sinh ta ra chỉ mong ta lớn khôn học hành bằng bạn bằng bè vì vậy chúng ta phải có trách nhiệm sống làm sao cho cha mẹ đừng buồn và thất vọng về chúng ta. Tiếp theo khi các em đã vào trường Nhân văn này là các em phải có trách nhiệm với thày cô, với bạn bè và nhà trường, phải tôn trọng thày cô bạn bè”.
Những lời nói của thày cứ trầm bổng một chất giọng xứ Nghệ lôi cuốn khiến cho gần 1000 tân sinh viên mãi miết nhìn thày, nhìn con người được mệnh danh là “Người đàn ông có sức hút mạnh mẽ nhất trường Nhân văn”.
Đã có những giọt nước mắt lăn dài trên má khi thày kể về nỗi vất vả của những bậc sinh thành “Tiễn các em lên Hà Nội là cha mẹ các em sẽ phải làm việc gấp 2 lần để có tiền cung cấp cho các em, để các em mãi tự hào về hậu phương vững chắc mỗi khi quay đầu nhìn lại” cha mẹ hi sinh cho các em nhiều lắm nhưng họ chẳng hề than vãn lấy một câu mà ngược lại mỗi khi nghe thấy tiếng người con khoe thành tích thì họ hạnh phúc đến vô cùng, thế nhưng nếu các em không biết cố gắng mà để kết quả học tập thấp thì người buồn nhất sẽ là cha mẹ các em.
Giọng nói giản dị của thày, những lời tâm sự của thày nó đã đã vô tình như những lời “Hịch” để tạo cho các em tân sinh viên k58 một động lực để cố gắng vươn lên vượt qua mọi khó khăn vất vả mà các em sẽ gặp phải trong 4 năm học sắp đến.
Chúc các em tân sinh viên sẽ mãi có nụ cười và cả những giọt nước mắt hạnh phúc trên giảng đường Nhân văn trong quãng đời sinh viên sắp tới.





Lý Viết Trường, k57 lịch sử